Không phải loại nước nào cũng có thể uống tùy tiện vào buổi sáng, thậm chí nếu bạn uống 4 loại nước dưới đây khi mới ngủ dậy sẽ làm tổn thương cơ thể hơn.
– Trong 7-8 tiếng ngủ, chúng ta không ăn, không uống nhưng các chức năng cơ thể vẫn hoạt động bình thường, làm mất nước thông qua hơi thở, nhu động ruột… Lúc này, việc bổ sung một cốc nước là rất cần thiết để bổ sung năng lượng cho cơ thể.
– Uống một cốc nước vào buổi sáng có thể làm tăng nhu động đường tiêu hóa, giữ ẩm cho đường ruột, chống táo bón…
– Sau một đêm ngủ dài, cơ thể đã tích tụ rất nhiều axit dịch vị, làm tăng gánh nặng cho dạ dày, chính vì vậy uống một cốc nước khi vừa ngủ dậy sẽ có tác dụng làm sạch dạ dày hiệu quả.
– Cuối cùng, việc uống một cốc nước khi bụng đói vào buổi sáng có thể đánh thức não và hệ tiêu hóa, đồng thời cải thiện khả năng hoạt động của cơ thể.
Tuy nhiên, không phải loại nước nào cũng có thể uống tùy tiện vào buổi sáng, thậm chí nếu bạn uống 4 loại nước dưới đây khi mới ngủ dậy sẽ làm tổn thương cơ thể hơn:
1. Nước muối loãng
Nước muối loãng thực sự đem lại tác dụng khử trùng rất tốt. Chính vì thế, nước muối có thể dùng để súc miệng nhằm tiêu diệt vi khuẩn bên trong miệng, làm chắc răng, khỏe lợi.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng bạn nên uống nước muối vào sáng sớm bởi chế độ ăn nhiều muối từ lâu đã được cảnh giác rằng có thể gây cao huyết áp , tổn thương thận…
Hơn nữa, khi vừa ngủ dậy, dạ dày của bạn đang trong trạng thái rỗng, nếu uống nước muối sẽ khiến thực quản, niêm mạc dạ dày bị tác động, lâu ngày gây viêm loét.
Nếu uống nước muối loãng khi bụng rỗng sẽ khiến thực quản, niêm mạc dạ dày bị tác động, lâu ngày gây viêm loét.
2. Nước mật ong
Mật ong bao lâu nay vẫn được truyền tụng như một vị thuốc rất tốt cho sức khỏe. Trong Đông y, mật ong có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng ích khí, bổ hư tổn, thanh nhiệt, nhuận táo, giải độc, giảm đau, sát trùng, uống lâu dài làm sáng tai mắt, chống lão hóa , tăng tuổi thọ cho người già… Nhiều người có thói quen mỗi sáng thức dậy sẽ uống ngay một cốc nước mật ong hoặc chanh mật ong ấm để “thải sạch ruột” mà không biết đến những tác hại mà nó gây ra.
Uống nước mật ong khi bụng đói sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, đối với người không dung nạp đường fructose còn có thể gây đau bụng, tiêu chảy. Hơn nữa, mật ong chứa nhiều đường, có thể gây lượng đường trong máu tăng cao, nếu bệnh nhân tiểu đường, đường huyết cao sử dụng mật ong vào thời điểm đói bụng thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
Mỗi buổi sáng mọi người nên uống một cốc nước ấm để làm loãng độ nhớt của máu, sau đó mới nghĩ đến việc uống nước mật ong.
Theo các chuyên gia sức khỏe, mỗi buổi sáng mọi người nên uống một cốc nước ấm để làm loãng độ nhớt của máu, sau đó mới nghĩ đến việc uống nước mật ong hay nước chanh mật ong.
3. Nước trái cây
Nhiều phụ nữ thích uống một ly nước ép trái cây tươi vào buổi sáng vì nghĩ rằng đây là hình thức nạp vitamin hiệu quả. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hong Zhongxin, trưởng khoa dinh dưỡng của Bệnh viện Hữu nghị Bắc Kinh: Nước trái cây ngọt, nhiều đường, nếu uống khi bụng đói sẽ khiến bạn mất cảm giác thèm ăn và bỏ qua bữa sáng – bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.
Nước trái cây không phù hợp để uống vào lúc bụng đói.
Ngoài ra, cơ thể con người thích môi trường ấm áp, đặc biệt là vào buổi sáng, nếu sử dụng đồ uống lạnh sẽ kích thích dạ dày ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ.
4. Đồ uống có ga
Cũng theo bác sĩ Hong Zhongxin, nước uống có ga không thể cung cấp lượng nước cần thiết cho cơ thể con người vào buổi sáng mà thậm chí còn đẩy nhanh quá trình đào thải canxi trong cơ thể.
Ngoài ra, đồ uống có ga chứa nhiều đường fructose không chỉ gây béo phì mà còn đẩy nhanh quá trình tổng hợp acid uric trong cơ thể, dễ gây tăng acid uric máu, tăng gánh nặng chuyển hóa của thận, có hại cho sức khỏe.
Vậy buổi sáng nên uống loại nước nào là tốt nhất?
Trên thực tế, loại nước thích hợp để uống vào buổi sáng nhất chính là nước lọc.
Sau khi thức dậy vào buổi sáng, mỗi người nên uống 200-300ml nước lọc để đường tiêu hóa nhanh chóng hấp thụ và làm loãng máu, đánh thức cơ thể tỉnh táo hơn.
Tuy nhiên, mọi người nên chú ý kiểm soát nhiệt độ của nước, đối với người có chức năng tiêu hóa kém có thể chọn nước ấm đun sôi, nhiệt độ dưới 40 độ C, nhiệt độ này sẽ không gây kích ứng mạnh cho niêm mạc đường tiêu hóa, cũng không làm tổn thương màng nhầy do quá nóng.
Tham khảo People, QQ, Pháp luật và bạn đọc