Câu chuyện hi hữu này tưởng là “Cá tháng 4” nhưng hóa ra có thật, lại xảy ra từ lâu rồi nữa cơ.
“Cá tháng 4” đã qua rồi, nhưng có vẻ như cư dân mạng vẫn còn ham đùa cợt lắm. Chẳng hạn như câu chuyện được cư dân mạng chia sẻ mới đây chẳng hạn, đọc là ai cũng thấy “bịp” rồi.
Có điều, hóa ra đó lại là một câu chuyện có thật.
Trước tiên, hãy nhớ về… ngày xưa một chút. Có lẽ nhiều người trong chúng ta từng bị dọa rằng nếu nuốt hạt (hột) trái cây vào bụng, cái cây ấy sẽ mọc rễ ngay người bạn và vươn ra đến tận miệng?
Câu chuyện của chúng ta cũng từa tựa như thế, chỉ là nó tệ hơn gấp cả trăm lần, và được ghi vào báo cáo y học hẳn hoi.
Câu chuyện được đăng trên tạp chí Parasitology từ năm 2012 nhưng đang được cư dân mạng chia sẻ dữ dội. Chuyện về một người phụ nữ Hàn Quốc 63 tuổi, có thói quen ăn hải sản tươi sống.
Trong một lần ăn mực sống, bà đột nhiên thấy nhói đau trong khoang miệng, để rồi ăn uống hết sức khó khăn trong những ngày sau đó.
Cực chẳng đã, người phụ nữ quyết định đi gặp bác sĩ, và kết quả là trong lưỡi và lợi của bà có đến 12… bọc tinh trùng của mực với hình dạng “như viên con nhộng”.
Hay nói cách khác, lưỡi của bà đã trở thành nơi thụ tinh của con mực ấy.
Được biết, các bọc tinh trùng này được gọi là “bó sinh tinh” (hay ống sinh tinh – spermatophore), thuộc về loài mực T. pacificus của Nhật Bản.
Vấn đề là ở chỗ khi ăn, người này không những không loại bỏ nội tạng mực, mà chỉ nhúng nó qua nước sôi trong vài giây. Điều này đã giúp cho các bó sinh tinh của con mực còn sống nguyên, và bám lại ngay trong lưỡi của bà.
“Ngay khi cắn miếng đầu tiên, bệnh nhân đã cảm nhận có nhiều “con bọ” cắn vào niêm mạc miệng,” – báo cáo nghiên cứu có đoạn.
“Bà ấy thấy đau đớn và nhổ ngay miếng mực ra. Nhưng dù đã làm vậy, bà vẫn cảm thấy những “con mực con” ấy đang tìm cách chọc thẳng vào khoang miệng.”
Dù gọi đó là “bọ trắng” và “mực con”, nhưng nghiên cứu giải thích đây đơn giản chỉ là tinh trùng của mực.
Con mực thường giải phóng tinh bó sinh tinh lên cơ thể con cái khi đến mùa sinh sản, nên tinh trùng của nó cần có khả năng “xuyên phá” tốt.
Đây cũng không phải lần duy nhất câu chuyện này xảy ra.
Theo ghi nhận trên tạp chí Pathology International vào năm 2011, một người phụ nữ 21 tuổi tại Nhật Bản cũng có trải nghiệm tương tự sau khi ăn nhầm phải bộ phận sinh dục chưa được nấu chín của một con mực.
“Xúc tu thứ 4 bên phải của mực T. pacificus đực chính là bộ phận sinh dục của nó. Con mực sẽ bóp các túi tinh của nó bằng xúc tu này, đẩy về phía cơ thể con cái.”
“Quá trình phóng tinh có thể thực hiện một cách tự động nếu có tác nhân bên ngoài đến túi tinh. Vô tình cắn phải sẽ khiến tinh trùng mực bị giải phóng, và khiến niêm mạc miệng bị tổn thương.”
Bài học cho câu chuyện này thì quá rõ ràng: Tốt nhất là ăn chín uống sôi. Nếu có đam mê với hải sản tươi sống, hãy đảm bảo loại bỏ hết phần nội tạng của chúng.
Và ngoài ra nếu đã ăn thực phẩm chưa chín, bạn hãy chấp nhận rằng sẽ có những rủi ro nhất định.
JD- Helino