Nghe xong mệnh lệnh của nhà sư, chú tiểu nước mắt lưng tròng, ấm ức quay lại để làm cái điều mà chú cho là “lấy oán trả ơn”.
Nhà sư đi khất thực, mang theo một chú tiểu. Một hôm, họ đi lên núi. Trời đã tối mà họ chưa tìm được chỗ trú chân. Bỗng dưng, chú tiểu nhìn thấy ánh sáng nhỏ le lói phát ra từ một túp lều đơn sơ cách đó không xa.
Khi tới nơi, họ nhìn thấy một gia đình 3 người gồm ông bố, bà mẹ và đứa con ăn mặc rất rách rưới. Chú tiểu hỏi một cách lễ phép, rằng chú ta và nhà sư có thể nghỉ qua đêm ở đây không. “Xin 2 vị cứ nghỉ lại đây”, người bố trả lời.
Túp lều đơn sơ nằm ở vách núi của gia đình 3 người. (Tranh minh họa: Internet)
Nói rồi, gia đình nọ chuẩn bị một bữa ăn đơn giản gồm sữa tươi, pho mát và kem để thết đãi nhà sư và chú tiểu. Chú tiểu thấy trong cảnh đói nghèo này mà họ vẫn hào phóng như vậy, nên biết ơn và cảm động lắm.
Khi họ ăn xong, nhà sư mới hỏi họ sinh tồn ở nơi nghèo khó này thế nào, vì nó cách khu dân cư gần nhất rất xa.
Người vợ nhìn sang chồng, như muốn nói hãy thay bà trả lời. Người chồng giải thích: “Chúng tôi có một con bò và sống bằng cách bán sữa của nó cho những người sống gần đây để mua các nhu yếu phẩm. Số sữa còn thừa chúng tôi làm pho mát và kem như ngài thấy đấy”.
Con bò là nguồn sống duy nhất của gia đình 3 người. (Ảnh minh họa: Internet)
Sáng hôm sau, nhà sư và chú tiểu tạm biệt gia đình 3 người để tiếp tục lên đường. Sau khi đi được một đoạn, nhà sư quay sang chú tiểu và nói: “Quay lại đi, đẩy con bò xuống vách núi đi!” “Sư phụ, họ sống nhờ con bò mà. Nếu không có nó, họ sẽ chẳng còn lại gì cả”, chú tiểu sợ hãi hét lớn.
“Hãy làm theo lời ta”, nhà sư vẫn khăng khăng đưa ra mệnh lệnh.
Nghe xong, chú tiểu nước mắt lưng tròng, ấm ức quay lại để làm cái điều mà chú cho là “lấy oán trả ơn”.
Chú lo lắng cho tương lai của họ vì biết họ chỉ sống dựa vào chú bò. Thế nhưng, lời thề sẽ luôn vâng lời sư phụ khiến chú không thể làm trái. Chú đành lặng lẽ đẩy chú bò rơi xuống sườn núi.
Chớp mắt 20 năm trôi qua, chú tiểu ngày nào đã trưởng thành và cũng trở thành một vị sư được người khác kính nể, còn vị sư phụ của chú thì đã viên tịch. Một hôm có việc ngang qua nơi này, chú bỗng nhớ lại chuyện xưa và chột dạ, không biết gia đình đó còn sống ở đây không.
Vẫn còn cảm giác dằn vặt vì sự việc năm nào, vị sư quyết tâm tìm tới chốn cũ để hỏi thăm họ. Thế nhưng, vẫn ở vị trí cạnh sườn núi song nhìn mãi chẳng có túp lều nào nữa, thay vào đó là một ngôi nhà lớn với cánh cổng bề thế, khang trang.
Toàn bộ ngôi nhà toát ra sự giàu có, viên mãn khiến vị sư có chút e dè.
Thay cho túp lều năm nào là ngôi nhà bề thế, khang trang nằm cạnh sườn núi. (Ảnh minh họa: Internet)
Một người đàn ông ăn mặc lịch sự ra mở cửa: “Xin hỏi, ngài tìm ai?”
“Gia đình từng sống ở đây đâu rồi? Họ bán ngôi nhà này lại cho anh ư?”, vị sư hỏi lại.
Người đàn ông trẻ có vẻ ngạc nhiên và nói căn nhà này do họ xây dựng, rằng họ đã sống ở đây ngay từ ngày đầu tiên. “Vậy chuyện gì đã xảy ra với gia đình ấy?”, vị sư hỏi dồn với sự lo lắng, cảm giác hối lỗi dường như lại trỗi dậy.
Người đàn ông mời nhà sư vào trong nhà dùng bữa với họ. Trong khi ăn, anh ta đã giải thích chuyện xảy ra với gia đình mình.
“Chúng tôi từng có một con bò. Nó là nguồn sống của chúng tôi. Chúng tôi chẳng có tài sản nào khác nữa và phụ thuộc hoàn toàn vào nó. Một ngày kia, nó chẳng may bị trượt chân xuống sườn núi rồi không thấy nữa.
Để tồn tại, chúng tôi phải bắt đầu làm những việc khác, phát triển các kỹ năng khác để tìm cách kiếm sống. Chúng tôi buộc phải trồng trọt những loại lương thực mới, nuôi những loại gia súc mới, rồi tìm cách buôn bán nông sản để kiếm sống.
Cuối cùng, chúng tôi ngày một giàu có và xây được căn nhà này”.
Thanh Hương – Trí thức trẻ