Là một nhân vật phụ xuất hiện khá ngắn trong bộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhưng nhân vật này lại có ảnh hưởng lớn tới cả thời đại Tam quốc, cũng là đầu mối trong rất nhiều mối quan hệ phức tạp giữa các anh hùng.
Khi nhắc đến thời kỳ Tam quốc là nhắc đến thời kỳ anh hùng hội tụ, kỳ nhân xuất thế. Trong Tam quốc diễn nghĩa có vô số các bậc kỳ tài mà chỉ cần nghe đến uy danh cũng đủ làm cho quân thù khiếp đảm.Nổi bật nhất trong số đó có thể kể đến như Quách Gia, Quan Vũ, Triệu Tử Long, Bàng Thống, Gia Cát Lượng…
Đặc biệt là Gia Cát Lượng, dụng binh như Thần, có tài tiên đoán sự việc không sai không lệch. Tuy nhiên, có một cao nhân, một bậc kỳ tài mà đến cả Gia Cát Lượng cũng phải kính cẩn nghiêng mình bội phục nhưng lại ít người biết đến, đó chính là Thủy Kính tiên sinh.
Tư Mã Huy, tự Đức Tháo, hiệu Thủy Kính, còn gọi là Thủy Kính tiên sinh, người Dĩnh Xuyên, không rõ năm sinh năm mất, sống cuối thời Đông Hán (Hán mạt và Tam quốc). Tương truyền ông là danh sĩ có tài kinh bang tế thế, kiến thức hơn người.
Trước tình cảnh chính trị nhà Hán suy vong, đất nước bị chia cắt, thiên hạ lầm than, ông chọn cuộc sống mai danh ẩn tích.
Tư Mã Huy còn có một biệt hiệu khác khá là thú vị gọi là “Hảo Hảo tiên sinh”. Tương truyền khi ở quê nhà, ai hỏi gì Tư Mã Huy cũng trả lời là “Hảo”, có một lần gặp một người cùng thôn, người này nói với Tư Mã Huy là con trai mình mới chết, Tư Mã Huy liền đáp: “Rất tốt”.
Vợ ông biết chuyện mới quở trách: “Người ta cho rằng ông là người phẩm chất cao thượng, đức cao vọng trọng nên nói chuyện con trai mình bị chết cho ông, tự nhiên ông lại trả lời họ tốt là sao”? Tư Mã Huy nghe xong đáp lại vợ mình: “Lời của phu nhân cũng rất đúng”, từ đó về sau mọi người gọi ông là “Hảo Hảo tiên sinh”.
Căn cứ theo Tam quốc chí chú của Bùi Tùng Chi, dẫn theo Tương Dương ký của Tập Tạc Xỉ thời Đông Tấn ghi chép, thì Bàng Đức Công chính là người tôn xưng Gia Cát Lượng là “Ngọa Long”, Bàng Thống là “Phụng Sồ”, Tư Mã Huy là “Thủy Kính”.
Trong Tam quốc chí, Bàng Thống truyện, có chép “Tư Mã Huy là người thanh nhã, rất biết nhìn người”. Năm Bàng Thống 18 tuổi, lúc Lưu Bị hội kiến Tư Mã Huy, ông đã tiến cử với Lưu Bị cả Gia Cát Lượng lẫn Bàng Thống.
Trong bộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Tư Mã Huy xuất hiện ở Chương 37: “Tư Mã hai lần tiến cử danh sĩ, Lưu Bị ba phen tới thảo lư”, là một nhân vật phụ xuất hiện khá ngắn nhưng đủ nói lên được cái tài bao trùm thiên hạ của ông. Tam quốc diễn nghĩa mô tả Gia Cát Lượng và Bàng Thống là hai mưu sĩ hàng đầu, mệnh danh là “Long Phượng”.
Sau khi Thái Mạo là tướng quân của Lưu Biểu tạo phản đem quân phục kích Lưu Bị, Lưu Bị may mắn thoát chết vượt qua suối Đàn Khê gặp được Thuỷ Kính tiên sinh. Sau khi thấu rõ sự tình, Lưu Bị biết được Tư Mã Huy là người thấu tỏ trời đất trong thiên hạ, mong được Tư Mã Huy tiến cử hiền tài.
Tư Mã Huy nói “Ngọa Long, Phượng Sồ, được một trong hai có thể an thiên hạ”, Lưu Bị mới sốt sắng hỏi Ngọa Long, Phượng Sồ là ai thì Tư Mã Huy mỉm cười nói thiên cơ bất khả lộ. Lưu Bị lại một lần nữa mạo muội mong được Thuỷ Kính tiên sinh hạ sơn trợ giúp nhưng Tư Mã Huy lấy cớ tuổi đã quá chiều, ngày tháng còn chẳng còn nhiều, chỉ muốn làm bạn với non xanh nước biếc.
Giữa lúc u sầu ngập lối vì chưa tìm được quân sư trợ giúp thì Từ Thứ xuất hiện. Vốn dĩ Từ Thứ muốn đến chỗ Lưu Biểu đầu quân nhưng sau khi quan sát hai ngày, Từ Thứ nhận định Lưu Biểu là người: “Tuy có lòng thiện nhưng không có trí lớn, yêu người thiện mà không biết dùng, ghét kẻ ác mà không biết trị” nên bỏ quay về.
May thay lại gặp ngay Lưu Bị gặp nạn tá túc qua đêm tại đây, Tư Mã Huy liền tiến cử với Lưu Bị, Từ Thứ sau hồi từ chối cũng thuận lòng phò tá.
Khi Từ Thứ về làm quân sư cho Lưu Bị, lúc này đại quân của Tào Tháo từ Hứa Xương ập tới muốn đánh chiếm 9 quận Kinh Châu. Để đánh 9 quận Kinh Châu thì việc đầu tiên là phải đánh Tân Dã. Mà Lưu Bị lúc này lại đang mượn Tân Dã của Lưu Biểu để đóng quân nên không thể không ra ứng chiến.
Đây cũng chính là lúc mà Từ Thứ được thi triển tài năng, giúp Lưu Bị sau bao năm chinh chiến ngược xuôi đều thất bại, nay mới có ngày được ca khúc khải hoàn khi đánh bại đại tướng Tào Nhân của quân Tào.
Giữa lúc Lưu Bị vẫn còn đang say trong niềm vui của kẻ chiến thắng thì nơi quê nhà, Tào Tháo cho người bắt giữ mẫu thân của Từ Thứ nên Từ Thứ không thể không vì chữ hiếu mà quay về phương Bắc. Lưu Bị lại thêm một lần u sầu thống khổ.
Cuộc đời luôn là vậy, sự thật luôn cay nghiệt hơn những gì chúng ta tưởng. Người thành công, muốn làm đại nghiệp thì ắt phải qua thăng trầm, sóng gió để tôi luyện bản thân và ý trí, người kiên định ắt là người chiến thắng.
Có câu: “Gái có công chồng không phụ, người có chí ắt trời cao tương trợ”. Trước lúc ra đi, Từ Thứ vì trọng nghĩa, trọng tình với Lưu Bị mà tiến cử Ngoạ Long tiên sinh, tức Gia Cát Lượng cho Lưu Bị. Đây cũng là cội nguồn của điền tích lưu danh muôn thuở: “Ba lần thăm lều cỏ” của Lưu Bị.
Tư Mã Huy nghe nói Từ Thứ bỏ đi, mới đến hỏi thăm, nghe Lưu Bị nói chuyện đó, Tư Mã Huy dậm chân nói rằng Thứ đã trúng kế Tào, Từ mẫu tính tình cương nghị, phen này Thứ không về thì mẹ sống, mà về nhất định mẹ Từ Thứ sẽ chết. Lưu Bị sửng sốt, hồi lâu mới đem chuyện Gia Cát Lượng hỏi Tư Mã Huy.
Tư Mã Huy nói:
“Từ Thứ ra đi rồi thì chớ, còn làm phiền đến người này làm chi. Gia Cát Lượng ngồi nhàn ở Ngọa Long San, thường tự ví mình như Quản Trọng, Nhạc Nghị.
Nhưng thực ra tài người này không thể tưởng tượng được, có thể ví như Khương Tử Nha làm nên sự nghiệp 800 năm nhà Chu, Trương Lương làm nên sự nghiệp 400 năm nhà Hán vậy. Ngọa Long mà bữa trước tôi nói với tướng quân, chính là Gia Cát Lượng, còn Phượng Sồ là Bàng Thống”.
Lưu Bị nghe Tư Mã Huy thuyết giảng, như người tỉnh cơn mê, dứt khoát tìm gặp bằng được Gia Cát Lượng.
Nói rồi Tư Mã Huy trở về, tới cổng than thở một mình:
“Gia Cát Lượng gặp được minh chúa xong không gặp thời. Đáng tiếc thay!”.
Sau khi 3 lần kiên trì không quản gian nan tìm gặp Gia Cát Lượng. Cuối cùng Gia Cát Lượng cũng bằng lòng hạ sơn phò tá Lưu Bị, mở ra một kỷ nguyên mới, trùng hưng Hán thất, lập nhà Thục Hán, tuy nhiên sự nghiệp thống nhất Trung nguyên của ông không thực hiện được, đành ngậm tiếc nuối mà qua đời.
Điều này quả ứng nghiệm với những gì Tư Mã Huy nói. Đủ thấy tài nhìn người, đoán tương lai tài tình của Tư Mã Huy.
Mối quan hệ giũa Gia Cát Lượng và Tư Mã Huy
Người thầy đầu tiên của Gia Cát Lượng là Tư Mã Huy. Ông sinh sống ở Thủy Kính trang thuộc phía nam của thành Tương Dương. Trong nhà ông có nuôi một con gà trống. Con gà trống này có một thói quen đó là đúng vào buổi trưa hàng ngày đều gáy ba tiếng. Mỗi lần con gà trống vừa cất tiếng gáy thì Tư Mã Huy cũng bắt đầu cho học trò tan học.
Gia Cát Lượng bởi vì ham học nên trong lòng luôn mong muốn Tư Mã Huy dạy nhiều hơn nữa. Vì thế, mỗi lần nghe thấy tiếng con gà cất tiếng gáy thì cậu bé Gia Cát Lượng lại đưa mắt nhìn con gà với vẻ mặt buồn rầu.
Về sau, Gia Cát Lượng nghĩ ra một cách để kéo dài giờ học. Mỗi lần lên lớp, Gia Cát Lượng lại đem theo một túi thóc nhỏ. Đợi đến lúc gà trống sắp gáy, Gia Cát Lượng lẳng lặng rắc thóc ra bên ngoài cửa sổ cho gà ăn để nó không gáy nữa.
Cứ như vậy, hàng ngày khi gà ăn hết thóc và cất tiếng gáy thì giờ học cũng kéo dài thêm được một canh giờ.
Một thời gian sau, Tư Mã Huy đã phát hiện ra bí mật này. Ông tức giận vì hiểu lầm rằng: “Tên tiểu tử này cố ý giễu cợt ta”. Thế là, ông đuổi Gia Cát Lượng về, không cho học nữa.
Sau khi Gia Cát Lượng trở về nhà, sư mẫu (vợ của Thủy Kính tiên sinh) đã thay học trò cầu xin: “Gia Cát Lượng làm như vậy, cũng là vì muốn học. Hay là tha cho cậu ấy một lần đi!”
Tư Mã Huy biết rõ Gia Cát Lượng thông minh hơn người lại vô cùng ham học nên cũng rất yêu quý cậu. Cuối cùng, ông cân nhắc: “Có tha cho Gia Cát Lượng hay không còn tùy thuộc vào phẩm hạnh của cậu ta như thế nào?”
Vì thế, ông bèn sai bảo thư đồng (người hầu hạ đèn sách) đến Long Trung, nơi Gia Cát Lượng ở để bí mật quan sát.
Thư đồng sau một thời gian quan sát, đã trở về và báo lại với Tư Mã Huy ba việc. Việc thứ nhất chính là mẹ của Gia Cát Lượng rất sợ cái lạnh giá của mùa đông.
Vì thế, Gia Cát Lượng thường lên núi cắt cỏ về phơi khô rồi trải lên giường để mẹ nằm cho đỡ lạnh. Hơn nữa, mỗi buổi tối Gia Cát Lượng đều tự mình nằm lên chiếc giường cỏ ấy để sưởi ấm rồi mới mời mẹ đi ngủ.
Việc thứ hai là nhà của Gia Cát Lượng cách giếng nước chỉ hai bờ ruộng trồng rau màu. Nhưng Gia Cát Lượng thấp bé nên mỗi lần đi lấy nước thì đều sợ thùng nước va quệt vào làm hỏng bờ rào và rau của nhà họ.
Vì thế, mỗi lần đi lấy nước, thay vì đi đường ngắn, Gia Cát Lượng lại men theo con đường dài dưới chân núi để đi. Cho nên, việc lấy nước như vậy cũng khó khăn và vất vả hơn.
Việc thứ ba là trước đây, thời Gia Cát Lượng còn chưa đi học từng xin thỉnh giáo từ một thư sinh gần nhà. Về sau , vì ham học hỏi, tài đức đã vượt xa vị thư sinh này, nhưng mỗi khi gặp mặt, Gia Cát Lượng vẫn không quên ơn xưa và luôn khiêm tốn đối đãi với người này.
Tư Mã Huy sau khi nghe xong, cao hứng gật đầu và nói: “Gia Cát Lượng ngày sau nhất định sẽ là anh tài hào kiệt”. Ông cũng lập tức thúc giục thư đồng dẫn đường vì muốn đích thân đến nhà đón Gia Cát Lượng về học tiếp.
Tư Mã Huy càng dạy bảo càng biết rõ được phẩm đức của Gia Cát Lượng. Vì thế, ông thường khen ngợi phẩm đức của Gia Cát Lượng. Đồng thời, ông cũng dốc hết tâm sức để truyền dạy học thức cho người học trò này.
Về sau, Gia Cát Lượng quả thực đã trở thành một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất. Tuy nhiên, cuộc đời của ông đã ứng nghiệp với câu nói của thầy mình Tư Mã Huy từng nói: “Tuy Khổng Minh gặp được minh chủ nhưng lại không gặp đúng thời”.
Vị đạo diễn tài ba bậc nhất trong thời kỳ Tam quốc
Có người nói, Tư Mã Huy chính là vị đạo diễn tài ba bậc nhất trong thời kỳ Tam quốc là bậc kỳ tài trong số kỳ tài ẩn mình nơi thôn dã.
Cũng như thời Xuân Thu – Chiến Quốc có Quỷ Cốc Tử là bậc kỳ nhân trong số kỳ nhân nhưng ẩn mình nơi thâm sâu tịch cốc chứ không chịu xuống núi phò vua. Học trò của ông là Tôn Tẫn, Trương Nghi cũng dụng binh Như Thần, trăm trận trăm thắng, vang danh thiên cổ.
Sau này, Tư Mã Ý, dùng một chữ Nhẫn để ẩn mình qua 3 đời nhà Nguỵ để “một lần rút kiếm, đoạt trọn giang sơn”.
Từ một góc độ khác mà nhìn, Gia Cát Lượng, Bàng Thống, Từ Thứ đều là học trò của Tư Mã Huy, còn Tư Mã Ý lại là người nhà trong gia tộc của ông.
Cho nên cũng có người nói, Tư Mã Huy chính là vị đạo diễn tài ba bậc nhất trong thời kỳ Tam quốc.
Nhưng bất luận dù đúng hay sai, có một điều mà chúng ta không thể không thừa nhận mọi sự trong thế gian không gì có thể nằm ngoài sự an bài của thiên thượng, làm người đối nhân xử thể thì cần thuận trời mà hành, thuận nhân mà ứng.
Theo Trí thức trẻ/Soha