Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Vụ máy bay rơi lốp: Tịch thu bằng lái phi công vô thời hạn

Trao đổi với PV Dân trí sáng 2/12, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã thu bằng lái “vô thời hạn” đối với 2 phi công Vietjet, để điều tra sự cố nghiêm trọng khi điều hành chuyến bay VJ 356 hạ cánh xuống Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).  

Phi công “nghỉ” bay để điều tra

Như Dân trí đã đưa tin, tối 29/11, chuyến bay VJ356 của Vietjet chở 207 hành khách và phi hành đoàn từ TPHCM đi Buôn Ma Thuột. Trong quá trình hạ cánh, 2 bánh ở càng trước bị mất khiến máy bay mất thăng bằng.

Trước tình huống khẩn nguy này, toàn bộ 207 hành khách và phi hành đoàn phải thực hiện việc rời máy bay bằng 4 cửa thoát hiểm với phao trượt. Sự cố khiến 6 hành khách bị chấn thương. Cục Hàng không đánh giá, sự cố đã uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay và xếp sự cố này vào mức B – theo phân loại sự cố của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, trong những ngày qua, 2 phi công người nước ngoài lái chuyến bay VJ 356 gặp sự cố đã có giải trình về sự cố. Tổ điều tra cũng đã có các buổi tiếp xúc, làm việc với 2 phi công này để làm rõ những vấn đề liên quan.

“Mặc dù không ra quyết định đình chỉ tổ lái, nhưng Cục Hàng không đã thu giữ bằng lái của 2 phi công từ ngày 30/11 để phục vụ công tác điều tra sự cố, điều này có nghĩa là phi công cũng không đủ điều kiện để tham gia hoạt động khai thác bay.” – đại diện Cục Hàng không cho hay.

Cũng theo vị đại diện này, việc thu bằng lái của 2 phi công không có thời hạn. Khi công tác điều tra sự cố hoàn thành và có kết luận cuối cùng, Cục Hàng không sẽ có quyết định đối với các phi công.

máy bay rơi lốp

Hai phi công điều hành chuyến bay VJ 356 gặp sự cố hạ cánh đã bị tịch thu bằng lái

Đại diện Vietjet cũng cho PV Dân trí biết, hãng hiện không sắp xếp lịch công tác đối với 2 phi công của chuyến bay VJ 356 gặp sự cố vừa qua, nhằm phối hợp với nhà chức trách điều tra sự cố.

Trong một diễn biến có liên quan, nhà chức trách hàng không Việt Nam cho biết, hiện nay mới chỉ tìm thấy 2 tang chống và 1 lốp của máy bay Vietjet gặp sự cố, lực lượng làm nhiệm vụ tại sân bay vẫn đang tiếp tục tìm kiếm chiếc lốp còn lại để phục vụ công tác điều tra. Tổ điều tra sự cố sẽ gấp rút triển khai giải mã, phân tích hộp đen của máy bay vào tuần tới.

Được biết, nhà chế tạo Airbus đã có đại diện trực tiếp tới Việt Nam để tham gia vào công tác điều tra, phía Cơ quan điều tra tai nạn của Pháp cũng cử đại diện theo dõi quá trình điều tra sự cố này.

“Siết” an toàn sau sự cố

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu khẩn trương điều tra, khắc phục sự cố chuyến bay VJ356 của Vietjet và bảo đảm công tác an toàn hàng không.

Văn bản của Bộ GTVT nêu rõ, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thành lập tổ điều tra sự cố để tiến hành điều tra, xác minh nguyên nhân sự cố đối với chuyến bay VJ356; Chỉ đạo các cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện kịp thời các vấn đề không tuân thủ quy trình bảo dưỡng, quy trình khai thác tàu bay nhằm phát hiện được các yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến an toàn khai thác bay và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Hãng hàng không Vietjet khẩn trương phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam và các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân sự cố, nhanh chóng có báo cáo điều tra để công khai nguyên nhân sự cố; tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn không để xảy ra các trường hợp tương tự.

máy bay rơi lốp

Hiện mới chỉ tìm thấy 2 tang chống và 1 lốp máy bay, chiếc lốp còn lại vẫn đang tiếp tục được tìm kiếm

Bộ GTVT cũng yêu cầu các hãng hàng không trong nước và các tổ chức bảo dưỡng tàu bay tuân thủ nghiêm các quy trình về bảo dưỡng, khai thác tàu bay. Bố trí đầy đủ nhân viên bảo dưỡng tàu bay, vật tư dự phòng, dụng cụ trang thiết bị… tại các cảng hàng không nhằm tăng cường năng lực khắc phục hỏng hóc, sự cố tàu bay.

Đối với thành viên tổ bay, tuân thủ nghiêm các quy trình khai thác, tiêu chuẩn đã được phê duyệt, trong đó chú trọng công tác chuẩn bị trước chuyến bay đảm bảo đầy đủ các thông tin cần thiết cho chuyến bay; nhân viên bảo dưỡng tàu bay cần tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn quy định trong các tài liệu bảo dưỡng, sử dụng danh mục kiểm tra trong khi thực hiện công việc để tránh xảy ra những sự cố do sai lỗi bảo dưỡng tàu bay.

Thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, không để xảy ra trường hợp vi phạm quá giờ làm việc của thành viên tổ bay, nhân viên bảo dưỡng; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn (SMS), khắc phục triệt để các vấn đề về an toàn còn tồn đọng; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo sự cố, báo cáo định kỳ và đột xuất.

Châu Như Quỳnh – theo Dân Trí

Link

Exit mobile version