Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Thà chết không về Giang Đông, Hạng Vũ dù bại song ngàn năm vẫn trên cơ Lưu Bang vì 1 lý do


Lựa chọn tuẫn tiết bên bờ Ô Giang khiến Hạng Vũ trở thành kẻ thua trận trong cuộc chiến Hán – Sở tranh hùng, song nó lại giúp ông mãi trên cơ kẻ chiến thắng sau cùng là Lưu Bang.

Cổ nhân có câu “thời thế tạo anh hùng”, Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ chính là một bậc anh hùng được sản sinh và tôi luyện trong thời buổi loạn lạc như vậy. Là một trong số những “chiến thần” nổi danh trong lịch sử, nhân vật này đã từng được xếp ở vị trí đầu tiên trong nhiều bảng xếp hạng về võ lực và tài cầm quân của Trung Hoa.

Nhắc tới tên tuổi của Tây Sở Bá Vương, hậu thế giờ đây vẫn thường truyền tai nhau nhiều giai thoại về cuộc chiến nổi tiếng và quan trọng nhất cuộc đời ông. Đó chính là chiến tranh Hán – Sở tranh hùng, cũng là ván cờ quân sự quyết định sự thành bại của Hạng Vũ trước đối thủ Lưu Bang.

Mặc dù được đánh giá cao hơn hẳn Lưu Bang về tài năng cũng như nhân cách, thế nhưng việc Hạng Vũ đã thất bại dưới tay Hán Cao Tổ và bỏ mạng bên dòng sông Ô Giang vẫn là một sự thật lịch sử không thể thay đổi.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, nếu năm ấy Hạng Vũ chịu qua sông để trở lại vùng Giang Đông, sự nghiệp của ông nhất định sẽ có ngày “đông phong tái khởi”, khi đó có lẽ cả Lưu Bang cùng Hán triều cũng khó có thể yên ổn cai trị Trung Hoa suốt 400 năm.

Vậy đâu là lý do khiến Hạng Vũ thà chết chứ không chịu qua Giang Đông? Điều gì đã khiến ông từ bỏ cơ hội sống sót và đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của mình một cách đầy nuối tiếc như kết cục bên dòng Ô Giang năm xưa?

Giai thoại về cái chết của Tây Sở Bá Vương: Thà chết chứ không qua Giang Đông chỉ vì “thẹn”?

Hạng Vũ (232 TCN – 202 TCN), còn được gọi là Tây Sở Bá Vương, là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và từng có giai đoạn tranh thiên hạ với Hán Cao Tổ Lưu Bang.

Sinh thời, Hạng Vũ vốn mang xuất thân danh môn, nổi tiếng văn thao võ lược, hơn nữa lại vô cùng dũng cảm, khi mới ở độ tuổi thiếu niên đã sở hữu sức khỏe và khí lực xuất chúng đến nỗi được người đời ngợi khen là “bá vương cự đỉnh”.

Nếu so sánh ông với một người ít học như Lưu Bang, Hạng Vũ chắc chắn dành phần hơn cả về tài năng lẫn danh tiếng trước đối thủ đã từng “vô danh tiểu tốt” này.

Chỉ tiếc rằng năm xưa trong tiệc Hồng Môn yến, Tây Sở Bá Vương đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để trừ khử đối thủ họ Lưu. Đây cũng chính là mầm họa khiến ông phải bỏ mạng bên bờ Ô Giang sau này.

Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Hán – Sở tranh hùng, bấy giờ đất đai trên toàn cõi Trung Hoa chia làm 7 nước chư hầu thì 6 nước đã về Hán. Vì vậy có thể nói, tương quan lực lượng giữa Hán – Sở đã có sự chênh lệch rất rõ ràng.

Năm 202 TCN, Lưu Bang cùng các quân chư hầu đã giao chiến với quân Sở một trận quyết liệt ở Cai Hạ. Trong trận tử chiến năm ấy, Tây Sở Bá Vương chỉ có trong tay binh lực vẻn vẹn 10 vạn, còn đối thủ mà ông phải đối đầu là một đại quân lên tới năm, sáu chục vạn.

Dù vậy, “chiến thần” Hàn Tín dưới tay Lưu Bang từng xung phong dẫn quân đi đầu cũng không thể thắng nổi và đành phải rút quân. Sau này phe Lưu Bang nhờ có quân số áp đảo nên đã khiến Hạng Vũ đại bại ở Cai Hạ.

Bấy giờ, Hạng Vũ buộc phải tháo chạy khỏi thành, binh lính đi theo chỉ còn hơn 800 người. Nhóm tàn binh của ông liều chết phá vòng vây, đến khi vượt qua sông Hoài thì quân kỵ theo kịp chỉ còn hơn trăm mạng.

Trước tình thế nguy cấp, Hạng Vũ đã chạy sang phía đông, người ngựa chạy đến bờ sông Ô Giang thì cùng đường. Có giai thoại truyền lại rằng, bấy giờ một người đình trưởng ở Ô Giang đã cắm thuyền đợi sẵn và thuyết phục:

“Giang Đông tuy nhỏ, nhưng đất hàng ngàn dặm, dân vài mươi vạn, cũng đủ làm vương. Xin đại vương mau mau vượt sống. Nay chỉ một mình thần có thuyền, quân Hán đến không có cách gì vượt qua”.

Nào ngờ Hạng Vũ chỉ cười nói:

“Trời hại ta, ta vượt qua sông làm gì! Vả lại ta từng cùng tám ngàn con em Giang Đông vượt Trường Giang đi về hướng tây, nay không còn lấy một người trở về. Dù cho các bậc cha anh ở Giang Đông thương ta, cho ta làm vương, ta cũng còn mặt mũi nào mà nhìn họ nữa. Dù họ không nói, ta đây há chẳng thẹn trong lòng hay sao?”.

Sau khi từ chối cơ hội sống sót duy nhất ấy, Hạng Vũ đã tự vẫn bên bờ sông Ô Giang. Năm ấy ông mới hơn 30 tuổi, ở ngôi Tây Sở Bá Vương chỉ vẻn vẹn 5 năm.

Lý do khiến Hạng Vũ lựa chọn tuẫn tiết bên bờ Ô Giang: Lưu Bang dù thắng nhưng ngàn năm vẫn xếp sau Tây Sở Bá Vương vì điều này

Nếu theo giai thoại nổi tiếng như trên, thì việc Hạng Vũ thà chết chứ không chịu qua Giang Đông vốn bắt nguồn từ sự hổ thẹn của ông với các hương thân phụ lão nơi này.

Thế nhưng theo lý giải của QQNews, quyết định tuẫn tiết bên bờ Ô Giang của Tây Sở Bá Vương có liên quan trực tiếp với một “bí mật” mà ông đã nhìn ra vào thời khắc cuối cùng của cuộc đời mình.

Nhìn lại bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, không khó để nhận thấy Hạng Vũ là một nhân vật có cống hiến vô cùng nổi bật trong việc lật đổ ách thống trị tàn bạo và mục nát của Tần triều. Thế nhưng cổ nhân có câu “một núi không thể có hai hổ”, cho nên giữa Hạng Vũ và Lưu Bang mới nổ ra chiến tranh “Hán – Sở tranh hùng”.

Ở vào giai đoạn đầu của cuộc phân tranh này, Tây Sở Bá Vương đều chiếm được lợi thế rõ ràng ở trên nhiều phương diện, đặc biệt là trên chiến trận. Thế nhưng kể từ lúc có được sự trợ giúp và tương trợ của nhiều nhân tài, trong đó nổi bật là “chiến thần” Hàn Tín, Lưu Bang chẳng mấy chốc đã nhanh chóng lật ngược thế cờ.

Dòng chảy của lịch sử cứ như vậy mà phũ phàng đẩy Tây Sở Bá Vương vào kết cục bại vong. Vào thời khắc quyết định vận mệnh ở bên bờ Ô Giang, Hạng Vũ cương quyết không trốn chạy mà lựa chọn tuẫn tiết.

Việc làm này rất có thể liên quan tới một lời hứa mà ông dành cho trăm họ từ những ngày đầu phất cờ khởi nghĩa. Trong buổi đầu  đem quân quật khởi, Hạng Vũ đã từng hứa sẽ đem lại cho muôn dân bách tính một cuộc sống bình an.

Vì thế bản thân Tây Sở Bá Vương càng hiểu rõ hơn ai hết, nếu ông vượt sông và bình an trở về Giang Đông, Lưu Bang nhất định sẽ thừa thắng truy kích để chiếm lĩnh khu vực này. Đến lúc đó, Giang Đông ắt phải trở thành trận địa tử chiến.

Có lẽ, vị bá vương kiêu hùng và trượng nghĩa ấy không muốn cuộc chiến của mình tiếp tục khiến dân chúng sống trong cảnh ly tán tang thương. Ông càng không muốn phụ sự kỳ vọng của muôn dân dành cho mình, nên đã tự nguyện lấy cái chết để giữ trọn lời hứa năm xưa.

Có lẽ, nguyên nhân khiến Hạng Vũ thà chết cũng không chịu về Giang Đông vốn bắt nguồn từ việc ông không muốn hương thân phụ lão nơi này phải chịu cảnh tang thương ly tán của chiến tranh. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).

Nếu phân tích từ góc độ tính cách con người của Hạng Vũ, quyết định này của ông cũng không phải là điều khó hiểu.

Trong khi Lưu Bang vốn mang danh phường lưu manh, là kẻ ít học, thì Tây Sở Bá Vương lại được xem như một người bậc quân tử uy dũng, có lòng nhân đức với lính tráng. Thậm chí, trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên phần “Hoài Âm hầu liệt truyện”, sự nhân từ của ông còn từng Hàn Tín bị mỉa mai bằng cụm từ “có lòng nhân của đàn bà”.

Cũng xuất phát từ nét tính cách này, tương truyền rằng Hạng Vũ từng có lần nói thẳng với Lưu Bang:

“Thiên hạ náo loạn đã nhiều năm, cũng vì hai người chúng ta. Nay bổn vương muốn đơn phương độc mã khiêu chiến với Hán vương, hai ta sống mái một phen, đừng để thiên hạ tiếp tục chịu khổ”.

Do đó thiết nghĩ nếu năm ấy Hạng Vũ vượt qua Giang Đông, chiến sự giữa hai bên Hán – Sở có lẽ sẽ còn kéo dài rất lâu. Các hương thân phụ lão nơi này sẽ ngày đêm sống trong lo sợ, bách tính nơi đây cũng chẳng có nổi một ngày bình yên. Đó chính là viễn cảnh mà Hạng Vũ không muốn thấy nhất.

Có lẽ, thời khắc đi tới bờ sông Ô Giang năm ấy, “bí mật” mà Hạng Vũ đã nhìn thấu chính là bản chất vô nghĩa và những hậu quả tang thương của chiến tranh. Vì vậy, ông đã lựa chọn hy sinh tính mạng của mình để đổi lấy bình yên cho muôn dân bách tính.

Cho tới ngày nay, vẫn có rất nhiều lý giải và tranh cãi xoay quanh nguyên nhân vì sao Hạng Vũ thà chết chứ không chịu qua sông Ô Giang để về Giang Đông. Thế nhưng dù lý do thực sự của quyết định ấy có là gì, thì tên tuổi của Hạng Vũ vẫn được hậu thế đời đời ngưỡng mộ ngay cả khi ông ở vào vị thế của một kẻ thua trận.

Về phần Lưu Bang, dù trở thành người chiến thắng sau cùng và kiến tạo nên vương triều kéo dài 400 năm trên đất Trung Hoa, vị thế và uy danh của Hán Cao Tổ vĩnh viễn không thể vượt qua Hạng Vũ – vị “chiến thần” đã tuẫn tiết bên bờ Ô Giang năm nào…

Theo Trí thức trẻ/Soha

Link 

 

 

 

 

Exit mobile version