Sai lầm nghiêm trọng này của Gia Cát Lượng từ sớm đã được Bàng Thống chỉ ra. Thế nhưng việc Lưu Bị không nghe theo lời vị mưu sĩ họ Bàng đã khiến Thục Hán phải chịu nhiều tổn that.
Bàng Thống là một trong những đại mưu sĩ nổi danh thời Tam Quốc. Tài năng của ông thường được người đời sau đánh giá là sánh ngang với Gia Cát Khổng Minh.
Năm xưa khi được Bàng Đức Công gọi là Phượng Sồ, danh xưng này đã luôn gắn liền với tên tuổi của mưu sĩ Bàng Thống.
Vào thời bấy giờ, thiên hạ từng lưu truyền một câu nói nổi tiếng: “Ngọa Long (Gia Cát Lượng) – Phượng Sồ (Bàng Thống), được một trong hai người có thể bình thiên hạ”.
Khi xưa, Lưu Bị cùng lúc có trong tay cả hai mưu sĩ nổi danh này, chỉ tiếc rằng ông vẫn để thiên hạ tuột khỏi tay.
Sinh thời, Bàng Thống được miêu tả là mưu sĩ có mưu lược và trí tuệ vô cùng xuất chúng. Tuy chỉ theo phò tá Lưu Bị 4 năm, nhưng cống hiến của ông dành cho quân chủ lại vô cùng to lớn.
Đây cũng là lý do vì sao sau khi Bàng Thống mất, Lưu Bị mỗi lần nhắc tới vị mưu sĩ này đều không khỏi đau đớn mà khóc rống.
Kinh Châu và nước cờ mạo hiểm của Gia Cát Lượng
Bàng Thống được biết tới là một trong những mưu sĩ nổi danh thời Tam Quốc. (Ảnh minh họa).
Trong suốt những năm tháng tranh đấu, Lưu Bị giành được hai thành tựu hết sức khả quan: Đó chính là lấy được Kinh Châu và Ích Châu.
Căn cứ địa Kinh Châu vốn do Gia Cát Lượng giúp Lưu Bị nắm lấy. Vùng đất này nằm giữa địa bàn của hai thế lực của Tôn Quyền – Tào Tháo, phía đông là chính quyền Đông Ngô, phía bắc lại giáp Tào Ngụy.
Việc giành lấy Kinh Châu cho thấy đối sách của Gia Cát Lượng là muốn Thục Hán phát triển lớn mạnh tại đây, từ đó trở thành thế lực đe dọa cả hai phe Tôn – Tào.
Kinh Châu tuy trọng yếu, thế nhưng các thế lực kia liệu sẽ để yên cho Lưu Bị có cơ hội từ từ lớn mạnh tại đây hay sao?
Huống hồ Kinh Châu trải qua nhiều năm chiến loạn, chỉ còn là một mảnh đất hoang tàn, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn. Đây mới thực sự là vấn đề nghiêm trọng.
Ích Châu và sách lược trái ngược của Bàng Thống
Về việc lựa chọn vùng đất làm căn cứ địa, Bàng Thống đưa ra đối sách trái ngược với Gia Cát Lượng. (Ảnh minh họa).
Trong quá trình gây dựng sự nghiệp lớn mạnh, thành tựu lớn thứ hai của Lưu Bị chính là giành được Ích Châu.
Trên thực tế, việc chiếm Ích Châu cũng từng được Gia Cát Lượng xác định một phần ở trong Long Trung đối sách, nhưng lúc chuẩn bị tiến hành thì Lưu Bị lại do dự không quyết.
Lúc này, Bàng Thống chính là người mạnh dạn đứng ra dẹp bỏ dư luận, chỉ ra những điểm tốt trong việc giành được Ích Châu và giúp Lưu Bị phân tích tình hình trước mắt.
Vị mưu sĩ họ Bàng cho rằng, Kinh Châu địa thế trống trải, dân cư thưa thớt, bắc có Tào Tháo, đông có Tôn Quyền luôn nhìn chằm chằm, không dễ công thủ. Đây quả thực không phải là một nơi có thể tạo thành thế chân vạc.
Vì vậy, ông khuyên Lưu Bị đánh chiếm Ích Châu, tiến hành chiến lược đổi chỗ, biến nơi đây thành căn cứ địa.
Không nghe Bàng Thống, Lưu Bị và Thục Hán hối không kịp
Cách nghĩ này của Bàng Thống hoàn toàn trái ngược với đối sách của Gia Cát Lượng. Bởi Khổng Minh vốn cho rằng, đất Kinh Châu tây thông Ba Thục, bắc có Hán Thủy, là một vị trí chiến lược vô cùng tốt, hoàn toàn có thể dùng làm căn cứ địa để lớn mạnh.
Thế nhưng sự thực đã chứng minh, đối sách của Khổng Minh sau này đã đưa tới những tổn thất nghiêm trọng.
Giữa đối sách lựa chọn căn cứ địa của Bàng Thống và Gia Cát Lượng, quân chủ Lưu Bị đã lựa chọn nghe theo Khổng Minh. (Ảnh minh họa).
Sau khi Lưu Bị chiếm Kinh Châu, ông nghe theo Gia Cát Lượng, phái một đại tướng quân tới nơi này trấn thủ. Người đó chính là Quan Vũ, và kết quả là ông bị quân của Tôn Quyền giết chết.
Sau lần đó, Kinh Châu rốt cục cũng lại về tay Tôn Quyền. Lưu Bị khởi binh đánh Ngô để báo thù cho Quan Vũ, nào ngờ đến Trương Phi cũng bị hại chết.
Cứ như vậy, thế lực Lưu Bị mất cả chục năm để xây dựng đã bắt đầu tiến vào thời kỳ suy thoái.
Từ đó có thể thấy, việc Gia Cát Lượng chiếm Kinh Châu chỉ là lý tưởng chứ chưa hề suy xét kỹ đến các nhân tố bên ngoài và bên trong. Điều này dẫn tới hệ lụy vô cùng nghiêm trọng, làm cho thế lực của Thục Hán từ thịnh xuống suy.
Trong khi đó, quyết định của Bàng Thống hoàn toàn căn cứ vào tình hình thực tế. Sau khi tiến hành phân tích và xem xét, ông nhận thấy Kinh Châu không phải là một căn cứ địa lý tưởng.
Chỉ tiếc rằng cách nhìn độc đáo của Bàng Thống lại không nhận được sự tán đồng từ vị quân chủ Lưu Bị. Nếu vị mưu sĩ họ Bàng này không qua đời sớm, có lẽ những trang sử sau này của Thục Hán sẽ được viết theo một cách khác…
Trần Quỳnh – Thời đại