Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Ung thư vú – bệnh nguy hiểm gây tử vong hàng đầu: Những người sau có nguy cơ cao mắc bệnh

Mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 15.000 ca ung thư vú mới, hơn một nửa bệnh nhân phát hiện bệnh muộn nên hiệu quả điều trị thường không cao.

Ai có nguy cơ mắc

PGS Vũ Hồng Thằng – Phó trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện K chia sẻ ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì tiên lượng kết quả điều trị rất khả quan.

Nếu ở giai đoạn 1-2, bệnh nhân hơn 90% có thể chữa ổn định. Ở giai đoạn 3, tỷ lệ chữa khỏi nếu phát hiện sớm là 60%. Đến giai đoạn 4 thì thường quá trình điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm các triệu chứng đau đớn.

Những yếu tố tăng nguy cơ mắc ung thư vú, PGS Thăng cho biết đó là tuổi tác. Càng nhiều tuổi nguy cơ mắc càng cao.

PGS Vũ Hồng Thăng – Phó trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện K

Ngoài ra còn có yếu tố gia đình: những phụ nữ có người thân mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, có đột biến gen BRCA1, BRCA2 nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn người bình thường.

Tình trạng kinh nguyệt: các yếu tố liên quan đến tăng số lượng kì kinh như mang thai sau 30 tuổi, có kinh sớm trước 13 tuổi, mãn kinh muộn sau 50 tuổi hoặc không cho con bú,… đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

Ngoài ra, một số yếu tố khác như: thừa cân, béo phì, sử dụng hormon ngoại sinh, người có tiền sử mắc các bệnh vú lành tính…

Dấu hiệu ung thư vú

TS.BS Nguyễn Diệu Linh, Phó Trưởng khoa Khám bệnh Tân Triều, Bệnh viện K trung ương cho biết ung thư vú là căn bệnh nguy hiểm gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Vì vậy, khi thấy các triệu chứng dưới đây, chị em cần lưu ý.

1. Sưng hoặc có khối u ở nách

Khối u ác tính thường có đặc điểm là cứng, không đau khi chạm vào.

Có khối u ở gần vú hoặc nách là dấu hiệu phổ biến nhất ở những người bị ung thư vú. Khối u ác tính thường có đặc điểm là cứng, không đau khi chạm vào.

2. Những thay đổi về hình dạng vú, kích thước

Nhiều phụ nữ không sờ thấy khối u như thông thường mà họ thấy ngực to hơn, trễ thấp hơn, có hình dạng khác thường so với bên vú còn lại. Đây cũng là triệu chứng của ung thư vú, thường gặp ở những người có mô vú dày đặc. Có tới 50% phụ nữ có mô vú dày đặc, và điều này khiến cho việc phát hiện ung thư vú gặp khó khăn hơn.

3. Sự thay đổi ở núm vú

Một trong những vị trí phổ biến nhất mà khối u thường xuất hiện là bên dưới núm vú, gây ra những thay đổi và cảm nhận ở núm vú. Ở những người mắc bệnh, núm vú thường dẹt hơn, tụt vào trong, tiết dịch hoặc máu. Da xung quanh núm vú có thể có vảy, viêm…

4. Ngứa ở ngực

Triệu chứng này chủ yếu liên quan tới ung thư vú viêm, và thường bị bỏ qua. Người bệnh bị ung thư vú viêm thường bị ngứa nhiều, nổi mẩn đỏ, hay sần sùi như vỏ cam.

Cách tự khám vú chị em phải biết

5. Đau ở vai, lưng trên hoặc cổ

Ở một số phụ nữ mắc ung thư vú, họ cảm thấy đau ở lưng hay vai chứ không phải ở ngực hoặc vú. Cơn đau thường xảy ra ở phần lưng trên hoặc giữa 2 bả vai, dễ bị nhầm lẫn với chấn thương dây chằng, viêm xương khớp.

6. Vú bị đỏ và sưng

Nhiều người trải qua các triệu chứng như ngực nóng, hay ửng đỏ (thậm chí có màu tím), sưng đau… thường chỉ nghĩ đơn giản là nhiễm trùng, chẳng hạn nhu viêm vú. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu của ung thư vú viêm.

7. Đau ở ngực hoặc vú

Đau ở bệnh nhân ung thư vú, được mô tả là cơn đau buốt, đến và đi nhanh chóng, giống như một luồng điện nhẹ đi từ ngực trái đến ngực phải.

Để chẩn đoán ung thư vú cần dựa vào 3 phương pháp kinh điển có tính chất định hướng giúp chẩn đoán xác định bệnh ung thư vú, bao gồm:

Thứ nhất, khám lâm sàng: các triệu chứng của bệnh.

Thứ hai, xét nghiệm tế bào học: đánh giá hình thái tế bào tuyến vú

Thứ ba, chụp X-quang tuyến vú (mammography): phát hiện hình ảnh nghi ngờ tổn thương ác tính của vú trên phim X-quang.

Nếu một trong 3 phương pháp này nghi ngờ phải thực hiện sinh thiết tổn thương ở vú. Kết quả mô bệnh học sau sinh thiết là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư vú.

Có nhiều phương pháp để điều trị ung thư vú như phẫu thuật; hóa, xạ trị; điều trị nội tiết…

TS Linh cho biết việc chỉ định điều trị như thế nào còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người bệnh; kích thước và sự phát triển của khối u ; độ tuổi và tiền sử bệnh của bệnh nhân

Theo Sức khỏe đời sống

Exit mobile version