Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Vụ “vong báo oán”: “Không đúng chính pháp đạo Phật”

Chùa Ba Vàng và bên trong một phòng thỉnh vong.

Xung quanh các ý kiến phân tích về vụ “vong báo oán” tại chùa Ba Vàng mà báo Lao Động phản ánh, nhiều vị chức sắc Phật giáo và chuyên gia văn hoá khẳng định chuyện thỉnh vong, gọi hồn không hề có trong nghi thức Phật giáo. Một số tổ chức, cá nhân đang trục lợi từ sự biến tướng và niềm tin của nhân dân.

Chức sắc Phật giáo nói gì?  

Sáng 21.3, trao đổi với PV, Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Thông tin – Truyền thông cho biết trong giáo lý nhà Phật không hề có chuyện thỉnh vong, gọi hồn. “Giáo hội sẽ xem xét, nếu nghi lễ nào không đúng đắn sẽ chấn chỉnh ngay” – vị này khẳng định.

Liên hệ với Đại đức Thích Đạo Hiển, đại diện Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh nói: “Đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm, việc gọi vong, ma tà tại chùa Ba Vàng đã được Ban Trị sự nhắc nhở không nên để hiện tượng ấy xảy ra trong nhà chùa vì không đúng chính Pháp của đạo Phật”. Vị này cũng thông tin đã nhiều lần có ý kiến với trụ trì chùa Ba Vàng về việc bà Phạm Thị Yến thường xuyên tổ chức thuyết pháp tại chùa.

Một vài bước trong quá trình thỉnh vong tại chùa Ba Vàng.

Còn về chuyện “vong báo oán”, Đại đức Thích Phước Tiến – Phó ban Văn hoá Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM phân tích: “Các quan niệm về oan gia trái chủ, một vong hồn theo để quấy phá, chuyện này chuyện kia thực ra không có linh hồn nào làm được chuyện đó. Không ai can thiệp được vào ai cả. Cô hồn không thể can thiệp vào cuộc sống của các bạn và ngược lại. Tùy nhân quả của mỗi chúng sinh trong thế giới của họ mà họ chịu sự chi phối của quy luật nhân quả mà thôi”.

Vị hoà thượng này cũng khẳng định chuyện “vong theo” là quan niệm không phù hợp với tư tưởng của Phật giáo. “Đây là suy luận theo dạng rất mê tín, làm gì có vấn đề đó” – Hoà thượng Thích Phước Tiến nói.

Bịa đặt để trục lợi 

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo khẳng định: “Không có chuyện vong báo oán, đó là bịa đặt”. Ông Tuấn cho rằng việc bỏ tiền ra để hóa giải nghiệp chướng là hành vi mù quáng. Nếu thu tiền để giải trừ “vong báo oán” là việc thương mại hoá bất chính, đánh vào tâm lý của con người để trục lợi, thậm chí lừa đảo.

PGS.TS Chu Văn Tuấn phân tích, Phật giáo có quan niệm luân hồi, nghiệp báo nhưng là để động viên con người sống tích đức, hành thiện. Không phải cứ bỏ tiền là ra là sẽ hoá giải được như những gì một số cá nhân, tổ chức đang rao giảng.

Bà Phạm Thị Yến trong một buổi rao giảng.

Dưới góc độ nghiên cứu xã hội, TS Nguyễn Văn Vịnh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển phân tích: Phật giáo nguyên thủy hay Phật giáo chính tông không có chuyện bói toán, xem ngày xem giờ, dâng sao giải hạn hay gọi vong.

“Tôi cho rằng việc thu tiền này là hiện tượng núp bóng, lợi dụng sinh hoạt tôn giáo trục lợi bất chính. Hành vi này làm ô danh Phật pháp, đáng bị lên án bởi tất cả chính sách tôn giáo, Phật giáo đều không có chuyện đó” – TS Vịnh cho biết.

Chiếc máy bấm số của nhà chùa và số thứ tự 888 của một người đến thỉnh vong ở Ba Vàng.

Mới đây, Báo Lao Động đăng tải phóng sự “Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ” thông tin vụ việc trục lợi từ các hoạt động “thỉnh vong”, “gọi hồn” tại chùa Ba Vàng. Phóng sự ngay sau khi lên trang đã gây được hiệu ứng lớn trong dư luận. Nhiều độc giả đã bày tỏ sự bức xúc về các hành vi lan truyền những chuyện dị đoan, ma quỷ.

Theo đó, để giải quyết những tai vạ trong cuộc sống, người thỉnh phải cúng dường cho vong từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Nếu không có đủ khả năng tài chính, người thỉnh phải ở lại làm không công (công quả) cho nhà chùa.

Theo Lao Động

Link 

 

 

 

 

 

 

 

Exit mobile version