Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Thì Đồ Sơn, Quất Lâm cũng đâu có mại dâm

Năm 2013, dư luận “cười rớt răng” trước khẳng định như đinh đóng cột “Đồ Sơn, Quất Lâm không có mại dâm”. Tới hôm qua, những nụ cười khẩy ấy lại xuất hiện khi phố Trần Duy Hưng – một trong những nơi có hoạt động mại dâm nhộn nhịp nhất Hà Nội được khẳng định tương tự: Không có mại dâm. Có một điều không thay đổi trong 5 năm qua: Cái nhìn của các nhà quản lý.


 Nói phố Trần Duy Hưng không có ‘biểu hiện mại dâm’ là ‘rất buồn cười’

Lý giải chuyện phố Trần Duy Hưng không nằm trong danh sách tụ điểm nghi ngờ có hoạt động mại dâm, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội cho rằng phố này “hoàn toàn là những nhà nghỉ”. Tuyến đường này có dư luận đề cập đến hiện tượng mại dâm, nhưng không dễ để khẳng định. “Ở những nhà nghỉ ấy, không nhìn thấy nhân viên, tiếp viên, không có gì cả mà giờ chúng ta bảo đây là điểm mại dâm thì UBND địa phương không công nhận”, ông Thức nói.

Có chính quyền nào muốn công nhận mại dâm trên địa bàn mình quản lý đâu. Hãy trở lại câu chuyện 5 năm trước. Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) Phạm Ngọc Dũng cho biết, Cục đã nhiều lần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá về tệ nạn mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định), nhưng kết quả báo cáo của các địa phương đều khẳng định là không phát hiện có mại dâm tại hai địa điểm này. Các địa phương báo cáo chỉ có một vài trường hợp, không đáng kể.

Theo ông Dũng, muốn khẳng định có mại dâm hay không, cần phải có chứng cứ. Quá trình kiểm tra, thấy có các tiếp viên nhưng các tiếp viên này thường làm cho các cơ sở dịch vụ và có hợp đồng lao động nên rất khó xử lý.

“Chúng tôi có làm việc với TP. Hải Phòng. Từ chính quyền thành phố đến địa phương đều khẳng định là không có câu chuyện hoạt động mại dâm tại Đồ Sơn. Chúng tôi đang tiến hành thí điểm mô hình can thiệp giảm hại cho người hoạt động mại dâm tại Đồ Sơn, nhưng sau khi tiếp xúc, chúng tôi phải thay đổi tên gọi thành “thực hiện các biện pháp giảm hại cho những nhóm người có quy cơ”, chứ nếu sử dụng cụm từ “cho người hoạt động mại dâm” là các cơ quan tại Hải Phòng họ không chấp nhận”, ông Dũng nói.

Một cách chơi chữ, ve vuốt, chiều lòng địa phương. Cho nên có gì lạ đâu khi với cách nhìn ấy, đường Trần Duy Hưng không có mại dâm.

5 năm qua, câu chuyện quản lý vẫn là “nhà nghỉ- không thấy tiếp viên – khó phát hiện – khó xử lý”.

Và 5 năm qua, vẫn là không hề suy chuyển – chuyện “địa phương không chấp nhận”

Có vẻ như cả cơ quan quản lý, cả chính quyền địa phương đều mắt nhắm mắt mở, đều không muốn nhìn vào thực tế, đều muốn chối bỏ thực trạng.

Chúng ta chưa công nhận mại dâm như một nghề, nhưng đến cả việc những vụ, cục chức năng không cả nhìn thẳng vào thực tế để có thể quản lý, giúp đỡ người hành nghề mại dâm thì có lẽ đến lúc phải đặt câu hỏi về sự tồn tại của những cái “cục” này.

Theo Lao Động 

Link 

Exit mobile version