Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Trẻ nhỏ mắc đái tháo đường vì những sai lầm này của cha mẹ

Nhiều bậc cha mẹ thấy bất ngờ khi nhận thông báo con bị đái tháo đường khi mới vài tuổi. Theo các chuyên gia, bệnh đang có xu hướng gia tăng ở trẻ nhỏ.

đái tháo đường

Ảnh minh họa

Bàng hoàng khi con mắc đái tháo đường

Bệnh viện Bạch Mai từng ghi nhận ca tiểu đường nhỏ tuổi nhất do bị béo phì, rối loạn chuyển hóa. Bệnh nhân 8 tuổi nặng tới 58kg và có thời điểm lên tới 62kg khiến chỉ số đường huyết cao gấp đôi chỉ số bình thường (13mmol/l).

Theo tìm hiểu, vì gia đình có điều kiện nên cháu được chăm sóc, “tẩm bổ” ăn toàn đồ chứa nhiều chất dinh dưỡng trong khi lại rất ít vận động.

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp bởi theo các bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nội tiết Trung ương… thì số lượng trẻ bị đái tháo đường đang ngày càng tăng cao. Nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi đã có vài năm chung số với bệnh đái tháo đường. Hầu hết những trường hợp này bị thừa cân, béo phì.

Bé N.V.A (ở Hà Nội) là trường hợp bị tiểu đường tuýp 1 lâu năm của Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo lời kể của mẹ bé A, cháu bình thường ăn uống tốt, được 4 tuổi thấy cháu rất háo nước và đi tiểu nhiều, nước tiểu lại có màu vàng sậm nên đưa con đi khám.

Nghi ngờ cháu bị đái tháo đường, bác sỹ cho kiểm tra, kết quả xét nghiệm glucozo và xê tôn trong máu lên rất cao. Cháu phải nằm viện điều trị kéo dài mấy tuần, hiện nay đang điều trị ngoại trú. Bố mẹ thường xuyên phải cho cháu kiểm tra đường huyết và tiêm insulin.

PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh Dưỡng quốc gia cho biết, đái tháo đường ở trẻ nhỏ có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực, sử dụng nhiều thức ăn nhanh.

Thậm chí nhiều cha mẹ cho biết, do “thương con” còi cọc nên ép con uống bằng được các loại sữa tăng cân và cho con ăn nhiều đồ ngọt. Trong khi đó, với tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ cao như hiện nay, nguy cơ trẻ bị đái tháo đường tuýp 2 sẽ rất lớn.

Đáng lo ngại là phần lớn trẻ bị đái tháo đường thường phát hiện tình cờ khi trẻ làm xét nghiệm hoặc điều trị bệnh khác. Biểu hiện của bệnh đái tháo đường ở trẻ rất dễ nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, rối loạn tiêu hoá…

Ở giai đoạn đầu bệnh khó phát hiện, chỉ khi trẻ “có vấn đề” như khát nước nhiều, hay đói, tiểu nhiều và sụt cân… các bậc cha mẹ mới chú ý đưa trẻ vào viện. Một khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu mất tri giác, lơ mơ, thở nhanh… là bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Theo các bác sỹ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trẻ bị đái tháo đường nếu không điều trị kịp thời có thể gặp nhiều biến chứng như giảm thị lực do đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc, biến chứng thận, tim mạch…

Không ít trường hợp trẻ nhập viện muộn bắt buộc phải dùng insulin tiêm vì gan đã tổn thương.

Việc điều trị lúc này trẻ không khỏi được bệnh hoàn toàn mà buộc phải sống phụ thuộc vào thuốc. Ngoài dùng thuốc, chế độ ăn đối với trẻ đái tháo đường cũng rất quan trọng, vì con luôn phải ăn theo hướng dẫn của cha mẹ. Trẻ em bị bệnh càng sớm, các tổn thương càng sớm và nặng nếu không được quản lý bệnh tốt.

Điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, trẻ em chủ yếu mắc tiểu đường tuýp 1, còn một tỷ lệ nhỏ là tiểu đường tuýp 2.

Thói quen thường nhận thấy là các bậc cha mẹ thường thích con mập mạp nên nhiều khi chỉ sợ con gầy yếu nên ép con ăn, “chiều” theo sở thích các đồ ăn nhanh giàu chất mỡ, uống nước ngọt có ga nhiều của con mà không hay mình đang tạo điều kiện để trẻ mắc bệnh.

Trẻ béo phì là đối tượng dễ mắc hội chứng chuyển hóa, rối loạn chuyển hóa, mỡ máu nguy cơ bị tiền đái tháo đường rất cao. Đối với đái tháo đường type 2 có thể phòng bệnh bằng cách kiểm soát cân nặng của trẻ ngay từ ban đầu, không để trẻ thừa cân, béo phì bằng chế sinh hoạt và dinh dưỡng.

Cha mẹ cần hạn chế cho trẻ ăn hoặc uống thực phẩm nhiều đường, đường hấp thu nhanh như nước ngọt có ga, bánh kẹo… chứ không nhất thiết phải kiêng tuyệt đối cho trẻ.

Hạn chế tinh bột, thực phẩm chứa nhiều chất béo như đồ ăn nhanh, đồ chiên xào, thịt mỡ, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng gà…, tăng cường rau xanh, chất xơ, hoa quả, chất đạm.

Bữa ăn cần được kiểm soát lành mạnh khi vào hấp thu từ từ giúp trẻ có đường huyết ổn định chứ không nên no dồn đói góp. Khi trẻ đói, trẻ có thể ăn đến lên đến 130% nhu cầu. Phải chuẩn bị rau cho trẻ để hấp thu từ từ và cần chú ý tới thời gian ăn.

Nên duy trì thời gian ăn 20-25 phút, với trẻ thừa cân béo phì có thể chỉ mất 5-10 phút để hết bữa ăn. Khi ăn quá nhanh, gan không kịp chuyển hóa khiến trẻ không có cảm giác no, không duy trì đường huyết.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng 50% số người bị rối loạn đường huyết lúc đói hoặc sau ăn-hội chứng tiền đái tháo đường sẽ bị đái tháo đường trong vòng 5 năm sau đó.

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng chú ý đến việc chia số bữa trong ngày. Không nên để trẻ mất bữa. Trẻ bình thường ăn 3 bữa thì trẻ thừa cân béo phì nên chia nhỏ bữa ăn, dàn ra thành 4-5 bữa giúp đường huyết trẻ ổn định.

Một số thực phẩm có đường huyết thấp mà người mắc đái tháo đường nên đưa vào bữa ăn như bánh mỳ đen, rau quả.

Mọi đối tượng đều có thể tầm soát để phát hiện đái tháo đường sớm bằng kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Người có nguy cơ cao như trẻ thừa cân, béo phì hoặc trong gia đình có người mắc đái tháo đường, mắc các bệnh mãn tính nên kiểm tra 3-6 tháng/lần về xét nghiệm đường máu đói, HbA1c.

Các chuyên gia khuyến cáo, kiểm soát béo phì không chỉ là chế độ ăn mà còn cần cho trẻ được vận động.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống năng động, tăng vận động là 3 điều cần thực hiện phối hợp để trẻ có sự phát triển tốt nhất. Việc tăng vận động thể lực cũng là một yếu tố để trẻ tăng trưởng chiều cao, phát triển triển thể lực.

Một khi thấy trẻ khát nhiều, uống nhiều và đi tiểu nhiều; háo ăn, sụt cân… cần đưa trẻ vào viện kiểm tra ngay. Để xác định tiểu đường, bác sĩ có thể làm xét nghiệm nước tiểu tìm glucose và xeton, xét nghiệm máu đánh giá lượng đường huyết.

P Thuận – GĐXH

Link

 

 

 

Exit mobile version