Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Sự ra đi của nữ công nhân môi trường và nỗi ám ảnh người ở lại: Những phận đời phu rác bám đường phố Hà Nội mưu sinh

Người nữ công nhân môi trường nằm xuống trong lúc mưu sinh trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng.

Nữ công nhân 42 tuổi không may qua đời trong cơn cuồng loạn của gã đàn ông trung niên nồng nặc mùi rượu. Thắp cho chị nén hương, một nữ công nhân khác bật khóc: “Chị ơi, chị vẫn ở đây với tụi em. Hết 3 ngày chị về nhà mình nhé”.

10h tối 24/4, đầu đường Láng nghi ngút khói hương, một chiếc bàn thờ lập tạm được đặt đúng nơi nữ công nhân môi trường tử vong. Cứ chốc chốc, người qua đường dừng lại, thắp cho chị nén hương, khấn vái vài câu trong cửa miệng. Họ đều không quen biết người đã khuất, cho đến khi chị mãi nằm lại nơi đây trong cơn cuồng loạn của gã đàn ông trung niên nồng nặc mùi rượu.

Dòng xe qua đường Láng vẫn đều đều chuyển bánh, đường đông và nguy hiểm. Thế mà đêm hôm đó, chiếc xe rác nát bươm, thi thể chị Hà cũng không còn nguyên vẹn. Có người bảo, dù làm công nhân môi trường hay chạy thêm Grab, đời chị cơ bản gắn liền với đường sá. Chị khổ đến ngay cả lúc mất đi, đến cái chết cũng bị đưa vào hoàn cảnh nghiệt ngã nhất.

Đêm 22/4 là một đêm ám ảnh của những công nhân môi trường làm việc tại khu Ngã Tư Sở, khi mà họ phải chứng kiến một người chị, người em, người bạn, người đồng nghiệp bị dày xéo dưới bánh xe ô tô, đầy oan ức và nghiệt ngã. Đối với họ, công bằng mà nói, phận nghề quét rác, gọi sang hơn là lao công, không biết sống chết ập đến lúc nào mà vinh hoa phú quý cũng chẳng bao giờ đến lượt.

 Nhóm lao công bạn chị Hà ngồi trước bàn thờ lập tạm tại hiện trường.
Nỗi đau in hằn trên khuôn mặt từng phận phụ nữ làm phu rác.

“Chị ơi, chị vẫn ở đây với tụi em nhé”Đêm cuối cùng của người quét rác, cơ thể chị không nguyên vẹn. Đứa con thơ ngồi nhìn mẹ nằm lại dưới manh chiếu mỏng, lạnh lẽo và bơ vơ. Mẹ mất, 2 đứa trẻ bỗng chốc mồ côi, bà mẹ già khắc khoải đợi con, cả 4 người đều là nạn nhân của gã tài xế xe “điên”, chỉ vì vài ly rượu mà nỡ lòng chia ly 3 thế hệ vốn cực khổ, khó khăn.

Chị Hà là đại diện của những phận người quét rác lao lực, bị nhiều người cho là thấp hèn và nhỏ bé trong xã hội. Cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt ở Thủ đô không cho phép họ – phần lớn là những người phụ nữ – có cuộc sống đáng nhẽ phải êm ả. Sự ra đi của chị là nỗi ám ảnh cho người ở lại. Họ thấp thỏm lo sợ, giữa đường sá phức tạp này, không biết một mai ai sẽ là kiếp người tiếp theo nằm lạnh lẽo giữa đêm sương.

Thắp cho chị nén hương, một nữ công nhân khác bật khóc: “Chị ơi, chị vẫn ở đây với tụi em. Hết 3 ngày chị về nhà mình nhé”.

Thứ rác rưởi bạn vứt đi mỗi ngày, có lẽ không ai biết rõ về sự hôi hám, bẩn thỉu bằng những chị lao công ngoài phố. Thỉnh thoảng nếu không đúng ý bạn, họ còn bị mắng, bị chửi, thậm chí là bị đánh. Bất lực, rồi họ cũng chỉ biết ôm mặt khóc nức nở.

Đêm đêm, từng xe rác xuống phố, giữa dòng xe cộ tấp nập.

Công việc bị xem là bẩn thỉu nhưng cần thiết với tất cả. 
Bên cạnh xe rác, chiếc chổi tre là tiếng leng keng mỗi chiều.

Người ta vẫn hay nói, nghề nào cũng đáng được tôn trọng. Thế mà, thử nhớ lại xem, có khi nào chính bạn, cứ mỗi độ xe rác tới, tiếng leng keng đi trước chiếc xe, sợ hôi thối, bạn đứng từ xa quăng túi rác trước mặt họ. Biết thân biết phận, phu rác chẳng mảy may nói gì, chỉ thở dài. Không hiểu vì lý do gì, chúng ta đôi lúc lại thiếu đi một tấm lòng cần thiết với họ.

“Nhiều người thiếu ý thức lắm. Họ ở tầng trên lười đem rác xuống. Khi dựng xe rác ở dưới thì họ đứng trên ném xuống. Lúc thì rơi ra ngoài rơi vãi lung tung, cũng có khi quăng trúng người mình. Nhưng nói qua nói lại vài câu rồi cũng thôi, ăn thua có được gì đâu”.

Nữ công nhân 42 tuổi không may qua đời, để không ít người trong chúng ta từng thờ ơ vô cảm, kịp nhận ra, chị cũng có gia đình và cả những đứa trẻ. Ngày hôm ấy, chị làm tăng ca. Đường Láng không phải nơi chị làm ca chính, chị chỉ qua giúp đỡ mọi người khi được tăng cường, nhưng cơ sự vội ập đến.

Chị Hà làm công việc công nhân dọn rác được khoảng vài năm nay. Để có tiền lo cho con ăn học, chị còn chạy xe ôm Grab. Hôm gặp khách thì được 100.000-200.000 đồng, cũng có hôm chả được đồng nào, chị lại đi về, thường đã 4-5 giờ sáng.

Vừa là một phu rác, chị Hà vừa chạy Grab, thỉnh thoảng anh em trong nghề lại tới vái lạy chị. Họ gần như không quen biết chị, cho đến khi xuất hiện câu chuyện tang thương.

Anh em công nhân môi trường vái vọng chị Hà trong đêm, thời điểm này là 22h. 

Chị bị sơ gan cổ chướng, nhưng giấu anh chị em đồng nghiệp. Hôm tai nạn, chị vừa kịp mua gói thuốc, còn cất trong cốp xe chưa kịp uống. Chị sợ nói bệnh ra thì người thân không cho đi làm. Vẫn luôn đau đáu về 2 đứa con trai và cuộc hôn nhân không hạnh phúc, chị biết nếu nghỉ làm, dù chỉ 1 ngày thôi, thì 2 đứa nhỏ lấy tiền đâu ra mà ăn học. Chị cố làm, cho đến lúc không thể làm được nữa, cái chết vội đến khiến tất cả lòng quặn thắt.

Chị Nguyễn Bích Hoa, hơn chị Hà 2 tuổi, 2 người là chị em tốt của nhau, gắn bó như hình với bóng. “Hôm nay chị mua bát cơm cúng mày, Hà ơi. Bây giờ làm sao các chị có thể cầm chổi để làm việc nữa, mày sống khổ, giờ chết vẫn không hết khổ”.Tiếng chổi tre đêm nay, ngày mai phó thác cho người cõi tạm Đến 0h sáng 25/4, ngày tổ chức an táng cho chị Hà, tốp công nhân môi trường vẫn cố nán lại bên cạnh chị lần cuối. Khói hương vẫn nghi ngút, người này người kia thay nhau thủ thỉ với chị đôi lời, rồi bật khóc. Sự chia ly vốn dĩ đau khổ, đột ngột đến nhường này thì sao cầm lòng cho đặng!

Đèn đường vụt tắt, phu rác đẩy chiếc xe nhọc nhằn hốt từng đống rác. Con đường quen thuộc nay quạnh hiu. Họ im lặng làm việc, không ai nói thêm câu nào, dáng người khuất dần bên những dòng xe cộ. Tiếng chổi tre của chị Hà để lại, ngày mai phó thác cho người cõi tạm.

Trong hình hài một thành phố phát triển, lớn mạnh, họ đau đáu vì sao những người phụ nữ vẫn phải lao động trong môi trường nguy hiểm, dưới lòng đường mà xe cộ nườm nượp trong đêm tối?

Phu rác làm việc từ khoảng 9h tối tới 2h sáng hôm sau, bất kể nắng mưa, giông bão. Họ không có sự lựa chọn về một môi trường công việc an toàn hơn, sáng sủa hơn. Thay vì ca thán, họ chịu đựng và nhẫn nại làm đẹp từng con phố.

Công việc quét rác, lương ít nhưng nhọc nhằn, cùng cực biết bao nhiêu.
Mỗi đêm, khi bạn ngủ, những cô công nhân lại xuống phố, phó thác tính mạng của mình cho thượng đế.

Mong ước lớn nhất của họ là làm sao người dân vứt rác đúng quy định, họ bớt nhọc nhằn. 

“Nghề rác khổ, ngày nào cũng lặn ngụp trong những hôi thối, bẩn thỉu, nhớp nhúa, lấy đêm làm ngày. Nhưng đó là kế mưu sinh, chúng tôi không làm lấy gì nuôi sống gia đình. Cũng giống như cái Hà, ban ngày tôi chạy Grab, ban đêm nhặt rác. Bọn tôi đã chọn công việc này, đành phải chấp nhận thôi. Cực nhưng phải chịu” – chị Hoa nói.

Đời rác nghe thật buồn hiu, cực vẫn hoàn cực. Nếu không mò phải kim tiêm, thì cũng bị người ta mắng chửi rồi bị xe khác tông trúng. May mắn hơn chị Hà, nhiều người thoát chết, nặng cũng chỉ gãy tay gãy chân. Nhưng nếu nghỉ làm, tiền không có, lấy gì đấu lại với cuộc đời.

“Làm rác từ chiều đến đêm, về nhà ngủ vài tiếng, sáng dậy thì kiếm thêm việc làm, ai kêu gì làm nấy, từ xe ôm, thợ hồ, sơn nhà, sửa nhà…” – một anh lao công thủ thỉ.

Thế mà, có những ước mơ chở theo những xe rác. Một trong số đó là khát khao người dân vứt rác đúng nơi quy định, công việc của họ đỡ cực hơn phần nào.

Nhóm công nhân nán lại tới 23h, ngồi nhìn nơi chị Hà nằm lại mãi mãi.

Nỗi đau hoà vào sự sợ hãi, lo lắng. 

Kế đến, họ mong ước cho 2 đứa con nhà chị Hà. Chúng trước hết phải thật bản lĩnh và mạnh mẽ để vượt qua nỗi đau lớn này. Sau, ráng học hành thành tài, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Cuộc sống sau này với 2 đứa trẻ, chắc chắn còn nhiều vất vả.

Khi chúng tôi kết thúc bài viết này, đường Láng gần như tối hẳn. Trước số nhà 220 vẫn còn một ánh đèn, soi thẳng vào bàn thờ của chị Hà. Nhóm công nhân vái lạy chị lần cuối rồi chia nhau làm việc. Giữa bóng tối mịt mù, sự đau thương càng không thể nói nên lời.

Khi chúng ta đang chăn ấm nệm êm, thì ngoài kia, biết bao thân phận phu rác khác, biết bao tiếng chổi tre khác vẫn đang xao xác khắp phố phường…

“Những đêm hè

Khi ve ve đã ngủ

Tôi lắng nghe

Trên đường Trần Phú

Tiếng chổi tre xao xác hàng me

Tiếng chổi tre đêm hè quét rác…”

(“Tiếng chổi tre” – Tố Hữu)

Tiếng chổi tre trong đêm hè, ngày mai phó thác lại cho người ở cõi tạm.

>>Hình ảnh đau xót: Con trai nữ công nhân môi trường gục khóc bên thi thể mẹ vụ ô tô tông liên hoàn ở Hà Nội

Theo Tin tức online

Link

Exit mobile version