Nhiều bệnh nhân ung thư thắc mắc phác đồ điều trị ung thư của Mỹ và Việt Nam giống nhau và khác nhau chỗ nào. Vấn đề này được TS.BS Trần Huỳnh (Wynn Huynh Tran) trình bày tại Diễn đàn Bệnh nhân Ung thư 2018 được tổ chức ở Đà Nẵng, sáng 8/10.
So sánh phác đồ điều trị ung thư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, BS Trần Huỳnh khẳng định: Phác đồ điều trị ung thư khá giống nhau ở nhiều nước trên thế giới và bác sĩ ung thư tại Việt Nam cũng cập nhật những kiến thức chữa trị ung thư như bác sĩ tại Hoa Kỳ.
Xét về kết quả điều trị thì kết quả sẽ phụ thuộc khá nhiều vào thể trạng và cơ địa khác nhau của mỗi bệnh nhân cũng như hệ thống hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Do vậy, bệnh nhân cần nhận ra rằng chữa trị ung thư là chữa trị chăm sóc toàn diện, không chỉ dựa vào phác đồ điều trị.
Bác sĩ Huỳnh đã biến giấc mơ “khoác áo blouse trắng” thành hiện thực khi tốt nghiệp chuyên ngành Y sinh học, Đại học Grand Valley State University, Mỹ; tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ Y Khoa ĐH New York tai Buffalo, Mỹ và là bác sĩ nội trú của một số bệnh tại Mỹ.
So sánh phác đồ điều trị của Việt Nam và Mỹ
Mở đầu buổi nói chuyện, BS Trần Huỳnh đưa ra một ví dụ dí dỏm, hỏi mọi người về phản ứng khi nhận tin trúng Vietlot 20 tỉ và tin sét đánh ung thư, kết quả cho thấy phản ứng của con người khi nhận tin cực tốt và cực xấu đều thường có xu hướng chia sẻ với người thân và lên mạng tìm kiếm thông tin.Ông cũng dẫn chứng thống kê tại Mỹ cho thấy khi bệnh nhân mắc bệnh ung thư thì: 30% gọi điện chia sẻ với người thân, 50% lên mạng tìm kiếm thông tin (sau khi hỏi tên ung thư tiếng Anh là gì) và 20% không tin.
Để giúp mọi người có thể so sánh sự giống và khác nhau giữa phác đồ điều trị ung thư của Việt Nam và phác đồ điều trị ung thư của Mỹ, BS Trần Huỳnh đưa ra 2 trường hợp bệnh nhân ung thư, một người ở Việt Nam, một người ở Mỹ, có sự tương đồng về giới, tuổi, loại bệnh, giai đoạn bệnh, cùng có đức tin tôn giáo.
Hai người cùng được điều trị phác đồ tương đương nhưng ở Mỹ có sự phối hợp của BS gia đình, BS tâm lý. Nhân đây, BS Trần Huỳnh muốn nhấn mạnh đến yếu tố điều trị toàn diện, trong đó có vai trò quan trọng của tôn giáo, đức tin. Anh nói, khi người ung thư đi chùa hay cầu nguyện là họ đang thực hiện việc chữa bệnh.
Bác sĩ Trần Huỳnh khẳng định: “Ung thư phát sinh từ một tế bào. Tất cả ung thư đều khác nhau. Ung thư không phải là một bệnh mà là nhiều bệnh tổng hợp. Ung thư phát triển chậm thời gian đầu nhưng phát triển nhanh thời gian sau. Bệnh nhân thường chết vì di căn ung thư chứ không vì ung thư nguyên phát. Gene của ung thư nằm trên nhiễm sắc thể và nhiều thay đổi gene (biến dị) để tế bào thay đổi. Tuổi càng cao càng tăng rủi ro ung thư vì khả năng đột biến của tế bào tăng lên”.
Khi nào ung thư bị phát hiện? Trả lời cho câu hỏi này, bác sĩ Trần Huỳnh cho biết: “Đây là một câu hỏi mà rất nhiều bác sĩ, nhà khoa học cố gắng tìm kiếm và câu trả lời là nó phải phát triển đến một kích cỡ nhất định chúng ta mới dò được. Kích cỡ phải lớn bằng đầu ngón tay út mới có thể dò tìm được ung thư. Nếu khối u nhỏ hơn sẽ không dò được. Khối u có trên 1 tỉ tế bào, tương đương kích cỡ hạt đậu. Trong đó, tế bào ung thư phát triển đến số lượng 1.000.000 sẽ cần thêm mạch máu. Khi tế bào lớn như vậy, nó cần nhiều máu, cần nhiều dinh dưỡng và nó gom lại thành một cục lớn hơn”.Bác sĩ Trần Huỳnh khẳng định, ung thư phổi là một trong ba loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Tại việt Nam, ung thư phổi là ung thư thứ nhì, chỉ sau ung thư gan. Trong khi đó, tại Mỹ, ung thư phổi là ung thư hàng đầu, chia ra 2 loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (small cell lung cancer, chiếm khoảng 15%) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (non – small cell lung cancer, chiếm khoảng 85%).Ung thư phổi không tế bào nhỏ gây ra bởi nhiều nguyên nhân.
Tại Việt Nam, khoảng 80 – 90 % liên quan đến thuốc lá. Tại Mỹ, khoảng 70 – 80% liên quan đến thuốc lá, thấp hơn tại Việt Nam. Ung thư phổi tế bào nhỏ xảy ra ở tế bào phổi và ở đơn vị cơ bản nhất. Khi mà tế bào này càng ngày càng lớn, dẫn đến không gian trong phổi ngày càng hạn hẹp, ảnh hưởng trầm trọng đến khả năng hít thở của bệnh nhân. Đây là lý do tại sao bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ, những triệu chứng thường gặp là khó thở hoặc là ho ra máu.
Bác sĩ Trần Huỳnh đưa ra nhận xét: “Phác đồ điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ của Việt Nam và Mỹ giống nhau. Bộ Y tế soạn thảo dựa trên các hướng dẫn từ NCCN và Hội Ung thư Hoa Kỳ. Bác sĩ ung thư Việt Nam rất thường xuyên cập nhật kiến thức chữa trị ung thư so với trên toàn thế giới, cũng như bác sĩ tại Mỹ”.Bên cạnh đó, bác sĩ Trần Huỳnh cũng khẳng định phác đồ điều trị ung thư khá giống nhau ở nhiều nước trên thế giới.
Với sự vững vàng chuyên môn và tấm lòng hướng về quê hương, Trần Huỳnh đang dẫn dắt điều hành tổ chức Y khoa phi lợi VietMD hoạt động mạnh mẽ vì các bác sĩ trẻ và sinh viên y khoa ở Việt Nam
Phác đồ điều trị giống nhau thì kết quả thế nào?
Vì thể trạng và cơ địa của mỗi người khác nhau, hệ thống bệnh viện và bác sĩ chuyên khoa chăm sóc sức khỏe khác nhau, hệ thống hỗ trợ khác nhau, văn hóa ở Mỹ và Việt Nam khác nhau thành ra có thể dẫn đến kết quả điều trị khác nhau.
Từ đó, bác sĩ Trần Huỳnh nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là chữa trị ung thư là chữa trị toàn diện, không chỉ dựa vào phác đồ điều trị”. Đây cũng là thông điệp mà vị bác sĩ trẻ muốn truyền tải đến tất cả mọi người. Bác sĩ cũng lấy ví dụ về BMW, thương hiệu xe được sản xuất trên toàn cầu và được yêu thích về công nghệ, về tốc độ và độ an toàn. Rõ ràng, xe BMW sản xuất khắp nơi trên thế giới đều dùng chung một bản vẽ chính. Nhưng xe sản xuất tại Mỹ, Đức và Thái Lan khác nhau về chất lượng, giá thành và bảo hành. Thông qua đó, bác sĩ làm sáng tỏ vấn đề: Phác đồ điều trị ở Mỹ và Việt Nam có thể giống nhau nhưng hệ thống hỗ trợ có thể khác nhau dẫn đến kết quả điều trị khác nhau.
Chữa trị ung thư là chữa trị chăm sóc toàn diện
Bác sĩ Trần Huỳnh cho biết: Chữa trị ung thư là chữa trị toàn diện bao gồm các yếu tố như phác đồ điều trị, chữa các bệnh xảy ra khi điều trị ung thư và tác dụng phụ của các phương pháp điều trị, chăm sóc giảm đau và giảm nhẹ, chăm sóc tinh thần cho người thân và bệnh nhân, dinh dưỡng và các nhóm hỗ trợ.Những Hiệp Hội Ung Thư lớn tại Hoa Kỳ bao gồm ASCO, ACS và ACP khuyến khích làm việc nhóm (Team Approach) trong chữa trị ung thư. Trong đó, 4 bác sĩ chính trong chữa trị ung thư là: bác sĩ nội khoa ung thư (hóa trị); bác sĩ ngoại khoa ung thư; bác sĩ xạ trị và bác sĩ hỗ trợ (hình ảnh, giải phẫu…).
Bác sĩ Trần Huỳnh cũng nhấn mạnh vai trò của bác sĩ ung thư và bác sĩ gia đình trong việc kết nối các bác sĩ chuyên khoa khác.Hiện tại, phác đồ điều trị và thuốc ung thư tại Việt Nam được cập nhật thường xuyên như trao đổi liên kết với các bệnh viện chuyên khoa quốc tế, tham gia hội thảo (như SCI), các bác sĩ Việt Nam rất giỏi, rất thông minh có thể học trên mạng, học online từ xa thông các tổ chức Y khoa (American Society of Clinical Oncology), hỗ trợ từ Bộ Y tế và các bệnh viện ung thư lớn…Chữa bệnh do trị liệu ung thư và tác dụng phụ của trị liệu gồm: Biếng ăn, mệt mỏi, táo bón, sụt cân, trầm cảm, buồn chán, mất tiếng, bại liệt, đột quỵ, rụng tóc, viêm da, nhiễm trùng. Chăm sóc giảm đau, giảm nhẹ cũng là một trong những việc quan trọng của chữa trị ung thư. Mặc dù đau là chủ đề lớn trong ung thư nhưng lại thường bị xem nhẹ. Giảm đau trong ung thư đòi hỏi bác sĩ chuyên khoa và thuốc đặc trị. Tuy nhiên, chăm sóc giảm nhẹ chưa được chú trọng tại Việt Nam.Bên cạnh đó cần phải chăm sóc tinh thần, chăm sóc tâm linh cho bệnh nhân. Các bệnh viện tại Mỹ đều có phòng cầu nguyện. Tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng trong chữa trị bằng tâm lý đối với ung thư.Ngoài ra cần chăm sóc dinh dưỡng vì ăn uống hôm nay quyết định sức khỏe ngày mai. Ở Việt Nam, dinh dưỡng chưa được chú trọng đúng mức trong ung thư và còn nhiều hiểu biết sai lầm trong ăn uống. Bệnh nhân ung thư nên chọn nhóm hỗ trợ để thay đổi cách nhìn về bệnh ung thư. SCI là một ví dụ tốt về nhóm hỗ trợ.
Vẻ điển trai, đầy sức hút từ chiếc áo blouse trắng đến hình ảnh dung dị đời thường của bác sĩTrần Huỳnh
Bác sĩ Trần Huỳnh (Wynn Huynh Tran) – Giảng viên ĐH Y Khoa California Northstate University – Sáng lập Tổ chức giáo dục y khoa VietMD.net và Trung tâm Y khoa Wynn Medical Center.
– Là tiến sĩ Y khoa ĐH New York tại Buffalo, Mỹ.
– Bác sĩ nội trú chuyên khoa nội tổng quát Bệnh viện St Joseph Mercy Health.
– Bác sĩ nghiên cứu chuyên khoa cơ xương khớp, BV ĐH Y khoa Keck, ĐH Nam California.
– Thạc sĩ da liễu và Văn bằng thực hành Chuyên khoa Da liễu, ĐH Y khoa Cardiff, Anh Quốc, Bệnh viện ĐH Wales, Anh Quốc.
– Chứng nhận chuyên khoa nội tổng quát của Hội dồng Nội khoa Hoa Kỳ.
– Giải thưởng BS giảng dạy xuất sắc Bệnh viện St. Joseph Health System, Giải thưởng công dân toàn cầu, tạp chí Barcode, INC. Sigapore.
Mỹ Thi
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn