Nhiều chuyên gia luật cho rằng chủ tọa có thể cho lời khuyên trong quyền hạn xét xử mà pháp luật quy định. Tuy nhiên, điều này chưa phù hợp.
Trong phần chất vấn sáng 21/2, tại phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (47 tuổi), chủ tọa Nguyễn Văn Xuân bất ngờ có động thái khuyên nhủ bà Thảo rút đơn ly hôn, lui về quán xuyến gia đình, quản lý tài sản để ông Vũ phát triển Trung Nguyên.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng bản thân đã thật sự tin rằng chồng bị bệnh.00:02:26
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng bản thân đã thật sự tin rằng chồng bị bệnh.
“Ông bà cứ nghe thẩm phán xúi dại một lần đi”
“Thôi thì bà rút đơn lại, giao công ty cho ông Vũ quản lý, không tham gia nữa để chồng phục vụ chí hướng. Ông Vũ không có tài thì không thể nào đưa một cơ sở nhỏ thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Chị Thảo về chăm 4 đứa con, rút khỏi HĐQT cho ông Vũ điều hành toàn bộ. Tài sản vẫn là tài sản chung của vợ chồng mà. Rút đơn rồi giao toàn bộ công ty lại cho ông Vũ có được không?”, chủ tọa Xuân chủ động đặt vấn đề với bà Thảo.
Bất ngờ trước lời đề nghị thẳng thừng, bà Thảo ngập ngừng trình bày những điều còn trăn trở. Bà cho rằng bản thân bà là phụ nữ nhưng cũng là một doanh nhân nổi tiếng có khát vọng, có quyền làm việc. Ngoài ra, bà cũng bày tỏ những lo lắng về sức khỏe của ông Vũ, lo sợ về tương lai của Trung Nguyên, lo chồng để rơi công ty vào tay người khác.
“Tôi đọc hồ sơ, thấy ông Vũ không có biểu hiện gì là không chung thủy với vợ, ổng rất quan tâm đến vợ con. Toàn bộ tài sản ở ngân hàng không có tên Vũ và toàn tên chị, chứng tỏ rất tin chị. Ông Vũ sống với chị chung thủy, đàng hoàng, không có dấu hiệu gì ông ngoại tình”, chủ tọa Xuân đáp lại.
Chủ tọa Nguyễn Văn Xuân nhiều lần khuyên bà Lê Hoàng Diệp Thảo lui về quán xuyến gia đình, giao toàn bộ công ty cho chồng điều hành, quản lý.
Trấn an người phụ nữ 47 tuổi, chủ tọa cho rằng Trung Nguyên vẫn có lợi nhuận, tổng doanh thu ngày càng lớn trong hàng chục năm nay. Chủ tọa nhiều lần đánh giá ông Vũ là người thông minh, đủ sức khỏe gánh vác trọng trách đưa Trung Nguyên thành thương hiệu vươn tầm ra thế giới.
“Bây giờ chị rút đơn về trông coi quản lý tài sản. Lợi tức chị giữ, bàn giao công việc cho ông Vũ, cuộc sống như bà hoàng… Con chị trưởng thành rồi. Ông Vũ sẽ bổ nhiệm con, sau đó nó sẽ quản lý luôn. Chị vừa giữ gia đình, sau này có tài sản. Cháu lớn gần 20 tuổi, học nước ngoài đủ gánh vác. Chị sống như bà hoàng”, chủ tọa bày tỏ nhận định của bản thân.
Ông khuyên nhủ bà Thảo: “Thế nên ông bà cứ nghe thẩm phán xúi dại một lần đi, thôi thì rút đơn rồi về với các con. Tất cả tài sản, doanh nghiệp giao cho ông Vũ quản lý, điều hành rồi chị rút khỏi công ty… Chị có mất gì đâu. Chị không mất gì, chị được chồng, ông Vũ được vợ. Chị về xin lỗi mẹ, xin lỗi chồng”.
Bà Thảo cho rằng: “Mình không sai thì tại sao mình phải xin lỗi”, chủ tọa tiếp tục nhấn mạnh bà Thảo sẽ không mất gì khi rút đơn, dành thời gian cho hai bên hòa giải.
Trước lời khuyên của chủ tọa, luật sư Trương Trọng Nghĩa (bảo vệ cho quyền và lợi ích của bà Thảo) lên tiếng phản ứng gay gắt: “Tại sao lại kêu gọi một doanh nhân, một người mẹ, một người bị cấm không cho vào công ty mấy năm nay đi về nấu cơm nấu nước, chăm lo cho chồng? Lời khuyên này không phù hợp”.
“Chủ tọa có nhiều nhận định rất chủ quan”
Trao đổi về việc chủ tọa đưa ra lời khuyên cho đương sự như trên, ông Vũ Phi Long (nguyên thẩm phán TAND TP HCM) cho rằng hội đồng xét xử không được thể hiện ý chí của mình đối với đương sự khi xét xử. Trong khi đang giải quyết vấn đề mà chủ tọa đưa ý kiến cá nhân là không phù hợp.
“Chuyện của đương sự là của đương sự. Hội đồng xét xử là người đứng ở vị trí trung lập để tìm hiểu, lắng nghe các bên và đưa ra phán quyết sau đó, chứ không thể nói thay cho ý chí của bên nào.”, ông Vũ Phi Long nói.
Nói về việc chủ tọa khuyên bà Thảo lui về quán xuyến gia đình, ông cho rằng việc này không phù hợp với nguyên tắc khách quan khi xét xử. Chủ tọa không nên đưa ý kiến của cá nhân cho đương sự tham khảo, cũng không có trách nhiệm tư vấn mà chỉ có thể hòa giải.
Tương tự, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM) cũng cho rằng cách đặt vấn đề của chủ tọa là chưa phù hợp. Bà cho rằng khi xét xử phải khách quan, vô tư, đảm bảo bình đẳng giới, cách khuyên nhủ của thẩm phán Xuân có phần thiên vị.
“Việc hòa giải phải được tiến hành trước đó. Trước khi phiên tòa bắt đầu, HĐXX cũng đã hỏi lại vấn đề hòa giải của hai bên nên việc chủ tọa đề nghị bà Thảo rút đơn để hòa giải là không đúng. Đó là chưa kể chủ tọa có nhiều nhận định rất chủ quan”, luật sư Nữ nói.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng động thái của chủ tọa là thiếu khách quan. Ông cho rằng những lời khuyên tư vấn này có thể phù hợp vào giai đoạn hòa giải hai bên, còn quá trình xét xử không nên đưa vào.
“Việc nhận định một vấn đề gì thì chỉ có HĐXX chứ không phải chủ tọa. Hơn nữa, đây là vấn đề mang tính cá nhân”, nam luật sư nhận định.
Có quan điểm trái chiều, trao đổi với báo chí, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP HCM) lại cho rằng hội đồng xét xử gợi ý bà Thảo rút đơn ly hôn, hàn gắn gia đình khi phiên tòa đang diễn ra là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
“Thẩm phán có thể khuyên các bên hòa giải ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình xét xử đến trước khi đưa ra bản án, thậm chí ở giai đoạn xét xử phúc thẩm vẫn có thể hòa giải”, luật sư Nghiêm nói.
Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng chủ tọa không sai nếu xét về quyền hạn HĐXX theo quy định của pháp luật. Thẩm phán có quyền gợi ý để các bên đương sự tự giải quyết. Tuy nhiên, luật sư đánh giá việc gợi ý tư vấn của chủ tọa là chưa phù hợp.
Theo trí thức trẻ