“Là người cha ai mà chẳng thương con rứt ruột, nhưng đây là trường hợp ít người có thể hiểu được. Tôi đã từng đưa con đi trung tâm bảo trợ xã hội nhưng điều kiện không thể bằng ở gia đình để tiện chăm sóc”, người cha tâm sự.“Tôi muốn an toàn cho mọi người”
Liên quan đến sự việc Doãn Đình Anh (SN 1989 ở xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, Hưng Yên) bị người cha nhốt trong chiếc chuồng như con vật đang xôn xao dư luận, PV đã có cuộc tiếp xúc với ông Doãn Đình Sửu (bố của Đình Anh) để tìm hiểu rõ nguyên nhân.
Trước khi nói về lý do nhốt đứa con trai trong một chiếc chuồng như một con vật nuôi, ông Sửu cho hay, cách đây khoảng chục năm khi đi nghĩa vụ quân sự, Đình Anh bị trả về trong tình trạng mang căn bệnh tâm thần.
Sau thời gian đó, gia đình ông Sửu đưa con trai đi khắp các bệnh viện để khám và điều trị, thậm chí đã có lần Đình Anh được gửi vào một trung tâm bảo trợ xã hội.
Ông Sửu kể thêm về con trai: “Lúc thì con tôi rất tỉnh táo như người bình thường, lúc thì lên cơn tâm thần. Đích thân tôi đưa đi rất nhiều bệnh viện, người ta cho thuốc uống, nhiều lần vẫn không giảm. Con tôi từng được gửi vào trung tâm, nhưng mọi người phải hiểu rằng, điều kiện cũng không hơn gì (ý ông Sửu nói điều kiện ăn ở), kể cả âm tính hay dương tính người ta đều phải bố trí căn phòng giống như ở đây (tức cái chuồng đang nhốt nạn nhân)”.
Theo ông Sửu, sau khi đưa bệnh nhân trở về ở cùng gia đình, vợ chồng ông bố trí một gian buồng ngay cạnh nhà để tiện chăm sóc. Tuy nhiên, cách đây khoảng hơn 1 năm do người em trai của Đình Anh xây dựng gia đình và sinh con nhỏ, lo sợ ảnh hưởng đến an ninh và để đảm bảo an toàn cho mọi người nên ông Sửu đã xây một “căn phòng” với kinh phí hết tầm 9 triệu đồng ở cuối thổ đất của gia đình rồi chuyển con trai ra ở ngoài này.
Về việc điều kiện sinh hoạt và chỗ ở của Đình Anh không khác gì đang nuôi một con vật, ông Sửu phân trần, không chỉ hiện tại, mà trước khi chuyển ra nơi đây Đình Anh luôn trong tình trạng quậy phá.
“Bất cứ cái chăn, màn hoặc quần áo đưa vào thì nó đều xé rách tươm. Nếu mà thả ra là nó cầm dao đuổi bất cứ ai để chém, nếu xảy ra vấn đề thì ai là người chịu trách nhiệm? Do nhà có hai cháu nhỏ, nếu không may Anh phá được cửa thì chắc chắn sẽ không thể kịp chạy và tôi muốn an toàn cho mọi người nên cực chẳng đã mới phải chuyển ra xa hẳn ngoài này”.
Tiếp lời chồng, bà Trần Thị Cấy (mẹ Đình Anh) chia sẻ: “Vợ chồng tôi rất muốn để cạnh nhà nhưng rất khó, cứ đưa cái gì vào là nó đập phá, xé hết, đến nỗi muốn cho nó ăn cũng phải dùng túi nylon. Thi thoảng tắm thì phải dùng máy bơm xịt vào từ bên ngoài”.
Nói rồi, bà Cấy chia sẻ thêm về con trai, ngay những ngày đầu mới sinh ra, Đình Anh là đứa trẻ yếu ớt, khó nuôi.
“Sinh ra nó đã bị chết lâm sàng một lần, nhưng sau đó con tôi lại sống, số khổ từ bé rồi”, bà Cấy tâm sự buồn.
Chia sẻ thêm về cuộc sống gia đình, ông Sửu cho biết, bản thân ông từ nhiều năm nay sau khi đi bộ đội về đã bị mang căn bệnh dạ dày rất nặng, không có sức lao động nên kinh tế gia đình chẳng có gì. Cả hai vợ chồng ông Sửu đều đau yếu, chỉ trông chờ vào vài sào ruộng.
Nói đến đây, ông Sửu như muốn dừng lại rồi tỏ ý không muốn bất cứ ai can thiệp vào việc nơi ăn chốn ở của đứa con trai. Sau đó, ông Sửu đã dẫn chúng tôi đến căn “buồng” nơi Đình Anh từng bị nhốt ngay sát ngôi nhà vợ chồng ông đang ở.
Tiếp theo, ông Sửu đưa chúng tôi ra thăm nơi ở mới của Đình Anh, rồi ông chỉ đứng từ xa nhìn về phía đứa con trai đang trò chuyện với những người lạ.
Theo Tin tức online