Khi thấy nhiệt độ cơ thể của con trên 37,5 độ C, nhiều bố mẹ rất lo lắng, “ngớ người” không biết nên chườm nóng hay chườm lạnh cho con thì tốt hơn. Câu trả lời có ngay dưới đây.
Sốt là một phản ứng của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh như các bệnh nhiễm trùng, cơ thể bị nóng lạnh đột ngột hoặc có những biến đổi về chuyển hóa… Theo Trung tâm Y tế Trường đại học Maryland, sốt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể trên 37,5 độ C.
Với người lớn, bạn nên đi khám bác sĩ nếu nhiệt độ cơ thể là 40 độ C hoặc cao hơn và cơn sốt kéo dài hơn 72 tiếng.
Với trẻ em dưới 3 tháng tuổi, các bậc phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế nếu thân nhiệt đạt 38 độ C hoặc cao hơn. Còn trẻ từ 3 tháng – 12 tháng tuổi, bố mẹ cho con đi khám bác sĩ khi nhiệt độ cơ thể là 39 độ.
Một cơn sốt nhẹ thường không cần điều trị. Nếu trẻ khó chịu và khó ngủ, bố mẹ hãy áp dụng một số biện pháp tại nhà để giảm sốt.
Về cơ bản, có 2 cách hạ sốt: Sử dụng thuốc và phương pháp làm mát từ bên ngoài cơ thể.
Thuốc được khuyến cáo chỉ sử dụng khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, bằng đường uống hoặc đặt thuốc ở hậu môn.
Với trẻ sốt nhẹ nhiệt độ từ 37,5 – 38,5 độ C, bố mẹ không cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay. Khi đó, bố mẹ nên tìm cách hạ sốt cho con bằng làm mát từ bên ngoài cơ thể, đặc biệt là chườm, để bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Hầu như bố mẹ nào cũng biết nên dùng thêm khăn bông mềm thấm nước, vắt hơi khô đặt lên trán, lau 2 hõm nách, 2 bẹn của trẻ hoặc lau người để hạ nhiệt độ của trẻ.
Nhưng trong lúc bối rối đó, nhiều bậc phụ huynh “ngớ người” không biết nên chườm nóng (ấm) hay chườm lạnh (đá lạnh) cho con thì tốt hơn.
Chườm nước đá lạnh
Các bác sĩ cho biết thấy con sốt, một số bà mẹ lấy nước đá cho vào túi nilong, bọc vải bên ngoài, rồi đặt lên trán con để hạ thân nhiệt. Điều này thực sự rất nguy hiểm và mẹ tuyệt đối không nên làm.
Cơ thể trẻ đang nóng, nếu mẹ chườm đá lạnh, nhiệt độ nóng – lạnh chênh lệch quá mức có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp ngay lập tức.
Ngoài ra, biện pháp này làm co mạch, khiến lỗ chân lông không “mở” để thân nhiệt thoát ra ngoài. Mẹ sờ thấy trẻ mát bên ngoài chỉ là cảm giác do đá lạnh mang lại, còn thực tế trẻ vẫn sốt.
Chườm nước ấm
Khi trẻ sốt ở ngưỡng 37,5 – 38,5 độ C, bố mẹ có thể áp dụng phương pháp chườm khăn ướt nhúng vào nước ấm. Các bậc phụ huynh không nên dùng nước quá nóng (nếu nhúng tay vào nước mà có cảm giác nóng thì không hiệu quả).
Sử dụng khăn ấm lau toàn thân cho trẻ, đặc biệt lau nhiều ở trán, 2 hốc nách và bẹn, thay khăn 2-3 phút/lần để trẻ hạ nhiệt.
Trang NCBI -Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia Mỹ đã giới thiệu phương pháp “buộc khăn ở cổ chân” để hạ sốt cho trẻ.
Theo đó, bố mẹ nhúng 2 chiếc khăn bông vào nước ấm (nhiệt độ nước nên tương đương hoặc thấp hơn một chút so với nhiệt độ cơ thể trẻ).
Vắt hơi khô và quấn khăn quanh 2 bắp chân của trẻ. Sau khoảng 20 phút, tháo khăn và lau khô chân ngay lập tức.
Đây là một trong những phương pháp hạ sốt dựa trên nguyên lý tác động từ bên ngoài làm giảm dần nhiệt độ cơ thể như chườm khăn ấm, cởi bớt quần áo, dùng đồ uống lạnh…
Điều quan trọng của các phương pháp hạ sốt từ bên ngoài này là đảm bảo cho bé cảm thấy thoải mái nhất và không làm bé bị cảm lạnh. Và NCBI cũng khuyến cáo nếu như bé bị sốt nhưng chân và tay lạnh thì không nên áp dụng cách hạ sốt này.
Lưu ý:
– Bố mẹ nên nhớ, phương pháp làm mát cơ thể từ bên ngoài không điều trị được nguyên nhân gây ra cơn sốt, do đó, hãy luôn theo dõi sức khỏe của con.
– Trẻ bị sốt vẫn có thể nằm quạt, điều hòa bình thường. Khi trẻ đang bị sốt, nhiệt độ phòng mát và dễ chịu sẽ làm bé thoải mái hơn.
– Và nguyên tắc vô cùng quan trọng là cho trẻ uống đủ nước (tốt nhất là oresol) sẽ giúp hạ sốt hiệu quả.
– Những trường hợp sốt kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm như co giật, không ăn uống… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.
* Tổng hợp từ nhiều nguồn
theo Trí Thức Trẻ