Võ sư Mark Phillips đến từ Trường võ Vịnh Xuân London đã đưa ra những quan điểm rất riêng về trận đấu giữa võ sư Đoàn Bảo Châu và ông Flores.
Trong cuộc đấu đối kháng diễn ra trong vòng khoảng hai phút, mặc dù đã có một số lần ra đòn chân và đòn tay, ông Đoàn Bảo Châu đã có ba lần bị nằm đất, trong đó có cú nặng nhất là khi võ sư của Việt Nam bị đối thủ ra đòn chân ở tầm cao hạ gục ở cuối trận khiến ông phải nhận sự chăm sóc tại chỗ ngay sau trận đấu.
Võ Sư Mark Phillips đến từ Trường võ Vịnh Xuân London đã có những chia sẻ về trận đấu trên với hãng thông tấn BBC. Dưới đây là nội dung chi tiết cuộc phỏng vấn.
Trước hết, võ sư Mark Phillips giải thích về các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả thi đấu:
Võ sư Mark Phillips: Trong hầu hết các môn võ thuật, khi thi đấu thì các đấu thủ được xếp theo hạng cân, từ thi đấm bốc, võ hỗn hợp, cho tới kick-box, hay cả môn vật wrestling, tất cả các cuộc thi đấu thể thao đều được tiến hành trên cơ sở cân nặng.
Vấn đề là nếu như có cùng trình độ võ thuật tương đương thì võ sỹ nặng cân hơn sẽ có lợi thế hơn, đó là điều cần tính tới.
Một điểm nữa, là với người có võ công thâm hậu, đẳng cấp hơn hẳn đối thủ thì nếu nhỏ hơn đối thủ, tất nhiên là khi không chênh lệch trọng lượng quá nhiều, thì đấu thủ nhỏ con hơn sẽ vẫn có khả năng khống chế tốt trận đấu.
Võ sư Đoàn Bảo Châu (trái) tỉ thí với cao thủ Vinh Xuân Pierre-Francois Flores chiều 12/7 theo giờ Việt Nam.
PV: Nếu đặt sang một bên chuyện kích cỡ của hai đấu thủ, thì ông có cho rằng kết quả ít nhiều phản ảnh đặc tính võ thuật của từng môn phái này khi được đem ra đối kháng với nhau không? Liệu nó có thể hiện rằng võ Vĩnh Xuân có những đòn thế nào đó ‘trên cơ’ karate không?
Võ sư Mark Phillips: Đúng là việc so sánh về đặc tính, ưu thế của các môn phái khác nhau là điều đã được tranh luận từ lâu. Vấn đề là không phải là môn phái võ nào hay hơn môn phái nào, dẫu cho ta có thể thấy rằng có những sự [đẹp mắt, hay tính hiệu quả] khác nhau trong phong cách thể hiện.
“Chẳng hạn như ở phương Tây, người ta thiên về việc đánh trả, kiểu ‘Tây hóa’ trong tập luyện, trong khi ở phương Đông thì chú trọng nhiều về các mối quan hệ tổng thể”
Theo tôi, nó phụ thuộc nhiều vào sự tập luyện của từng cá nhân, và đôi khi phụ thuộc cả vào sự khác biệt văn hóa nữa. Chẳng hạn như ở phương Tây, người ta thiên về việc đánh trả, kiểu ‘Tây hóa’ trong tập luyện, trong khi ở phương Đông thì chú trọng nhiều về các mối quan hệ tổng thể. Do đó, cách tiếp cận trong quá trình tập luyện là khác nhau, kết quả là chất lượng đầu ra cũng khác nhau.
Tôi dạy võ Vĩnh Xuân, từng có nhiều thời gian ở Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc), và tôi phải nói là sự khác biệt giữa hai môi trường này khá là nhiều.
Người Trung Quốc coi võ Vĩnh Xuân như một cách để rèn luyện sức khỏe chứ không chỉ đơn thuần là một môn võ thuật, là cách để giúp ta khỏe mạnh, sống lâu.
Thế còn người phương Tây thì lại có phần thực tế hơn – mọi người đi học võ bởi họ muốn tự bảo vệ mình, cho nên việc luyện tập cũng khác. Người phương Tây khi đi học võ sẽ đánh trả nhiều hơn, di chuyển nhiều hơn so với người người phương Đông.
Tôi cho rằng những khác biệt này được thể hiện rõ khi các đấu thủ từ các nền văn hóa khác nhau tỷ thí, như trong trận đấu chúng ta đang nói tới, khi mà đấu thủ nước ngoài đại diện cho phái Vĩnh Xuân Việt Nam, còn võ sư người Việt thì áp dùng đòn thế karate-do. Đó là kinh nghiệm cá nhân của tôi sau một thời gian ở Trung Quốc và Hong Kong.
PV: Ông dạy võ Vĩnh Xuân cho các môn sinh ở Anh và ở các nơi khác như Hong Kong, khi xem đoạn video trận đấu vừa rồi, ông nhận xét thế nào về trình độ võ thuật của đấu sỹ không phải là người Việt?
Võ sư Mark Phillips: Về mặt phong cách thi đấu mà nói, thì tôi không nhận ra là ông ấy áp dụng các thế võ nào của Vĩnh Xuân. Ông ấy đá cao chân, là động tác thường là không có trong Vĩnh Xuân.
Nếu tôi cho các học trò của mình xem đoạn video này, có lẽ họ sẽ hỏi tôi liệu đó có phải là một người luyện võ Vĩnh Xuân hay không, bởi cách ông ấy di chuyển thì không giống; trong Vĩnh Xuân chúng tôi không di chuyển như thế. Nhưng mà ông ấy di chuyển rất tốt, các động tác rất chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, tôi không thể nói là ông ấy có tuyệt kỹ hay võ công rất cao cường trong môn Vĩnh Xuân.
Đại sư Nam Anh và đệ tử tại võ đường Vịnh Xuân, Montreal, Canada – hình từ phóng sự của ABCNews
PV: Tức là nếu nhìn cách ông ấy di chuyển, cách tấn công đối phương, thì ông cho rằng đấu thủ người nước ngoài đã kết hợp võ Vĩnh Xuân với các loại môn phái khác, hay hoàn toàn không phải là võ Vĩnh Xuân?
Võ sư Mark Phillips: Ông ấy sử dụng kỹ thuật đá chân cao rất nhiều, là điều về nguyên tắc là không áp dụng trong Vĩnh Xuân. Và còn một số yếu tố nữa. Điều này khiến tôi muốn quay trở lại nội dung tôi đã nói ban đầu, là người phương Tây được tập luyện theo cách khác so với người phương Đông, cho nên ông ấy đá trả, đấm vào đầu đối thủ, di chuyển rất nhiều.
Khi xem đoạn video, tôi để ý thấy là khi gần hết trận đấu, đấu sỹ người Việt đã bị đánh trúng vài lần, đã dừng lại rồi mà ông ấy còn đá vào mặt đối thủ nữa, tôi thấy đó là hành động không cần thiết. Tôi nghĩ là đã có cái gì đó xảy ra trước đó, dẫn đến việc thay đổi bối cảnh của cuộc ‘thi đấu giao hữu’.
Tôi cho rằng khi võ sư người Việt đã ngã xuống sàn mà vẫn bị đá thì khó có thể coi đó là sự giao hữu.
Tôi cho rằng khi võ sư người Việt đã ngã xuống sàn mà vẫn bị đá thì khó có thể coi đó là sự giao hữu. “Giao hữu” thường là sự trao đổi bằng lời lẽ, chia sẻ thông tin, chỉ cho bên kia xem các kỹ thuật, kỹ năng, đó là cách chúng tôi thường làm.
Tôi đã từng làm thế nhiều lần khi ở Trung Quốc; chúng tôi biểu diễn, giới thiệu, giải thích, trao đổi ý tưởng, cách thực hiện.
Còn cách ra tay thực sự như trong video này, thì tôi nghĩ là nó thiên về việc đề cao ‘cái tôi’ quá.
PV: Việc một võ sỹ đi thách đấu có phải là điều bình thường trong môn phái Vĩnh Xuân không?
Võ sư Mark Phillips: Không, thành thật mà nói là không. Trong giới võ, đó là sự thách thức đặt nặng ‘cái tôi’ lên trên.
Thời xưa, các lò võ có thể đi đây đó để thách đấu, để khoe khoang võ nghệ. Nhưng ngày nay, văn hóa đó không còn nữa, rõ ràng là không còn đối với các lò luyện võ. Tôi nếu như biết là có võ sinh nào của mình tới nơi khác gạ thi đấu, thì có lẽ tôi sẽ yêu cầu họ nghỉ học ở trường của tôi.
Tương tự, nếu có ai đó tới trường tôi và gạ thi đấu, tôi sẽ coi đó là sự thách thức và tôi không nhận lời. Chuyện đó không thể coi là giao hữu, thân thiện được.
Việc tập võ nhằm tạo sự tiến bộ cho từng cá nhân, để rèn luyện mình trở thành người tốt hơn, đóng góp tích cực hơn cho xã hội, đồng thời cũng là cách tập luyện để tăng độ tự tin.
Theo học võ thuật Đông Phương cũng là để học hỏi nền văn hóa Đông Phương, cụ thể là văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…, hay trong môn phái Vĩnh Xuân là gồm cả ít nhiều văn hóa Hong Kong nữa.
Đó là những khía cạnh tích cực của việc học võ. Tôi hoàn toàn không đồng ý với việc lấy khả năng võ thuật ra để thách đấu.
Theo Soha