Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Thủ tướng: ‘Cố Tổng bí thư Đỗ Mười luôn có mặt nơi đầu sóng, ngọn gió’

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười là người của hành động, luôn có mặt ở nơi khó khăn ác liệt nhất – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết.

 

Xin giới thiệu bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tưởng nhớ cố Tổng bí thư Đỗ Mười.

Tổng bí thư Đỗ Mười

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Reuters.

Chống lạm phát, xoá bỏ bao cấp

Sau chiến thắng mùa Xuân 1975, cả nước thống nhất, cùng với niềm vui khải hoàn của dân tộc, là những khó khăn bộn bề. Tiếp đó là hệ quả nặng nề của cuộc tổng điều chỉnh giá – lương – tiền (tháng 10/1985); những bất cập trong quản lý kinh tế – xã hội, trong chính sách đối ngoại… tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Những hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội và dòng người di tản ra nước ngoài tiếp tục gia tăng, gây nhiều khó khăn về kinh tế – xã hội, làm xáo động nhân tâm và là cái cớ để các thế lực phản động chống Việt Nam dưới chiêu bài “nhân quyền”, “dân chủ”, “tự do”.

Tình hình đất nước đặt ra cho những người cộng sản Việt Nam phải giải quyết thách thức của lịch sử: “Đổi mới hay là chết”.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ tháng 9/1988 đến tháng 6/1991), đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Bộ Chính trị, đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh xây dựng đường lối đổi mới, đưa ra những quyết sách mang tính bước ngoặt: Chống lạm phát; Xóa bỏ bao cấp về kinh doanh lương thực, xuất khẩu, chính sách thuế, thay đổi giá và tỷ lệ giá hối đoái, tính lại tiền lương, quy định lãi suất ngân hàng

Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) tính toán, phải có 3 tỷ USD mới giải quyết được lạm phát. 3 tỷ USD lúc bấy giờ chúng ta lấy đâu ra? Đồng chí Đỗ Mười chỉ đạo: Chỉ có biện pháp duy nhất là phát huy nội lực, dựa vào dân, động viên nhân dân bằng lợi ích, để tạo ra những tiềm năng mới.

Hội đồng Bộ trưởng thống nhất mấy vấn đề cần phải tập trung giải quyết và báo cáo Bộ Chính trị: đẩy mạnh sản xuất, thực hiện tiết kiệm và dồn trọng tâm chỉ đạo phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán hộ; khai thác mọi nguồn hàng trong nước và ngoài nước; nâng lãi suất tiết kiệm để thu hút tiền ở trong dân. Về phía Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ quy định nghiêm ngặt Ngân hàng chỉ được nhận tiền mặt và cho vay, tài chính chỉ thu mà chi, không in thêm tiền.

Tổng bí thư Đỗ Mười

Cố Tổng bí thư Đỗ Mười (thứ ba bên trái qua) thăm hợp tác xã nông nghiệp Duy Sơn II,
tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng năm 1989. Ảnh tư liệu.

Sau một thời gian, các chính sách kinh tế và tiền tệ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là giảm lạm phát, từ chỗ lạm phát ba con số: 774% năm 1986, giảm xuống còn hai con số: 34% năm 1989; đến năm 1992 chỉ còn 14%.

Cùng với chống lạm phát, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đề nghị Bộ Chính trị và Trung ương đồng ý chủ trương xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, đưa hai giá về một giá.

Bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, Mỹ

Tháng 6/1991, khi đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng ta cũng là lúc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hoang mang, dao động, sụt giảm niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị lãnh đạo giữ vững ổn định chính trị, kiên định lập trường tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; kiên quyết đi theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là phá thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ; chủ động gia nhập ASEAN, mở rộng quan hệ với các nước trong cộng đồng quốc tế.

Thực hiện trọng trách cao cả đó, từ ngày 5 đến 10/11/1991, nhận lời mời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc, đồng chí Đỗ Mười dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước ta sang thăm chính thức Trung Quốc. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Thông cáo chung khẳng định: “Cuộc gặp cấp cao Việt – Trung đánh dấu sự bình thường hoá quan hệ Việt Nam và Trung Quốc phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của nhân dân hai nước và có lợi cho hoà bình và sự phát triển của khu vực”. Đây là thành tựu ngoại giao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nước ta kể từ khi bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới.

Sau sự kiện bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, đồng chí đã chỉ đạo tích cực phối hợp với phía Mỹ giải quyết vấn đề quân nhân Mỹ mất tích. Với tinh thần nhân văn theo truyền thống của dân tộc, để “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”; “vì hòa bình, ổn định, cùng phát triển”, Việt Nam đã khiến phía Mỹ phải ghi nhận sự thiện chí, trên cơ sở đó, ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố chính thức bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng, đánh dấu việc nước ta đã phá vỡ hoàn toàn thế bị bao vây, cấm vận. Từ đây, đất nước có điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài trong công cuộc chấn hưng đất nước.

Con người dám làm, dám chịu

Tháng 12/1997, tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, sau 70 năm hoạt động cống hiến liên tục cho Đảng, cho cách mạng, đồng chí Đỗ Mười đã xin không tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII. Trung ương đã chấp thuận ý nguyện của đồng chí và đã suy tôn đồng chí làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động và cống hiến cho Đảng, cho dân, đồng chí luôn thể hiện là người của hành động, luôn có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió, những nơi khó khăn ác liệt nhất, mạnh dạn, táo bạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, luôn đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết.

Tổng bí thư Đỗ Mười

Ngôi nhà của cố Tổng bí thư Đỗ Mười tại thôn 3, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Tất Định.

Tấm gương cống hiến và hy sinh hết mình cho đất nước, cho nhân dân của đồng chí Đỗ Mười mãi mãi sáng ngời. Tên tuổi của đồng chí đã và sẽ trở thành tượng đài sống mãi trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc –  Theo vnexpress

Link gốc 

 

Exit mobile version