Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Sốt sau tiêm vaccine ở trẻ em: Kèm dấu hiệu nào thì nguy hiểm?

Sốt sau tiêm
Các tác dụng phụ thường gặp của vacxin là: đau sưng chỗ chích, sốt, mệt mỏi, quấy, giảm ăn uống. Ảnh minh họa.

Điều quan trọng hơn là nên theo dõi các dấu hiệu quan trọng, nguy hiểm, chỉ điểm các bệnh có thể xảy ra cùng thời điểm sau chích ngừa, không liên quan đến vaccine được chích, để có thể cho trẻ đi khám đúng lúc và được can thiệp kịp thời.

Tác dụng phụ của chích ngừa

Vắc-xin (vaccine) được xem là một trong những phát kiến hữu hiệu nhất của con người trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và là một công cụ hữu hiệu nhất của ngành y, chống lại những bệnh tật nguy hiểm, chết người.

Nguyên lý hoạt động của vaccine là giới thiệu vào cơ thể con người một số thành phần đặc hiệu của yếu tố gây bệnh (virus, vi trùng) để kích thích hệ miễn dịch, tạo ra phản ứng miễn dịch hiệu quả mà không gây bệnh thật cho cơ thể. Từ đó, tạo ra các dòng tế bào miễn dịch đặc hiệu có thể “nhớ mặt đặt tên” các yếu tố gây bệnh này. 

Trong tương lai, nếu cơ thể bị xâm nhập bởi những yếu tố trên, cơ thể sẽ có sẵn các chiến binh tinh nhuệ phù hợp, tiêu diệt các yếu tố này từ sớm, để dập tắt khả năng phát triển thành bệnh, hoặc giảm nhẹ mức độ bệnh và giảm nguy cơ biến chứng từ bệnh, nếu yếu tố xâm nhập tỏ vẻ mạnh hơn.

Tuy nhiên, vì là một loại thuốc, nên bất kì vaccine nào cũng có thể có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ. Đa số các tác dụng phụ của vaccine là nhẹ và thoáng qua. Một số rất ít tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm, như phản ứng phản vệ. 

Nhưng nguy cơ tác dụng phụ nguy hiểm là rất thấp và rất không đáng kể so với hiệu quả phòng ngừa, giảm thiểu tử vong và biến chứng từ bệnh nguy hiểm, để bảo vệ cá thể nói riêng và cộng đồng con người nói chung.

Ở đa số các vaccine, tác dụng phụ thường xảy ra trong khoảng 24 – 48 giờ đầu sau chích ngừa. Các tác dụng phụ thường gặp là: đau sưng chỗ chích, sốt, mệt mỏi, quấy, giảm ăn uống. 

Trẻ nhỏ có thể quấy khóc nhiều hơn, dễ ói hoặc trớ sau bú hơn, cũng như có thể bị rối loạn giấc ngủ tạm thời. Trẻ lớn hơn có thể than nhức đầu, đau cơ, đau khớp. Những triệu chứng khó ở này thường chỉ thoáng qua, kéo dài khoảng 2 – 3 ngày, rồi tự hết.

Nếu trẻ có bị sưng đau chỗ chích ngừa, ba mẹ có thể chườm lạnh vào chỗ sưng đau (không chườm đá trực tiếp, mà lấy khăn quấn vào đá và chườm khoảng 10 – 20 phút một lần vài lần một ngày). 

Nếu sau 24 giờ quan sát mà vùng sưng nóng đỏ này không bớt, lại phát triển nhiều hơn, hoặc nếu vùng sưng nóng đỏ kéo dài hơn 2 ngày, nên cho trẻ đi khám bác sĩ để loại trừ nhiễm trùng chỗ chích. 

Một số trẻ sau khi chích ngừa tại đùi hoặc tay, sau vài ngày, ba mẹ sờ vào sẽ thấy hơi cưng cứng, nhưng vùng da vẫn bình thường, không sưng, không đỏ nề, không nóng. Đây là phản ứng mô tại chỗ đối với thuốc chích ngừa, khá lành tính và thường không để lại hệ quả gì ngoài khả năng lưu lại một cục sẹo cưng cứng rất lì hơi, lâu thật lâu mới chịu tan đi mất. 

Đối với trường hợp trẻ bị sốt cao sau chích ngừa, chúng ta nên cho trẻ mặc thoáng, khuyến khích trẻ uống sữa, uống nước thường xuyên. 

Chúng ta có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt acetaminophen (Ví dụ như Tylenol, Efferalgan, Paracetamol, Hapacol…) với liều 10 – 15 mg/kg/lần, các liều thuốc uống cách nhau tối thiểu 4 giờ, tối đa 4 – 5 lần một ngày nếu trẻ sốt cao trên 38,3 – 38,5 độ C hoặc trẻ quấy khóc, bứt rứt. 

Ở trẻ trên 6 tháng tuổi, chúng ta có thể chọn Ibuprofen (Nurofen, Brufen…) thay Acetaminophen với liều 5mg – 10mg/kg/lần, cách nhau tối thiểu 6 – 8 giờ, tối đa 4 lần một ngày. Không nên sử dụng đồng thời hai loại thuốc, để tránh nguy cơ cho sai liều thuốc, cũng như nguy cơ quá liều thuốc điều trị. 

Sốt sau tiêm
Ảnh minh họa.

Những dấu hiệu nào là nguy hiểm?

Nhiều ba mẹ cố tìm cách giảm sốt cho con để mình bớt lo, bằng cách cho trẻ tắm nhiều lần, chườm mát cho trẻ, hoặc cho con nằm quạt nhiều để thoát khí. Tuy nhiên, những can thiệp này là không có hiệu quả nhiều và không cần thiết phải làm. 

Điều quan trọng là việc theo dõi sốt và các triệu chứng nguy hiểm kèm theo, để có thể đánh giá chính xác tổng trạng của trẻ và để quyết định đúng thời điểm cần khám lại.

Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là, sốt sau chích ngừa có thể không phải là phản ứng phụ của chích ngừa đơn thuần, mà là triệu chứng của một bệnh nào đó bắt đầu phát triển

Có thể là, trong thời gian chích ngừa, trẻ đang trong giai đoạn ủ bệnh. Vì vậy, đối với sốt sau chích ngừa, chúng ta không nên quy chụp ngay cho vaccine, mà nên cẩn thận theo dõi thêm các triệu chứng khác cũng như diễn tiến thay đổi tình trạng của trẻ. 

Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt trên 38 độ C sau chích ngừa thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ, để tầm soát bệnh, vì trẻ nhóm tuổi này có nguy cơ bị các bệnh nhiễm trùng cũng như nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm của bệnh cao hơn nhóm tuổi lớn hơn. 

* Bài viết này rút từ sách “Chat với bác sĩ” của BS Trần Thị Huyên Thảo, Thái Hà Books phối hợp với Nhà xuất bản Lao Động ấn hành. Các tiêu đề trong bài do Ban biên tập tòa soạn đặt.

Bs Trần Thị Huyên Thảo tốt nghiệp y khoa tại trường đại học Monash, Melbourne, Úc, qua chương trình học bổng toàn phần AusAid của chính phủ Úc.

Sốt sau tiêm

Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Huyên Thảo về làm việc tại Việt Nam và có nhiều năm kinh nghiệm về Nhi Khoa. Bs Huyên Thảo hiện đang giữ vị trí Trưởng khoa Nhi, phòng khám CarePlus.

Chị cũng từng xuất bản hai quyển sách chăm sóc trẻ: “Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng!” dành cho lứa tuổi 0-6 tháng, và “Bước đệm vững chắc vào đời” dành cho trẻ từ 0-6 tháng.

Nếu trẻ trên 3 tháng tuổi, có sốt trên hai ngày, trẻ cũng nên được thăm khám, mặc dù có thể không có triệu chứng gì khác. 

Dĩ nhiên, bạn nên cho trẻ đi khám bác sĩ ngay, nếu bạn thấy bé lừ đừ, quấy khóc liên tục, mệt mỏi, ói nhiều, tiêu chảy nhiều, thở mệt, tiêu máu… hoặc nếu bạn có bất kì lo lắng, không an tâm nào. 

Một số trường hợp trẻ sau chích ngừa bị sốt một vài ngày sau đó ngưng một vài ngày, sau đó lại bị sốt lại. Đây là những trường hợp chúng ta càng không nên suy luận cơn sốt tái phát là do chích ngừa, mà khả năng cao là do một bệnh nào đó mới mà thôi. 

Các vaccine sống như Thủy đậu và vaccine có sởi (vaccine sởi đơn, hoặc vaccine 3 trong 1: Sởi, Quai bị, Rubella), sẽ có tác dụng phụ trễ hơn, thường trong khoảng 1 – 4 tuần sau chích ngừa, vì lúc này cơ thể mới bắt đầu có phản ứng miễn dịch với các vaccine này. Đối với vaccine thủy đậu, có thể gây sốt nhẹ sau khi chíchngừa khoảng 17 – 28 ngày và cơn sốt thường kết thúc sau 2 – 3 ngày. 

Trong 100 trẻ chích ngừa thủy đậu, có khoảng 3 – 4 trẻ có thể có những sẩn bóng nước giống bệnh thủy đậu, tại chỗ chích ngừa, hoặc ở trên người và biến mất sau vài ngày. Hiện tượng này thường xảy ra từ ngày 5 đến ngày 26 sau chích ngừa thủy đậu và hoàn toàn không phải là bệnh, nên không lây. 

Tuy nhiên, để chắc chắn đây chỉ là phản ứng sau chích ngừa và không phải là bệnh thủy đậu thật, ba mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ nếu có nghi ngờ, để được đánh giá và hướng dẫn đúng đắn. 

Vaccine chứa sởi vì là vaccine sống nên cũng có thể gây các triệu chứng sốt, sẩn hồng ban ở 5 – 10% trẻ, trong khoảng ngày 6đến ngày thứ 12 sau chích. Các triệu chứng này cũng chỉ kéo dài 2 – 3 ngày rồi tự hết và không có tính lây lan.

Sốt sau chích ngừa và hiệu quả vaccine

Khi ba mẹ cho trẻ đi chích ngừa, đa số rất lo lắng về việc trẻ có bị sốt hay không sau chích và ngầm mong con đừng bị sốt. Nhưng khi con không bị sốt thì ba mẹ thay vì thở phào nhẹ nhõm, thì lại quay sang lo, không bị sốt thì vaccine không hiệu quả! Chừng nào chúng ta mới hết lo đây?

Sốt sau tiêm
Sốt sau chích ngừa là một biểu hiện cho biết hệ miễn dịch đang có đáp ứng với vaccine.

Đồng ý rằng, sốt sau chích ngừa là một biểu hiện cho biết hệ miễn dịch đang có đáp ứng với vaccine. Tuy nhiên, sốt hay không sốt, sốt cao hay thấp, sốt kéo dài 1 ngày hay 3 ngày… đều không có liên hệ nào với việc cơ thể của trẻ có tạo miễn dịch tốt sau chích ngừa hay không.

Bằng chứng hiển nhiên là tỉ lệ số ca bị sốt không tương ứng với tỉ lệ số ca tạo miễn dịch hiệu quả sau chích ngừa. Ví dụ cụ thể là:

• Vaccine ngừa viêm gan siêu vi B: > 90% dân số chích ngừa sẽ có được bảo vệ miễn dịch tốt. Tuy nhiên, tỉ lệ phản ứng sốt sau tiêm vaccine này chỉ là 3% ở trẻ em.

• Vaccine Sởi – Quai bị – Rubella: Gây sốt ở khoảng 10% số ca chích ngừa. Nhưng sau liều tiêm đầu tiên, có đến 93% người tiêm có miễn dịch tốt bảo vệ khỏi bệnh sởi, 78% có miễn dịch tốt chống lại Quai bị, và 97% có miễn dịch tốt chống lại Rubella. Sau liều tiêm thứ hai, sẽ bảo vệ được 97% dân số chích ngừa chống lại sởi, và 88% chống lại được Quai bị.

• Vaccine 5 trong 1 Pentaxime hoặc Quinvaxem: tỉ lệ trẻ bị sốt sau chích ngừa vẫn thấp hơn nhiều so với tỉ lệ trẻ tạo được miễn dịch tốt chống lại các bệnh được tiêm phòng trong vaccine.

Vì vậy, nói chung, tôi thật sự khuyên các phụ huynh ngừng lăn tăn về việc con có sốt hay không sốt sau chích ngừa và hiệu quả của vaccine có liên quan. 

Chúng ta nên tiếp cận sốt sau chích ngừa như một triệu chứng có cũng được, không có lại càng tốt vì bản thân tác dụng phụ này cũng sẽ tự hết sau vài ngày khởi phát. 

Điều quan trọng hơn là nên theo dõi các dấu hiệu quan trọng, nguy hiểm, chỉ điểm các bệnh có thể xảy ra cùng thời điểm sau chích ngừa, không liên quan đến vaccine được chích, để có thể cho trẻ đi khám đúng lúc và được can thiệp kịp thời.

Đinh Mạnh, Theo Trí Thức Trẻ, Soha

Link

 

Exit mobile version