Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Để gặt hái thành công, hãy nghe lời dạy “ngàn năm vẫn đúng” của Khổng Tử: Đáng tiếc là đa số chúng ta vì bỏ qua cách thông thái nhất mà phải chọn cách cay đắng nhất!

Dù là một trong những phẩm chất thiết yếu để thành công của các nhà lãnh đạo, không phải ai cũng đánh giá đúng sức mạnh tiềm tàng của sự suy ngẫm.

Một trong những phẩm chất lãnh đạo đáng ngưỡng mộ nhất nhưng cũng thường bị bỏ qua nhất chính là khả năng suy ngẫm. Khổng Tử từng nói: “Có 3 phương pháp để trở nên thông thái: Một là suy ngẫm, đây là cách cao quý nhất. Hai là bắt chước, đây là cách dễ nhất. Ba là kinh nghiệm, đây là cách cay đắng nhất.”

Thế nhưng, khi nói về phẩm chất để làm nên một người lãnh đạo thành công, chúng ta thường chú ý đến khả năng đổi mới, đưa ra những quyết định mang tính chiến lược hoặc quản lý rủi ro. Hiếm khi mọi người nhắc đến sự suy ngẫm như một phẩm chất cốt lõi của người lãnh đạo giỏi.

Tuy nhiên, chính khả năng suy ngẫm, nhìn lại những quyết định, hành vi, bài học này lại dìu dắt họ đi tới thành công. Chẳng hạn như bà trùm truyền thông Arianna Huffington từng gợi ý, suy ngẫm là cách để kết nối với trí tuệ và sáng tạo. Tỷ phú đầu tư Ray Dalio cũng công nhận rằng chính việc nhìn lại những trải nghiệm đau đớn trong quá khứ đã giúp ông xây dựng Bridgewater – quỹ phòng tránh rủi ro lớn nhất thế giới.

Sức mạnh của sự suy ngẫm

Suy ngẫm khác với tư duy phản biện – thứ tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết vấn đề và mục tiêu cuối cùng. Suy ngẫm giúp chúng ta hiểu được các niềm tin và giả thiết cơ bản, cũng như ảnh hưởng của chúng đến quyết định của mình. Suy ngẫm dẫn lối cho chúng ta trong quá trình giải quyết vấn đề và điều khiển hành vi.

Các công ty thường muốn người lãnh đạo đưa ra quyết định chính xác một cách nhanh chóng và quyết đoán, đồng thời biết cân bằng lợi ích cạnh tranh. Nhưng trong một thế giới phát triển nhanh như thế này, dường như họ không coi việc suy ngẫm là một trong những đặc điểm quan trọng đưa người lãnh đạo tới thành công. Mặc dù vậy, có rất nhiều bằng chứng chỉ ra điều đó.

Trường Đại học Y Tuft và Trường Đại học Boston đã tiến hành nghiên cứu vai trò của suy ngẫm đối với sự tương tác giữa bệnh nhân và bác sĩ. Kết quả là, những bác sĩ biết xem xét lại cách nói chuyện của họ với bệnh nhân đã đem đến trải nghiệm giao tiếp tốt hơn. Họ quan tâm đến cảm nhận thực sự của bệnh nhân hơn là nhận thức của bản thân.

Theo Trường Kinh doanh Harvard, suy ngẫm không chỉ cải thiện nhận thức và sự tập trung trong giao tiếp, mà còn giúp mọi người thêm tự tin để hiểu và hoàn thành nhiệm vụ. Ngạc nhiên hơn, các nhà nghiên cứu đã nhận ra, việc dành thời gian suy ngẫm sau khi hoàn thành công việc còn hiệu quả hơn hẳn so với việc thực hiện công việc đó nhiều lần.

Thường xuyên suy ngẫm sẽ giúp các nhà lãnh đạo giao tiếp tốt hơn và đạt hiệu quả cao hơn trong công việc.

Chỉ 15 phút/ngày để thay đổi cuộc đời

Mặc dù lợi ích của sự suy ngẫm đã rất rõ ràng, tại sao không có nhiều người lãnh đạo thực hiện điều này?

Có thể do hàng loạt nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là vì thiếu thời gian và tâm huyết. Theo các nhà khoa học hành vi, hầu hết mọi người đều thích tham gia các hoạt động bên ngoài thay vì đắm chìm trong suy nghĩ của bản thân một mình.

Chính vì thế, họ không có thời gian để chuyên tâm suy ngẫm. Tuy nhiên, vẫn có không ít nhà lãnh đạo hiểu được tầm quan trọng của thói quen này và dành thời gian để thực hiện.

Harry Kraemer – cựu CEO của Baxter International – luôn suy ngẫm vào buổi tối. Ông thường hỏi mình những câu như: “Nếu tôi được phép sống lại ngày hôm nay, tôi sẽ làm điều gì khác đi?”

Kraemer không tán thành bất cứ phương pháp tự suy ngẫm đặc biệt nào khác, bởi ông tin đây là vấn đề cá nhân. Tuy nhiên, ông cực kỳ khuyến khích những người lãnh đạo khác dành thời gian để suy ngẫm, dù chỉ 15 phút/ngày.

Nữ tỷ phú Sara Blakely – nhà sáng lập hãng nội y Spanx – lại dùng việc viết lách để suy ngẫm và nhìn lại. Trong một buổi phỏng vấn, Blakely cho biết bà đã dùng gần 20 cuốn sổ để ghi chép về “mọi thứ tồi tệ” đã xảy ra với bà.

“Những thứ tồi tệ xảy ra với bạn luôn ẩn chứa một món quà dẫn dắt bạn tới những điều tuyệt vời hơn,” Sara Blakely khuyên.

Nữ tỷ phú Sara Blakely và cựu CEO của Baxter International Harry Kraemer là những người hiểu rõ sức mạnh của sự suy ngẫm trong công việc.

Suy ngẫm cũng là một phương pháp học tập hiệu quả được chứng minh bởi Đại học Texas (Mỹ). Những người tham gia nghiên cứu được giao cho các nhiệm vụ ghi nhớ khác nhau. Họ cũng được cung cấp một khoảng thời gian nghỉ giữa các nhiệm vụ để suy nghĩ về bất cứ thứ gì. Kết quả là, những người sử dụng khoảng thời gian nghỉ đó để suy ngẫm và xem lại kiến thức đã học sẽ biết liên hệ thông tin mới với hiểu biết cũ tốt hơn.

Làm sao để tận dụng sức mạnh của sự suy ngẫm?

Theo nhà tâm lý học Tasha Eurich, chìa khóa nằm ở chỗ: hãy hỏi “cái gì” hơn là “tại sao”. Ví dụ, thay vì hỏi “Tại sao chuyện này xảy ra?”, hãy hỏi “Tôi có thể làm điều gì khác để khiến chuyện này không lặp lại nữa?”

Hỏi “cái gì” giúp chúng ta không bị rối bời, duy trì sự khách quan và tập trung vào tương lai. Khi nhìn nhận vấn đề từ một góc độ khác xa hơn, mọi người sẽ thấy tự tin hơn và biết giải quyết căng thẳng đúng cách.

Không có một công thức chung nào cho việc suy ngẫm. Hãy chọn lấy một phương pháp mà bạn thấy phù hợp nhất và áp dụng nó mỗi ngày, bắt đầu từ những thách thức nhỏ nhất.

Bạn không cần phải làm điều này “ngay và luôn”. Bởi lẽ, mục đích cuối cùng của suy ngẫm là giúp bạn vừa tham gia, vừa quan sát tích cực cuộc sống và trải nghiệm của chính mình.

Theo Ngọc Hà – Trí thức trẻ/The Conversation

Link

 

 

 

Exit mobile version