Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Vì thành tích, nhiều vụ xâm hại tình dục không được đưa ra ánh sáng

Liên quan đến thành tích, nhiều địa phương không cho thông tin, nhiều vụ xâm hại tình dục không được đưa ra ánh sáng.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo Công lý cho nạn nhân bị bạo lực tình dục – Tiếng nói người trong cuộc do Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), Bộ LĐ-TB-XH vừa tổ chức mới đây.

Chia sẻ tại chương trình, Chị H.A (Hà Nội) dù đã 50 tuổi, vẫn nức nở, không nói lên lời khi nhắc lại những ký ức kinh hoàng về lần bị một người đàn ông lạ mặt xâm hại tại nhà vệ sinh trường học năm cấp hai. “Đến giờ tôi vẫn nhớ, khi vào nhà vệ sinh, có ai đó đã kéo tay tôi lại, chốt cửa, rồi bịt miệng khiến tôi không thể kêu la sau đó thực hiện hành vi đồi bại. Lúc đó tôi đau đớn, hoảng sợ, hoảng loạn chạy ra khỏi đó và không dám nói với bất cứ ai. Sau này, tôi sợ và luôn có tâm lý đề phòng, thậm chí kinh tởm tất cả đàn ông”, chị H.A kể.

Xâm hại tình dục trở thành nỗi ám ảnh cả đời của các nạn nhân (Ảnh minh họa)

Một nạn nhân khác chia sẻ, cô từng bị xâm hại tình dục nhiều lần đến mức từng tìm đến cái chết, hay tự hủy hoại bản thân mình vì không thể tìm được cách giải thoát. “Khi còn đi học, tôi từng bị 1 bạn học cưỡng hiếp đến mức có thai. Đến khi đi làm, tôi sợ và luôn co mình lại 1 góc, không giao tiếp với bất cứ ai, thế nhưng tôi vẫn luôn bị các đồng nghiệp nam quấy rối. Tôi từng ngồi trên ban công và nghĩ nếu nhảy xuống đó, tôi có thể kết thúc mọi thứ hay không. Nhưng tôi lại sợ, nếu mình không thể chết mà tàn phế suốt đời thì còn khốn khổ hơn nữa. Thời điểm trầm cảm nhất, tôi đã đun nước sôi để dội vào bụng, vào tay chân. Suy nghĩ duy nhất lúc đó là khiến mình trở nên xấu xí, như vậy sẽ không ai nhận ra, cũng không ai quấy rối mình nữa”, chị đau đớn kể lại.

Từ những chia sẻ thực tế cho thấy, bạo lực tình dục có ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài về cả thể chất lẫn tinh thần của nạn nhân. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết nạn nhân lại lựa chọn việc chấp nhận, im lặng và không tìm kiếm sự hỗ trợ.

Luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, bất cứ ai bị tấn công tình dục đều là nạn nhân. Trong xã hội, các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật người bị lệ thuộc, thường trực nguy cơ trở thành nạn nhân.

“Nói cách khác, khi tham gia xã hội, mỗi người đều là một nạn nhân dự khuyết của vấn đề bạo lực tình dục. Khát khao đi tìm công lý luôn thường trực trong mỗi con người nhưng giải pháp pháp lý lại được khá ít nạn nhân lựa chọn. Thống kê hàng năm cho thấy, số lượng án hình sự và vụ hành chính về mảng này khá khiêm tốn.

Nguyên nhân do một số cuộc xâm hại tình dục chỉ xảy ra vài phút, vụ nghiêm trọng lắm cũng không quá vài ngày. Nhưng để đưa ra ánh sáng công lý, rất nhiều người, nhiều cơ quan phải mất hàng tháng, hàng năm, nhờ vào may mắn với có được chút le lói của công lý.

Qua tâm sự với nạn nhân, chúng tôi nhận thấy rằng trong tâm lý phản kháng của nạn nhân, điều họ mong muốn đầu tiên hoặc chí ít xuất phát đồng thời với nhu cầu đồng cảm, chạy chữa… là tố cáo kẻ bạo hành ra pháp luật. Nhưng nạn nhân đến với bác sỹ, với nhà tâm lý dễ dàng và dễ đạt được mục đích bao nhiêu thì đến với công lý khó khăn và khó đạt được mục đích bấy nhiêu, thậm chí họ còn mất niềm tin và cảm giác thất bại thật rõ ràng”.

Luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, hệ thống pháp lý hiện nay còn có những khoảng trống. Các khái niệm như “giao cấu’, “quấy rối tình dục” không được định nghĩa là khó khăn gốc của mảng hệ thống pháp luật này. Bộ luật hình sự quy định về cuộc bạo lực nghiêm trọng như hiếp, cưỡng, giao cấu, dâm ô, khiêu dâm. Nhưng còn có hàng trăm loại hành vi tấn công tình dục khác không được quy định.

Mảng vi phạm lớn cần xử lý hành chính gần như không có quy định. Chế tài hành chính chỉ có tiền phạt mà không có các hình phạt khác, thậm chí phạt tiền chỉ từ 100.000-300.000. Chế tài hình sự nghiêm khắc, chế tài dân sự thì không thỏa đáng khi mức bồi thường thấp và khó tính toán.Chế tài kỷ luật như khiển trách, khai trừ, miễn nhiệm… có phát huy tác dụng nhưng kẻ bạo hành lại có quá nhiều cách để né tránh hình thức kỷ luật này.

“Bên cạnh đó, việc thu thập chứng cứ từ những vụ án này cũng hết sức khó khăn. Khó khăn cũng đến từ tâm lý của các cơ quan áp dụng pháp luật như tâm lý lo ngại án oan, nên các cơ quan khối nội chính chọn giải pháp an toàn nên nhiều tội phạm nghiêm trọng bị bỏ lọt”, TS Tú cho biết thêm.

Bà Nguyễn Vũ Thu Hòa, phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng: “Vì liên quan đến thành tích, địa phương không cho thông tin về các vụ xâm hại tình dục, dư luận không biết, nhiều vụ việc bởi vậy mà không được đưa ra ánh sáng. Chúng tôi nhiều khi phải dùng mạng xã hội gây sức ép lên chính quyền”.

Là tổ chức trực tiếp có các hoạt động bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ, bà Hòa cho biết, công tác này hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, kỹ thuật, năng lực và cả các thiết chế.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều rào cản, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ việc về xâm hại tình dục, mong muốn tạo ra diễn đàn đối thoại giữa các bên liên quan về khoảng trống pháp luật, chính sách và thực tiễn về tiếp cận công lý cho nạn nhân bị bạo lực tình dục.

Theo Nguyễn Trang/VOV

Link 

 

 

 

Exit mobile version