Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Vì sao ông Phan Văn Vĩnh không bị kê biên tài sản?

Luật sư giải thích nếu ông Vĩnh không gây thiệt hại hoặc nhà chức trách chưa chứng minh được thì không cần kê biên.

Ông Phan Văn Vĩnh từng nổi tiếng với những chiến công gì  /  Thứ trưởng Bộ Công an: Vụ án liên quan ông Phan Văn Vĩnh là bài học đau xót

Ngày 13/11, VKSND tỉnh Phú Thọ công bố xong cáo trạng về hành vi bị cáo buộc phạm tội của ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) cùng 91 bị cáo trong đường dây đánh bạc chục nghìn tỷ đồng.

Theo VKS, với chức vụ thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, là người đứng đầu cơ quan được Nhà nước giao cho trách nhiệm đấu tranh, phòng chống tội phạm trong nhiều lĩnh vực, trong đó có tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao và trật tự xã hội, tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh phải là người nắm rõ nhất cấu thành tội phạm của tội Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc để còn có trách nhiệm đấu tranh trực tiếp và hướng dẫn đối với cấp dưới.

Thế nhưng, khi Nguyễn Văn Dương (chủ tịch HĐQT Công ty CNC) đề xuất cho công khai việc kết nối, phục vụ cho game bài đánh bạc, ông Vĩnh vẫn đồng tình bằng hành động bút phê, chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) nghiên cứu. Việc cho phép này là trái với nguyên tắc đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Theo VKS, dấu hiệu “chống lưng” thể hiện qua việc Tổng cục cảnh sát cho Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương thuê chính trụ sở của mình tại số 10 Hồ Giám để vận hành hệ thống đánh bạc. Không những thế, trong trụ sở của công ty CNC còn có phòng làm việc treo biển hiệu ghi: “Bộ Công an – Cục C50; Phòng làm việc của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng”.

Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện CNC vận hành hai game bài Rikvip.com và 23zdo.com là đánh bạc trá hình có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã yêu cầu có báo cáo nhưng tổng cục trưởng Vĩnh không chấp hành chỉ đạo.

Cáo trạng xác định người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao đã dung túng cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm, đồng thời ngăn cản các cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan phối hợp xác minh xử lý.

Cựu tổng cục trưởng Phan Văn Vĩnh hầu toà trong hàng rào bảo vệ của cảnh sát. Ảnh: Giang Huy

Theo VKS, tại cơ quan điều tra ông Vĩnh thừa nhận những vi phạm pháp luật trong việc chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Văn Dương và đồng phạm tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet.

Trong thời gian cho C50 hợp tác với CNC, ông Vĩnh khai được Dương cho một chiếc áo sơ mi, một lọ thuốc bổ gan, hỗ trợ cho Tổng cục Cảnh sát trong các chương trình giao lưu, làm từ thiện 1,1 tỷ đồng và một số bữa tiếp khách tại Tổng cục Cảnh sát Dương có mặt (theo Dương khai các bữa ăn có mặt đều mang rượu đến, tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng).

Theo cơ quan điều tra, ông Vĩnh đã được Dương biếu đồng hồ Rolex. Dù ông Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỷ đồng, song công an đánh giá việc này là không có cơ sở. Bởi lương của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng một tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập không chi tiêu.

Kết luận điều tra còn chỉ ra việc Dương khai biếu ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,75 triệu USD; biếu ông Hóa 22 tỷ đồng là có cơ sở. Tuy nhiên, cơ quan chức năng thấy chưa đủ căn cứ chứng minh nên sẽ đề nghị điều tra xử lý tiếp ở giai đoạn 2.

Ông Vĩnh không thừa nhận lời khai của Dương rằng đã đưa ông 27 tỷ đồng và 1.750.000 USD. Cơ quan tố tụng cho rằng, xét về bản chất, hành vi của ông Vĩnh, Hóa có dấu hiệu “bảo kê”, nhận hối lộ. Trong đó, tổng cục trưởng Vĩnh là người chỉ huy còn cục trưởng Hóa là người thực hành tích cực. Quá trình điều tra, nhà chức chưa đủ căn cứ để xác định hai ông này hưởng lợi cá nhân. Do vậy, việc xử lý hành vi của cựu tổng cục trưởng Vĩnh mới dừng lại ở đủ yếu tố cấu thành tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3 điều 281 Bộ luật Hình sự 1999.

Áp dụng tình tiết có lợi cho bị cáo được quy định tại điều 7 Bộ luật Hình sự, hành vi phạm tội của ông Vĩnh được xử lý theo điểm a khoản 2 điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hoá. Ảnh: Giang Huy

Theo cáo trạng, tài liệu, tài sản ông Vĩnh bị tạm giữ bao gồm: một hộp các-tông bên trong có tài liệu và sáu chiếc USB. Với cựu cục trưởng Hoá, nhà chức trách thu giữ một số tài liệu photocopy chưa thấy có dấu hiệu liên quan vụ án, một bản tóm tắt tình trạng của lĩnh vực kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử game online tháng 6/2017 và 58 trang tài liệu liên quan hoạt động báo cáo giải trình của ông Hóa với Thanh tra Tổng cục cảnh sát.

Cũng theo cáo trạng, ngày 12/3/2018, ông Hóa giao nộp 4 điện thoại di động, ba chiếc USB. Ngày 5/7/2018 vợ ông Hóa nộp 700 triệu theo đề nghị tự nguyện khắc phục hậu quả của chồng.

Luật sư Nguyễn Xuân Anh, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết với tội danh bị truy tố, ông Vĩnh nếu không gây thiệt hại, hoặc cơ quan tố tụng chưa chứng minh được cụ thể thiệt hại thì không cần kê biên hoặc thu hồi tài sản để phục vụ quá trình thi hành án sau này.

Với ông Hóa, nếu chứng minh được việc số tiền công ty CNC biếu C50 sử dụng việc chung của cơ quan, không sử dụng mục đích cá nhân thì ông này cũng chỉ bị quy là thiếu trách nhiệm.

Theo luật sư, dù tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có hình phạt bổ sung là phạt tiền lên tới 100 triệu đồng, song hiện chưa có bản án nên chưa biết ông Vĩnh và Hóa có bị toà áp dụng hình phạt bổ sung hay không. Sau này, khi bản án có hiệu lực, nếu bị áp dụng hình phạt tiền thì nhà chức trách sẽ kê biên, thu hồi sau.

Hơn 1.000 tỷ đồng bị tạm giữ

Độ giàu có của trùm đường dây đánh bạc trực tuyến lớn nhất nước. Đồ hoạ: Tạ Lư – Bá Đô

Theo cáo trạng, hơn 20 bị cáo cùng nhóm các cựu chủ đại lý cấp một, hai, người đánh bạc đã bị tạm giữ đồ vật, tài sản, tiền mặt trị giá hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, người bị tạm giữ nhiều tài sản nhất là Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam.

Theo đó, Nguyễn Văn Dương bị giữ 6 điện thoại di động, ba thẻ ngân hàng, hai sổ tiết kiệm có tổng tiền gửi 150 tỷ đồng, bốn ôtô. Trong số này, có xe Mercedes Benz S500 màu đen và Lexus LX570 cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ về nguồn gốc, chủ sở hữu xe để xử lý sau.

Về tiền mặt, Dương bị tạm giữ hơn 70 tỷ đồng bao gồm: hơn 4 tỷ do vợ bị cáo nộp khắc phục hậu quả thay chồng, hơn 60 tỷ đồng anh ta tự nguyện bán trụ sở công ty CNC để khắc phục…

Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn cho rằng khi tham gia vận hành đường dây đánh bạc nghìn tỷ, Dương được hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên bị cáo vẫn che giấu tiền bất minh, không chịu giao nộp.

Cựu chủ tịch CNC Nguyễn Văn Dương. Ảnh: Phạm Dự

Bị cáo Phan Sào Nam cũng bị tạm giữ ba điện thoại, 5 ôtô sang, tự nguyện giao nộp gần 800 tỷ đồng.

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn phong tỏa 5 tài khoản với tổng số tiền 77 tỷ đồng cùng hàng chục căn nhà tại TP HCM do người khác đứng tên song Nam thanh toán tiền mua. Nhà chức trách xác định, Nam vẫn còn gửi hơn 3 triệu USD ở nước ngoài.

Truy thu hàng nghìn tỷ đồng của các đơn vị trung gian

Hồ sơ vụ án xác định, tổng số tiền mà các nhà mạng được hưởng từ đường dây đánh bạc của Nam và Dương lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là số tiền đã được chứng minh có nguồn gốc từ đánh bạc mà có, vì vậy việc hưởng lợi là không có căn cứ pháp lý. Số tiền này sẽ phải truy thu, nộp ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, 33 ngân hàng phát hành thẻ ATM cũng được hưởng lợi từ việc cung cấp dịch vụ cho hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài gần một tỷ đồng. Số tiền này cũng sẽ bị truy thu, nộp ngân sách nhà nước.

27 tháng vận hành đường dây đánh bạc chục nghìn tỷ. Đồ hoạ: Tạ Lư – Bảo Hà

Theo Tuổi trẻ

Link gốc 

Exit mobile version