Vị thế chính trị bấp bênh của Merkel bị xem là trở lực cho tương lai của EU, khiến những quyết định quan trọng và nỗ lực cải cách liên minh tiếp tục bị trì hoãn.
Việc Liên minh châu Âu (EU) lâu nay nằm dưới sự dẫn dắt của nước Đức vượt trội vốn được coi là thách thức lớn của tổ chức. Nhưng mọi chuyện có thể còn tồi tệ hơn khi một nước Đức mạnh mẽ bỗng nhiên suy yếu.
Thủ tướng Angela Merkel, nhà lãnh đạo khiêm nhường và luôn sáng suốt của Berlin cũng như EU, vừa trải qua thất bại đau đớn khi không thể thành lập chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử tháng 9.
Merkel giờ đây đứng trước 3 lựa chọn: Kéo dài cuộc đàm phán mệt mỏi để thành lập chính phủ liên hiệp, chấp nhận một chính phủ thiểu số, hoặc tiến hành cuộc bầu cử mới.
Nước Đức khó mà sụp đổ, song thất bại lớn của bà Merkel dẫn đến cuộc khủng hoảng sâu sắc về vấn đề lãnh đạo trong EU, đồng thời kéo dài thêm thời kỳ bất ổn của tổ chức.
Bão chính trị ở Đức, “gáo nước lạnh” cho châu Âu
Anh đang rời Liên minh châu Âu, song nhiệm vụ đưa nước này êm xuôi rời khỏi ngôi nhà chung từng gắn bó gần 45 năm có vẻ như quá sức cho chính phủ bảo thủ yếu kém ở London.
Ở Italy, phe hữu “hồi sinh” sau chiến thắng trong các cuộc bầu cử khu vực và đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Phe này nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm tới.
Tây Ban Nha giải thể chính phủ Catalonia và trực tiếp quản lý vùng giàu có nhất đất nước, sau khi xứ tự trị bỏ phiếu đòi độc lập trong cuộc trưng cầu dân ý vi hiến. Trớ trêu thay, hành động của Madrid chỉ càng tăng thêm động lực cho phong trào độc lập.
Người dân Catalonia tràn ra đường biểu tình đòi độc lập cho xứ tự trị. Ảnh: Getty.
Ở Ba Lan, chính phủ ngày càng độc đoán do đảng Pháp luật và Công lý (Pis) lãnh đạo ngày nào cũng chỉ trích, lời qua tiếng lại với EU. Mới đây nhất, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk ngày 19/11 cáo buộc chính phủ Ba Lan xa rời các giá trị cốt lõi của EU. Ủy ban châu Âu thì lên án việc kiểm soát truyền thông nhà nước và hoạt động tư pháp của chính phủ Ba Lan đang gây nguy hiểm cho nguyên tắc tự do – dân chủ của châu Âu.
Đó mới chỉ là diễn biến tại những quốc gia lớn. Đối với các thành viên bậc trung và nhỏ của EU, tình hình cũng tệ, thậm chí còn bi thảm. Một số bộ trưởng của Bỉ nói nước này sẽ tan rã trong vòng chưa đầy một thập kỷ nữa, do bị chia rẽ giữa vùng tự trị rộng lớn Flemish (nói tiếng Hà Lan) và các vùng Waloon (nói tiếng Pháp).
Ở Hungary, đảng cầm quyền Fidesz cương quyết từ chối tiếp nhận người nhập cư, đang phản đối gay gắt phán quyết của Tòa án châu Âu yêu cầu nước này nhận người tị nạn.
Tại Áo, cuộc đàm phán thành lập liên minh giữa lãnh đạo đảng Nhân dân bảo thủ Sebastian Kurz và đảng Tự do cực hữu “khởi đầu rất tốt” tháng trước. Nếu họ thành công, đảng Nhân dân của Kurz và đảng Tự do chắc chắn sẽ tạo thành một khối chống nhập cư và hoài nghi châu Âu, tìm cách giành lại quyền lực từ trung ương EU về cho các thành viên.
Các đảng ở Hà Lan dù mất 7 tháng để tạo lập liên minh nhưng nhiều khả năng sẽ tan rã vài tháng tới. Ở Czech, quốc gia cũng từ chối tiếp nhận người tị nạn, đàm phán thành lập chính phủ liên minh chẳng đi đến đâu sau cuộc bầu cử tháng trước.
Nếu cần thêm một lý do nữa để bi quan về “lục địa già” thì đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump. người mà cả châu Âu đánh giá là luôn phát ngôn hồ đồ, tiếp tục chẳng dành thêm thiện cảm cho khu vực. Lãnh đạo Mỹ sẽ không giúp gì cho các quốc gia một thời từng là đồng minh thân thiết nhất của Washington. Họ chẳng có cách nào khác ngoài tự bảo vệ mình.
Sự thù địch của EU với Moscow, vốn sâu sắc hơn sau khi Nga sáp nhập Crimea và tiếp tục tài trợ cho phiến quân chống chính phủ ở Đông Ukraine, vẫn chưa thể và có lẽ là không thể hóa giải, mà chỉ ngày càng nhức nhối.
Khắp châu Âu đang nhìn nước Đức như một mối nguy hại, hơn bất cứ vấn nạn nào khác.
Dưới sự dẫn dắt của Angela Merkel, Đức từng được xem là khá yên ổn trong cơn bão táp chính trị đang hoành hành châu Âu. Không chỉ là nền kinh tế hàng đầu của EU, nước Đức còn là trọng tâm ổn định của khối.
Tuy nhiên đàm phán thành lập chính phủ liên minh đổ vỡ khiến quốc gia này rơi vào khủng hoảng. Khắp châu Âu đang nhìn nước Đức như một mối nguy hại, hơn bất cứ vấn nạn nào khác.
Biến động ở quốc gia này như một gáo nước lạnh xảy ra đúng lúc kinh tế khu vực đang hồi phục, sau 10 năm không ngừng phải lo giải quyết các cuộc khủng hoảng, từ khủng hoảng đồng euro đến nợ công, vấn đề người tị nạn…
Châu Âu không thể thiếu Merkel
Cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền tại Đức bất ngờ sụp đổ vào nửa đêm 19, rạng sáng 20/11, khi đảng Dân chủ tự do (FDP) quyết định ngừng đàm phán với liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel và đảng Xanh.
Thủ tướng Đức, người phụ nữ quyền lực nhất thế giới bỗng chốc trở thành bất lực nhất trong số các lãnh đạo châu Âu. Bế tắc chính trị này có thể dẫn tới hậu quả bà Merkel phải rời bỏ quyền lực nắm giữ suốt 12 năm qua. Tờ báo lá cải nổi tiếng Bild của Đức tuần này bắt đầu giật tít bằng câu hỏi: “Merkel đủ sức nắm quyền bao lâu nữa?”.
Và đây chính là nỗi lo lớn đối với châu Âu.
Việc vị thế chính trị của Merkel bị lung lay là một cú tát cho tương lai EU, trong khi khối đang vật vã cứu vãn tương lai của chính mình.
New York Times mô tả Merkel giống như một nhà lãnh đạo không thể thiếu của khu vực. Hơn một thập kỷ dẫn dắt nước Đức, Merkel còn là người chèo lái châu Âu trong cơn khủng hoảng nợ, đóng vai trò trung tâm thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Nga trong vấn đề Ukraine. Merkel được ca ngợi vì đã giữ thái độ cứng rắn với cả Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Putin.
Chính trị Đức giờ đây giống một ván bài poker mà mỗi đảng là một người chơi, họ đưa ra khả năng tổ chức cuộc bầu cử mới nhằm gây sức ép, để xem có thể thực sự thành lập một liên minh hay không.
Mặc dù trọng tâm chính trong đàm phán thành lập chính phủ liên hiệp là các vấn đề chính trị nội bộ, “nhưng nền chính trị bất ổn của Đức lại tác động tới các chính sách đối ngoại quan trọng, đặc biệt với châu Âu”, Jackson Janes, giám đốc Viện Nghiên cứu Đức đương đại có trụ sở tại Washington, cho biết.
Thủ tướng Đức Angela Merkel với kinh nghiệm chính trị dạn dày được xem là lãnh đạo không thể thiếu của châu Âu. Ảnh: Getty.
Theo ông Janes, “những bất ổn kéo dài trong vấn đề Brexit đòi hỏi sự hiện diện mạnh mẽ của Đức trong các đàm phán”.
Giám đốc Trung tâm Cải cách châu Âu Charles Grant thì cho rằng biến động chính trị ở Đức có thể không gây tác động đáng kể tới quá trình đàm phán Brexit về mặt ngắn hạn, bởi vì tất cả các đảng phái khác nhau ở Berlin đều “có lập trường rất cứng rắn” về vấn đề này.
“Nhưng có lẽ nó sẽ là vấn đề trong dài hạn”, ông Grant bình luận. “Nếu đàm phán rơi vào bế tắc, Merkel và Macron có thể can thiệp để đạt được thỏa thuận. Nhưng điều này sẽ không xảy ra một khi thiếu vắng Merkel”.
Động lực cải cách bị trì hoãn
Việc vị thế chính trị của Merkel bị lung lay là một cú tát cho tương lai EU, trong khi khối đang vật vã cứu vãn tương lai của chính mình.
Thấm thía nhất nỗi đau này có lẽ là vị tổng thống tham vọng của nước Pháp, Emmanuel Macron, người đưa ra kế hoạch cải cách châu Âu khá táo bạo. Song chương trình nghị sự của Macron luôn trông cậy vào sự ủng hộ từ người Đức.
Động lực mới mà chúng ta chờ đợi bấy lâu sẽ tiếp tục bị đình trệ. Đó là việc Macron tìm được đối tác để khôi phục vị trí đầu tàu (lãnh đạo EU) của bộ đôi Pháp – Đức.
Christoph von Marschall
Macron có quyết tâm lớn, nhưng ông ta còn quá mới. Các lãnh đạo ở châu Âu hoài nghi sâu sắc về việc liệu Macron có thể “lãnh đạo châu Âu” hay không.
“Cho dù vị thế trong nước suy yếu, Merkel vẫn có quyền lực đáng kể ở bên ngoài”, Mark Leonard, giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận định. “Bà ấy có khả năng kết nối các nước lại với nhau, cùng hành động. Macron thì không thể một mình làm điều này”.
Khủng hoảng chính trị có thể sẽ khiến Berlin tê liệt nhiều tháng. Điều này có nghĩa là những quyết định quan trọng về khu vực đồng euro, nhập cư, tị nạn, an ninh, kể cả việc đàm phán về Brexit, vốn đã phải treo lại do cuộc bầu cử của Đức và Pháp trong năm nay, sẽ tiếp tục bị treo cho đến khi nước Đức đạt được đột phá về mặt chính trị. EU sẽ không thể tiến hành công cuộc cải cách.
Trong khi số phận của Merkel chưa biết đi về đâu, châu Âu chẳng thể làm gì ngoài tiếp tục chờ đợi. Như nhà báo Christoph von Marschall của tờ Der Tagesspiegel kết luận: “Những gì vốn bị trì hoãn đã quá lâu, giờ tiếp tục ngưng trệ lâu hơn nữa”.
Nước Đức vẫn khá ổn định, chính phủ lâm thời vẫn có thể đưa ra quyết định, Marschall đánh giá. “Nhưng động lực mới mà chúng ta chờ đợi bấy lâu sẽ tiếp tục bị đình trệ. Đó là việc Macron tìm được đối tác để khôi phục vị trí đầu tàu (lãnh đạo EU) của bộ đôi Pháp – Đức. Đây thực sự là vấn đề nghiêm trọng”.
Tổng thống Pháp Macron đặt nhiều kỳ vọng vào kế hoạch cải cách EU với sự ủng hộ của nước Đức và Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: Reuters.
Theo Zing