ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng TP HCM phải có một nhà hát hiện đại và tương xứng với phát triển kinh tế. “Người dân TP đi quốc gia khác thấy nhà hát của người ta như thế mới thấy mình thiệt thòi”, ông nói.
Ngày 8/10, HĐND TP HCM đã thông qua tờ trình của UBND TP về dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch tại Thủ Thiêm (quận 2) với quy mô 1.700 chỗ ngồi, tổng kinh phí 1.508 tỷ đồng.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó trưởng đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng Nhà hát giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch là công trình mà Đảng bộ và nhân dân TP HCM mong ước, ấp ủ qua nhiều nhiệm kỳ và cũng là sự trông đợi của cử tri TP.
Ông cho rằng các nhà hát hiện nay trên dưới 25 năm tuổi, đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng tốt được các chương trình nghệ thuật và trấn an các đại biểu “hãy yên tâm, vì công trình có tính chất mở, đáp ứng được tính chất của bộ môn nghệ thuật này”.
“Tôi rất mong đại biểu HĐND TP tán đồng với đề án nhà hát giáo hưởng, nhạc và vũ kịch. Giới nghệ sĩ ca vũ kịch TP sẽ rất nức lòng”, ông Khuê phát biểu. Sau đó, các đại biểu đã giơ tay biểu quyết thông qua tờ trình của UBND TP HCM về việc xây dựng nhà hát 1.508 tỷ đồng
Tuy nhiên sau khi được thông qua, dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch gây nhiều tranh luận trái chiều trên mạng xã hội về tính cần thiết của dự án cũng như số tiền “khủng” đầu tư có thể dành vào xử lý các dự án khác về hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học… đang cấp thiết hơn.
Nhận định vấn đề này, Tiến sĩ Trần Du Lịch – nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH TP HCM nói rằng rất ủng hộ dự án này triển khai vì vấn đề xây dựng nhà hát đặt ra hàng chục năm rồi. Nguồn tiền đầu tư có thể lấy từ việc bán đấu giá một số khu đất “vàng” trong nội thành để xây dựng.
“TP cả chục triệu dân mà một công trình văn hóa đề ra cả 10 năm mà chưa làm được? Gần 20 năm nay chúng ta đã ưu tiên làm tất cả công trình hạ tầng, nhưng mảng văn hóa chúng ta bỏ hoàn toàn. Chúng ta cứ nhìn mất cân đối như vậy thì làm sao phát triển được? Bây giờ hỏi công trình văn hóa – thể thao thì thành phố có cái gì? Chúng ta đừng để nó quá lệch, bây giờ thành phố cần phải bù lại những phát triển lệch pha đó”, ông Lịch lý giải về việc cần thiết xây dựng nhà hát.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó trưởng đoàn ĐBQH TP HCM
Cùng quan điểm với ông Trần Du Lịch, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng thành phố phải có một nhà hát hiện đại và tương xứng với phát triển kinh tế, với vai trò vị trí cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân.
“Dự án này đã được đề xuất từ nhiều năm trước, thậm chí từng có những mặt bằng rất đẹp ở trung tâm thành phố dự kiến làm nơi đặt nhà hát nhưng lãnh đạo trước đây đã quyết định dùng cho việc khác.
Đến nay thì đã là chậm rồi vì lâu nay thành phố chỉ lo phát triển kinh tế. Người dân thành phố đi quốc gia khác nhìn nhà hát của người ta như thế mới thấy mình thiệt thòi. Tại sao thành phố đóng góp 1/4 ngân sách, tốc độ phát triển gấp rưỡi cả nước từ mấy chục năm nay cuối cùng lại không có một nhà hát xứng tầm?”, ĐB Nghĩa đặt vấn đề.
Hà Giang – Theo trí thức trẻ/Soha