Hậu cung của Thành Cát Tư Hãn có không ít mỹ nhân đến từ những thế lực thù địch. Vậy đâu là lý do khiến Thành Cát Tư Hãn có thể chung sống với họ an toàn?
Sở hữu lãnh thổ rộng lớn từng trải dài trên hai lục địa Á – Âu, không ngạc nhiên khi Thành Cát Tư Hãn có trong tay hậu cung với không ít cung tần, mỹ nữ.
Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, việc Hoàng đế có đến tam cung lục viện không phải là điều hiếm lạ.
Thế nhưng người sở hữu hậu cung đầy rẫy mỹ nữ đến từ các phe phái thù địch, thậm chí còn mang mối thù không đội trời chung với mình như Thành Cát Tư Hãn không nhiều.
Sự thực là không ít mỹ nhân bên trong các hậu cung của Thành Cát Tư Hãn đều từng mang xuất thân từ các thế lực thù địch với ông. Thậm chí, nhiều người trong số đó đến từ những vùng đất từng bị đại quân Mông Cổ càn quét, thôn tính.
Thiết nghĩ, nếu một vị phi tần đang đắc sủng nào bất ngờ ám sát Thành Cát Tư Hãn, có lẽ bộ tộc Mông Cổ khó có được cơ nghiệp khổng lồ sau này.
Thế nhưng ngay cả khi nắm trong tay hệ thống hậu cung tồn tại nhiều người phụ nữ mang mối nợ nước thù nhà với mình như vậy, vì sao Thành Cát Tư Hãn vẫn có thể kê cao gối mà ngủ và không hề sợ bị ám sát?
Hệ thống hậu cung đặc biệt và đời sống tình cảm phong phú của Thành Cát Tư Hãn
Thành Cát Tư Hãn là một Khả hãn Mông Cổ và là người sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ sau khi hợp
nhất các bộ lạc độc lập ở vùng đông bắc châu Á năm 1206. (Tranh minh họa).
Nhắc tới Thành Cát Tư Hãn, các tài liệu lịch sử Trung Quốc từng dành không ít câu từ hoa mỹ để miêu tả vị Đại hãn này như oai hùng hiên ngang, kiêu dũng thiện chiến, đa mưu túc chí.
Thế nhưng bên cạnh nhiều mỹ tự ca ngợi tài năng được đề cập tới trong chính sử, một số giai thoại về đời tư của nhân vật này lại chứng minh ông là một người có đời sống tình cảm phong phú.
Tương truyền rằng, bộ tộc Mông Cổ từ thời xa xưa có một quy định: Khi hai tộc xảy ra chiến tranh, phe thắng có thể cướp đoạt phụ nữ của phe bại.
Thành Cát Tư Hãn cả đời đi chinh chiến nhiều nơi, giành được không ít thắng lợi. Vì vậy không khó để tưởng tượng rằng hậu cung của ông có nhiều mỹ nhân từng được coi như “chiến lợi phẩm” sau mỗi trận đánh.
Theo thống kê từ một số nguồn sử liệu, Thành Cát Tư Hãn khi xưa có hơn 40 vị phi tử mang danh vị chính thức. Đó là chưa kể tới không ít những phụ nữ từng phục vụ ông nhưng không được ban cho danh phận.
Điểm đặc biệt về hệ thống hậu cung của vị Đại hãn này chính là địa vị Hoàng hậu không dừng lại ở con số một.
Vì sở hữu lãnh thổ rộng lớn, Thành Cát Tư Hãn thường phân công cho các vị Hoàng hậu của mình mỗi người cai quản hậu cung ở một địa phương.
Trong hệ thống hậu cung trải rộng của vị Đại hãn này, chỉ có một người từng sở hữu địa vị hơn cả. Đó chính là Bột Nhi Thiếp – Chính cung Hoàng hậu của Thành Cát Tư Hãn.
Trong số những người con trai của vị Đại hãn này, có tới 4 người đều do chính thê sinh ra.
Điều này không chỉ cho thấy thấy ông rất sủng ái người vợ danh chính ngôn thuận của mình mà cũng phần nào chứng minh Thành Cát Tư Hãn đối xử với các mỹ nhân nơi hậu cung cũng không phải bạc tình bạc nghĩa.
Đòn tâm lý của vị Đại hãn Mông Cổ khiến hậu cung trên dưới đều thần phục
Thành Cát Tư Hãn có khoảng 40 thê thiếp chính thức. Điều đáng nói là ông phong Hoàng hậu
cho không ít mỹ nhân để họ chia nhau cai quản hệ thống hậu cung của mình. (Ảnh minh họa).
Nếu đánh giá từ góc độ tâm lý học, việc những người phụ nữ có tư thù với Thành Cát Tư Hãn không tiến hành ám sát ông có thể được lý giải thông qua hội chứng Stockholm.
Hội chứng này chỉ việc người bị bắt cóc hoặc bị hại nảy sinh tình cảm và sự lệ thuộc với chính kẻ đã hãm hại mình.
Nhìn lại bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, Thành Cát Tư Hãn chính là một nhân vật cường đại và sở hữu thực lực vô cùng mạnh mẽ.
Vì vậy, những nữ nhân có xuất thân từ các thế lực thù địch có lẽ từ sớm đã nhận ra rằng họ không thể chống lại vị Đại hãn ấy.
Xuất phát từ suy nghĩ không cách nào kháng cự, rất có thể họ đã ý thức được thực tế hoàn cảnh của mình, từ đó chấp nhận với cuộc sống trong hậu cung và từ từ thần phục Thành Cát Tư Hãn.
Bên cạnh đó, phần đông các mỹ nhân này đều ý thức được rằng họ tiến vào hậu cung trên danh nghĩa để hòa thân hoặc là chiến lợi phẩm sau những cuộc chiến tranh. Do đó, họ buộc phải tuân theo quy củ để đảm bảo tính mạng cho thân nhân và đồng bào của mình.
Lý do thực sự giúp Thành Cát Tư Hãn có thể “kê cao gối ngủ” trong hậu cung đầy rẫy kẻ thù
Ngoài những yếu tố liên quan trực tiếp tới Thành Cát Tư Hãn, quan niệm và tư tưởng phong
kiến đối với người phụ nữ cũng là nguyên nhân quan trọng giúp Thành Cát Tư Hãn an tâm về hậu cung của mình. (Ảnh minh họa).
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, còn một lý do trọng yếu khác giúp Thành Cát Tư Hãn yên tâm “kê cao gối mà ngủ” bên cạnh những người phụ nữ có thâm thù với mình.
Nguyên nhân này xuất phát từ địa vị và quan niệm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến Trung Hoa xưa.
Vào thời bấy giờ, quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tương đối nặng nề. Huống chi nhiều mỹ nhân trong hậu cung của Thành Cát Tư Hãn lại đến từ những vùng đất chiến bại, thân phận càng không mấy được coi trọng.
Hơn nữa, quan niệm “xuất giá tòng phu” cũng chi phối hành động và suy nghĩ của họ, khiến những người phụ nữ ấy tình nguyện nghe theo trượng phu của mình. Nguy cơ ám sát cũng vì vậy mà có khả năng xảy ra rất hãn hữu.
Ngoài ra, trải qua quá trình chung sống lâu dài, các mỹ nhân sẽ dần chấp nhận mối hôn nhân với Thành Cát Tư Hãn, từ đó thỏa hiệp với cuộc sống yên bình nơi hậu cung.
Từ những phân tích trên, ta dễ dàng nhận thấy có không ít lý do để những người phụ nữ trong hậu cung buông bỏ mối huyết hải thâm thù để trung thành với Thành Cát Tư Hãn.
Bởi thực tế là vị Đại hãn này không chỉ đem lại vinh hoa phú quý mà còn mang tới cho họ sự ổn định và an toàn giữa thời kỳ binh đao chiến loạn.
Có suy đoán cho rằng, với hậu cung đầy rẫy những người phụ nữ có tư thù với mình, những phi vụ ám sát rất có thể đã từng phát sinh.
Trong một cuốn sách được viết vào thời nhà Thanh cũng từng nhắc đến giai thoại Thành Cát Tư Hãn bị một vị mỹ nhân Tây Hạ ám sát. Tuy nhiên câu chuyện này vẫn chỉ được xem là một giả thiết mà thôi.
Sự thực là theo ghi chép của các tài liệu chính sử, Thành Cát Tư Hãn vẫn an toàn sống chung với số lượng thê thiếp đông đúc của mình cho đến khi qua đời vì bệnh tật vào năm 1227 ở tuổi 66.
Theo Thời đại