Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm các chủ thể có hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Tại chỉ thị này, lãnh đạo Chính phủ chỉ ra một số bất cập trong công tác quản lý nhà chung cư như tình trạng tranh chấp, khiếu nại liên quan đến tổ chức hội nghị nhà chung cư, ban quản trị, chọn đơn vị quản lý vận hành, tính diện tích chung – riêng, sử dụng quỹ bảo trì, phòng cháy chữa cháy… làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương và tạo dư luận không tốt trong cư dân.
Cư dân chung cư cao cấp Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) căng băng rôn với nhiều nội dung yêu cầu chủ đầu tư trả sổ đỏ, đòi phí bảo trì và thành lập ban quản trị (ngày 1/7).
Liên quan đến tình trạng chiếm dụng quỹ bảo trì, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tổ chức cưỡng chế thu hồi quỹ, xử lý nghiêm các trường hợp thành viên Ban quản trị sử dụng khoản kinh phí này trái quy định.
Đồng thời Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm các chủ thể có hành vi nghiêm trọng trong quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định pháp luật.
Thực tế đây cũng là những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết nhất thời gian qua tại nhiều dự án ở Hà Nội, từ chung cư giá rẻ cho đến cao cấp. Tại nhiều chung cư, cư dân căng băng rôn, xuống đường “đòi” chủ đầu tư trả quỹ bảo trì.
Chuyện ngược đời ở chung cư Văn Phú Victoria: Cư dân đấu tranh với chính BQT do mình tín nhiệm bầu ra.
Mới đây, ngày 1/7, cả trăm cư dân chung cư cao cấp Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư, đã tập trung treo băng rôn với nhiều nội dung yêu cầu chủ đầu tư trả sổ đỏ, đòi phí bảo trì và thành lập ban quản trị.
Cư dân phản ánh, chung cư Hòa Bình Green City được bàn giao từ năm 2014 nhưng hơn 3 năm vẫn chưa tổ chức Hội nghị chung cư để thành lập Ban quản trị tòa nhà và bàn giao quỹ bảo trì hơn 40 tỷ đồng.
Hay ở một số dự án chung cư, cư dân lại đấu tranh để đòi quỹ bảo trì với chính ban quản trị do mình bầu ra. Đây là thực trạng đã diễn ra tại chung cư Văn Phú Victoria (Hà Đông). Cư dân tại đây cho biết từ khi thành lập và được chủ đầu tư bàn giao hơn 41 tỷ đồng phí bảo trì, ban quản trị không công khai minh bạch việc quản lý, sử dụng số tiền nói trên, cũng như các nguồn thu từ việc khai thác quảng cáo, dịch vụ xung quanh tòa nhà. Bên cạnh đó, theo phản ánh, ban quản trị còn tự ý quyết về việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành mà không lấy ý kiến cư dân. Hiện việc chi tiêu, quản lý số tiền phí bảo trì hàng chục tỷ đồng tại đây ra sao cư dân không hay biết…
Trước đó, trong một báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng chỉ ra 8 loại tranh chấp chung cư cơ bản, trong đó có tới 36% tranh chấp liên quan đến phí bảo trì (trên 108 dự án có tranh chấp). Có thể kể đến như tại Hà Nội: chung cư Hateco Hoàng Mai, Star City 81 Lê Văn Lương, 310 Minh Khai, Hồ Gươm Plaza…. Tại TP. HCM: dự án Hoàng Anh River View, chung cư Khánh Hội 2, chung cư The Morning Star, chung cư Investco-Babylon, New Sài Gòn…
Hồng Khanh – theo VietNamNet