Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Rèn đức tính trung thực cho con, chuyện tưởng dễ mà chẳng phải nếu mẹ thiếu 7 phương pháp quan trọng này

Giáo dục trẻ đức tính trung thực là việc mẹ cần làm ngay từ khi con còn nhỏ, bởi đó chính là chìa khóa cho trẻ bước vào cuộc đời trong tâm thế của con người biết sống chân thành, tôn trọng bản thân, tôn trọng lẽ phải thay vì sự dối trá.

Đức tính thật thà, trung thực là một trong những đức tính quan trọng và cốt lõi giúp hình thành nhân cách, tính cách, quyết định tới cuộc sống sau này của trẻ. 

Đối với nhiều bậc cha mẹ, nuôi dạy những đứa trẻ trung thực, thật thà là một thách thức bởi trẻ rất khó phân biệt giữa sự thật và lời nói dối, đặc biệt với trẻ dưới 6 tuổi. 

Vậy nên việc dạy con sống trung thực là việc mà ai cũng cảm thấy vô cùng cần thiết nhưng lại luôn có nhiều lý do để không thực hiện.

Trung thực là chìa khóa cho trẻ bước vào cuộc đời trong tâm thế của con người biết sống chân thành, tôn trọng bản thân, tôn trọng lẽ phải. (Ảnh minh họa)

Tiến sỹ Lim Boon Leng, nhà tâm lý học thuộc Trung tâm Tâm lý Sức khỏe Tâm thần BL Lim (Singapore) giải thích: “Trẻ nói dối vì chúng nghĩ rằng mình có thể đạt được điều gì đó bằng cách này. 

Ví dụ, bằng cách nói dối về việc đã hoàn thành công việc, trẻ có thể đi xem tivi. Trẻ cũng nói dối để tránh bị cha mẹ, thầy cô phạt hoặc để thoát khỏi những tình huống khó khăn”

Vậy làm thế nào để trẻ cảm thấy yên tâm và phát huy được đức tính này thay vì liên tục phải tìm cách để nói dối và che giấu sự thật, mẹ hãy tham khảo ngay 7 giải pháp đáng chú ý sau:

1. Không đẩy trẻ vào tình huống phải nói dối

Đôi khi chính cha mẹ cũng muốn thử xem con mình có nói dối hay không và việc này vô tình khiến trẻ rơi vào tinh huống “phải” nói dối. 

Chẳng hạn mặc dù đã biết chắc là con chưa làm bài xong nhưng mẹ vẫn hỏi con đã làm xong chưa, như vậy sẽ khiến con khó xử và tìm cách nói dối để làm mẹ hài lòng. 

Thay vào đó, mẹ hãy nói rằng: “Mẹ thấy con chưa làm xong bài, con đưa mẹ xem con đã làm đến đâu rồi” sẽ khích lệ trẻ nhiều hơn.

Mẹ không nên đẩy bé rơi vào những tình huống buộc phải nói dối. (Ảnh minh họa)

2. Người lớn cũng cần trung thực và thừa nhận khuyết điểm của mình

Tiến sỹ Lim cho hay bố mẹ nói dối, dù chỉ là rất nhỏ và vô hại cũng sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ về lòng trung thực ở trẻ nhỏ bởi đôi khi trẻ không thể phân biệt được những lời nói dối vô hại với lời nói dối có hại, có hậu quả nghiêm trọng. 

Nếu bắt buộc phải nói dối con thì mẹ cần phải giải thích cho con hiểu tại sao mẹ lại làm vậy và nhấn mạnh đó là trường hợp ngoại lệ mà thôi. 

Nhiều bậc cha mẹ còn sợ việc phải thừa nhận lỗi của mình với con cái vì lo sợ con sẽ không còn tôn trọng nữa, nhưng hành động trung thực và sẵn sàng nhận sai với chính con trẻ cũng sẽ giúp tạo dựng niềm tin và môi trường sống tốt đẹp trong gia đình.

3. Cố gắng nói thật cho con

Trẻ thường rất khó uống thuốc vì sợ vị đắng và mùi khó chịu, nhưng thay vì nói rằng thuốc này rất ngọt, dễ uống để dụ dỗ bé thì mẹ chỉ cần nói đơn giản là thuốc này tốt cho sức khỏe của con. 

Hay khi bé không thích món quà được tặng nào đó, đừng cố dạy con phải giả vờ và thích thú hay là nói thẳng ra con không thích món quà đó, thay vào đó mẹ hãy dạy trẻ nói lời cảm ơn vì sự chu đáo và quan tâm mà người tặng dành cho con.

Mẹ hãy nói thật và giải thích cho con từng tình huống cụ thể. (Ảnh minh họa)

4. Khích lệ con nói ra sự thật

Mỗi khi con trót làm vỡ bát đĩa, hay xé trang sách, mẹ thường tỏ ra bực bội cáu giận thay vì chú ý đến lòng trung thực của con là đã thú nhận việc làm của mình với mẹ. 

Việc trẻ nhận lỗi chứng tỏ sự can đảm và dũng cảm rất lớn. Vì vậy cha mẹ hãy mở lòng và lựa chọn các ứng xử phù hợp hơn như khích lệ, động viên con và nhắc nhở con cẩn thận hơn cho lần sau.

5. Để con tự chịu trách nhiệm, nhận hậu quả

Nếu bé quên làm bài tập về nhà, thay vì vội vàng bắt con làm hay làm cho con thì mẹ hãy để cho con được tự chịu trách nhiệm. 

Việc mẹ che giấu và giúp con tránh khỏi những hậu quả là đang tiếp tay cho bé với suy nghĩ dễ dàng thoát ra được những hành động sai trái, từ đó tạo hệ lụy cho sự không thành khẩn, trung thực.

Không nên che giấu hoặc hoặc thay con mà hãy để bé tự chịu trách nhiệm với hành động của mình. (Ảnh minh họa)

6. Giữ thái độ chừng mực, không quá gay gắt với con

Có một sự thật là mỗi khi trẻ làm sai thì phản ứng và cách ứng xử của cha mẹ lại ảnh hưởng rất nhiều đến mức độ thành thật của trẻ. 

Cáu gắt, la hét hay đòi hỏi quá cao sẽ chỉ khiến trẻ thêm bối rối và tìm cách lẩn tránh sự thật. Chính vì vậy sự bình tĩnh và giữ thái độ chừng mực sẽ giúp cả cha mẹ và bé tìm hiểu, giải quyết vấn đề một cách triệt để, hiệu quả hơn.

Cáu gắt, la hét hay đòi hỏi quá cao sẽ chỉ khiến trẻ thêm bối rối và tìm cách lẩn tránh sự thật. (Ảnh minh họa)

7. Tìm nguyên nhân khiến trẻ không trung thực

Theo Tiến sỹ Lim: “Khi phát hiện con nói dối và không đúng sự thật, cha mẹ cần lắng nghe và tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ làm vậy là gì.

Tìm được nguyên nhân thì cha mẹ có thể có cách xử lý phù hợp và trẻ cũng không cần phải nói dối sau này nữa”. 

Rất có thể trẻ đã quá mệt mỏi và áp lực với bài vở ở trường, hoặc bài quá khó vượt ngoài khả năng của trẻ.

Nguyên phương – Helino

Link

Exit mobile version