40 tấn cá chép đỏ được thủ phủ Thủy Trầm (Phú Thọ) tung ra dịp lễ ông Công, ông Táo. Một bộ ba cá chép giá 20.000 đồng nhưng một con cá đẹp có giá 40.000 đồng/con.
Toàn cảnh “thủ phủ” các chép đỏ trước ngày tiễn ông Táo về trời – Clip: THANH THÚY
Những ngày này, cả làng Thủy Trầm (Cẩm Khê, Phú Thọ) như một ngư trường thu nhỏ với tiếng cười nói của người dân, tất bật bắt cá cho ông Công ông Táo.
Sản lượng cá chép đỏ năm nay ước tính tăng mạnh so với mọi năm, đủ cung cấp cho toàn miền Bắc và một số tỉnh thành miền Trung.
Làng nghề Thủy Trầm được biết đến là thủ phủ sản xuất cá chép đỏ lớn nhất miền Bắc.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường về số lượng dồi dào, cá chép đỏ Thủy Trầm còn có những ưu điểm vượt trội về giống nên cho thu hoạch những lứa cá chất lượng tốt.
Thông thường, bắt đầu từ ngày 19-21 âm lịch người dân bắt đầu tất bật chuẩn bị phương tiện đánh bắt cá, cả làng Thủy Trầm lúc này rực rỡ sắc đỏ của những lồ (cách gọi bể cá của người dân địa phương) cá chép đỏ.
Để có được những “siêu xe hạng sang” phục vụ ngày Tết ông Công ông Táo, người dân đã sản xuất trước đó khoảng 9 tháng và trải qua nhiều công đoạn chăm nuôi khá phức tạp.
Năm nay, làng nghề Thủy Trầm bắt đầu áp dụng các phương pháp nuôi mới, đưa một số loại thức ăn vào thử nghiệm đã đem lại hiệu quả tốt.
Trước diễn biến thời tiết thất thường, làng vẫn cho thu hoạch những đoàn cá chép đỏ có chất lượng tốt, thậm chí sản lượng còn tăng so với năm ngoái, giá bán cũng khá khẩm.
Hai hôm nay cả gia đình tôi tất bất bắt cá, trời lạnh việc đánh bắt cũng khó khăn hơn nhưng giá bán buôn năm nay nhỉnh hơn nên người dân cũng phấn khởi”, ông Thế, ở khu 2, Thủy Trầm, cho biết.
Thời điểm hiện tại, giá bán buôn cho các thương lái giao động từ 80.000 đến 100.000/kg khoảng 40 con.
Giá bán lẻ tại các chợ khoảng 20.000 một bộ (ba cá ). Những con cá chất lượng tốt có thể lên tới 40.000 một con.
Với tổng sản lượng ước tính khoảng 40 tấn, lượng cá chép đỏ thu hoạch được tại làng Thủy Trầm có thể đảm bảo cung cấp cho toàn miền Bắc, đặc biệt các tỉnh như Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc,… và một số tỉnh thành miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An…
“Hiện nay, cả thôn có khoảng 90% hộ gia đình nuôi cá chép đỏ. Nên tết ông Công ông Táo năm nay không lo “cháy” cá”, ông Bùi Văn Trữ, Chủ tịch làng nghề cá chép đỏ, chia sẻ.
Người dân sẽ chọn lọc những con cá tốt nhất đem đi bán. Cá được phân ra thành loại khác nhau, tùy thuộc vào chất lượng để quy định giá thành cho phù hợp
Cá đem thả vào bể chứa để ép, không cho ăn nhằm giữ cho thân cá dẻo dai, sau đó khoảng 2-3 ngày được giao bán tại chỗ cho các thương lái đến mua
Cả làng cùng nhau xuống ao bắt cá
Sau khi thu hoạch, cá được cho vào bao nilon và bơm oxy để chuyển lên bờ
Cá chép đỏ có kích thước khoảng ba ngón tay sẽ đủ điều kiện thu hoạch
Nhờ có nước và khí nên cá vẫn sống khỏe mạnh, không chết ngạt khi được vận chuyển đi xa
Theo Tuổi trẻ