“Nạn nhân dễ dàng rơi vào trạng thái trầm cảm, bởi một khi đã vướng phải thì không dễ để thoát ra. Một đoạn video được đưa lên Internet sẽ ở đó mãi mãi, giống như án tử của chính xã hội.”
Những ngày gần đây, khi scandal bê bối tình dục của Seungri (Big Bang) còn chưa nguội, dư luận Hàn Quốc và châu Á lại tiếp tục chấn động với thông tin Jung Joon Young vướng vòng lao lý vì tội quay lén và phát tán clip sex của phụ nữ .
Có thể nói, chưa bao giờ fan K-pop phải giật mình thon thót trước từng drama mà các thần tượng một thời đã gây ra. Nhưng sau câu chuyện của Seungri và Jun Joon Young, người ta còn thấy được một vấn nạn thực sự mang tên nạn quay lén phụ nữ – thứ mà xã hội Hàn Quốc đang phải tranh đấu để loại bỏ.
Đi vệ sinh? Hãy kiểm tra camera đã
Năm 2018, Laura Bicker – cây viết của CNN đã có một trải nghiệm “lạ” khi ghé đến thành phố Seoul – thủ đô của Hàn Quốc. Cô chạy vào một nhà vệ sinh công cộng bên bờ sông Hàn, còn người bạn thì hét lên phía sau:
“Kiểm tra xem có camera trong đó không nhé!”
Bicker cười lớn và đi vào vì nghĩ đó là một trò đùa. Nhưng không! Hóa ra rất nhiều phụ nữ Hàn cô tiếp xúc cũng đưa ra lời khuyên tương tự: Việc đầu tiên khi vào toilet công cộng tại Hàn Quốc là kiểm tra xem có lỗ nhìn trộm hay camera trong đó hay không.
Bởi lẽ, quay lén đã trở thành một đại dịch tại quốc gia này mất rồi.
Theo CNN đưa tin, Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với những nạn quay lén với nội dung hết sức bệnh hoạn. Các camera giấu kín ghi lại cảnh phụ nữ và (đôi khi là) đàn ông đang thay đồ, đi vệ sinh, sex… sau đó bị tung lên mạng.
Tháng 4/2018, hàng chục ngàn phụ nữ đã xuống đường biểu tình vì cảm thấy bất an trước vấn nạn quay lén. Theo Ryu Hye-jin – thành viên của tổ chức Nữ quyền tại Hàn Quốc, khi họ thành lập đội trợ giúp miễn phí cho các nạn nhân gỡ bỏ video có hình ảnh của mình trên mạng, họ đã lập tức bị quá tải với hàng chục ngàn lời yêu cầu giúp đỡ.
“Mọi thứ dường như vượt quá tầm kiểm soát. Từ khi thành lập đội xử lý, có rất nhiều nạn nhân đã tìm đến chúng tôi.” – Ryu cho biết.
“Án tử” từ chính xã hội
Những kẻ bệnh hoạn thường sử dụng các camera quay lén siêu nhỏ dưới dạng cây bút, chìa khóa xe… giấu trong phòng thay đồ, phòng tập gym, bể bơi. Sau đó, chúng được bán cho các trang web đen để kiếm lời.
Theo CNN, một đoạn phim có cảnh phụ nữ đang thay đồ hoặc đang sex có thể bán được với giá 100.000 won (khoảng hơn 2 triệu đồng).
Thậm chí đôi khi đó còn là những video sex được quay bởi chính bạn trai mà nạn nhân không hề hay biết, để rồi sau đó trở thành công cụ trả thù nếu chuyện tình không còn êm đẹp.
Quay lén đang trở thành một vấn nạn tại Hàn Quốc
“Nạn nhân dễ dàng rơi vào trạng thái trầm cảm, bởi một khi đã vướng phải thì không dễ để thoát ra. Một đoạn video được đưa lên internet sẽ ở đó mãi mãi, giống như án tử của chính xã hội.” – trích lời Ryu.
Theo số liệu thống kê từ Yonhap ghi nhận năm 2017, có đến 6.500 vụ camera giấu kín bị bắt. Con số này đã tăng gấp 3 lần so với năm 2012, và đó chỉ là bề nổi.
Nhiều nạn nhân thậm chí còn không biết có sự tồn tại của những video đó, và đến khi biết cũng chẳng đủ can đảm để lên tiếng vì lo sợ sự chối bỏ của xã hội.
“Nhiều nạn nhân muốn trốn tránh mọi thứ sau đó,” – trích lời Park – một trong những thành viên của đội trợ giúp. Cô đã luôn mang bên mình thiết bị phát hiện camera giấu kín kể từ khi vào đội.
Năm 2016, đội Ngăn tội phạm tình dục kỹ thuật số (Digital Sexual Crime Out) đã đánh sập trang Soranet – một trong những trang web đen lớn và lâu nhất tại Hàn Quốc.
Được thành lập từ năm 1999, trang web có đến hơn 1 triệu thành viên, đăng tải hàng ngàn video quay lén phụ nữ. Và mới đây theo cập nhật từ Yonhap, cảnh sát cũng đã chính thức bắt giam chủ trang web sau hơn 1 năm trốn chạy , với cáo buộc tiếp tay cho vấn nạn video quay lén (spycam).
“Đó là tội ác, là xâm hại tình dục, chứ không phải phim khiêu dâm” – Park phẫn nộ.
Theo điều 13 trong Đạo luật về các trường hợp đặc biệt liên quan đến việc trừng phạt các tội phạm tình dục, “một người sử dụng máy ảnh hay các vật dụng có cơ chế tương tự để chụp ảnh cơ thể của nạn nhân, gây ra sự kích thích tình dục hay tâm lý xấu hổ đi ngược lại với ý muốn của nạn nhân” có thể sẽ phải đối mặt với mức án: phạt tù không quá 5 năm hoặc phạt tiền không quá 10 triệu won (204,5 triệu đồng).
Đây là mức án dành cho tội phạm xâm hại 1 nạn nhân.
Không bao giờ biến mất và sự phân biệt đối xử từ chính xã hội
Dù rất nỗ lực, nhưng thực sự với những video và hình ảnh đã bị phát tán, có thể nói việc xóa chúng hoàn toàn là không tưởng.
“Các hình ảnh được phát tán trên rất nhiều website. Vấn đề là ở chỗ có những website đặt máy chủ ở nước ngoài, mà mỗi quốc gia lại có điều luật khác nhau. Thực sự rất khó để tìm đến một điểm chung, nhằm trừng phạt tất cả những kẻ phạm pháp,” – Song Eugene, cố vấn đội cho biết.
Hàng chục ngàn phụ nữ đứng ra biểu tình tại Hàn Quốc 4/2018
Theo Song, việc khiến cho nạn nhân lên tiếng cũng cực kỳ khó khăn tại Hàn Quốc, bởi lẽ trong xã hội quốc gia này vẫn tồn tại nạn phân biệt giới tính, xem nữ quyền là một thứ gì đó cấm kị.
“Điều quan trọng nhất là phụ nữ phải đứng ra lên tiếng, về nỗi đau mà họ phải chịu đựng.”
Việc scandal mới của Seungri và club Burning Sun hiện đang chiếm spotlight trên mọi mặt trận cũng một phần thể hiện góc nhìn của xã hội, vì phụ nữ luôn bị phân biệt đối xử và thường được gắn với những vấn đề liên quan đến tình dục.
“Chúng ta cần phải thay đổi cách đối xử của xã hội với phụ nữ” – Ryu cho biết.
(Tham khảo: CNN, BBC, Aljazeera)
JD – Helino