Gặp tình huống khó khăn, bế tắc, có lẽ đây là thứ cần thiết giúp chúng ta vượt qua, dù có thể công cuộc vượt qua đó chẳng mấy dễ dàng.
Hy vọng
Trong cuốn tiểu thuyết “Chiếc lá cuối cùng”, nhà văn người Mỹ O’henry có viết:
Trong phòng bệnh, một bệnh nhân đang ốm nặng nhìn ra cái cây bên ngoài cửa sổ. Từng chiếc lá nối tiếp nhau rơi xuống trong làn gió lạnh giá.
Người bệnh đó nhìn từng chiếc lá rơi xuống và thầm nghĩ một cách rất bi quan: “Khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống, mình cũng sẽ chết”.
Một họa sĩ già sau khi biết điều này, ông đã dùng bút để vẽ một chiếc lá hệt như thật và gắn nó lên cây. Chiếc lá cuối cùng này không bao giờ rơi xuống.
Và chính nhờ chiếc lá kỳ diệu đó, người bệnh trong căn phòng có thêm niềm tin. Cô dần tin rằng mình sẽ sống khi chiếc lá vẫn còn đó. Và cuối cùng, cô đã hồi phục một cách kỳ diệu.
Đoạn văn đã để lại một giá trị nhân văn sâu sắc về tình người cũng như về triết lý nhân sinh: Đời người có thể không có quá nhiều thứ nhưng thứ duy nhất không thể không có, đó chính là hy vọng.
Ảnh minh họa.
Lời bình
Hy vọng là một giá trị quan trọng trong cuộc sống của nhân loại. Nơi nào có hy vọng, nơi đó sinh mệnh sẽ không bị hủy diệt!
Cuộc sống không bao giờ mãi mãi bằng phẳng bình yên và không ai có thể tránh khỏi những lúc khó khăn bế tắc. Những lúc như đó, thứ chúng ta cần phải có để vượt qua, đó chính là hy vọng và nghị lực.
Rất nhiều người nói, cuộc đời mình đã hết hy vọng, thực ra đó chỉ là những lời nói dối, ngụy biện. Chỉ cần anh ta còn sống trên đời dù là một khoảnh khắc, hy vọng sẽ có thể khiến tâm hồn anh ta tươi trẻ, phấn khích trở lại.
Mỗi ngày cho mình thêm một chút hy vọng, làm ngơ trước những phiền não của ngày mai, ngừng than thở về những gì đã xảy ra hôm qua và sống hết mình cho hôm nay, bạn sẽ thấy cuộc đời ý nghĩa và đáng sống.
Chọn ứng viên tổng thống
Có một câu hỏi lựa chọn nổi tiếng đề cập đến 3 nhân vật tham gia ứng cử vị trí Tổng thống Mỹ.
Người thứ nhất: Ngoại tình, là một con nghiện thuốc lá, mỗi ngày uống từ 8-10 cốc rượu nặng, thậm chí còn qua lại với những chính khách không thành thật và còn mê tín, tin vào chiêm tinh và tướng số.
Người thứ hai: Thời sinh viên từng hút thuốc phiện, tối nào cũng uống một cốc rượu Whisky lớn, ngày nào cũng ngủ đến trưa mới dậy và từng bị đuổi việc hai lần.
Người thứ ba: Là người theo chủ nghĩa ăn chay, chưa từng hút thuốc, thỉnh thoảng uống một cốc bia, chưa từng ngoại tình, còn là một anh hùng chiến tranh từng nhận huy chương, thậm chí được hàng vạn người sùng bái.
Trước 3 ứng viên này, bạn sẽ chọn ai? Nhiều khả năng ứng viên thứ ba sẽ được chọn, bởi vì xem ra đây chính là nhân vật có hình tượng tương đối đẹp đẽ.
Nhưng trên thực tế, người không đáng được chọn nhất chính là nhân vật thứ ba, bởi đó chính là Adolf Hitler. Nhân vật thứ hai là Winston Churchill – kẻ thù không đội trời chung với Hitler và nhân vật đầu tiên là Tổng thống Mỹ cùng thời khi đó – Franklin D. Roosevelt.
Lời bình
Câu chuyện này cho chúng ta thấy rằng, việc nhìn mặt mà bắt hình dong có thể sẽ dẫn đến sai lầm lớn. Chúng ta không nên tùy tiện đánh giá một ai đó qua những đặc điểm nhận dạng bên ngoài bởi thứ bạn nghe được và nhìn thấy về một ai đó chẳng qua chỉ là một phần rất nhỏ về họ, không thể là căn cứ để đánh giá cả một con người.
Trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, những gì chúng ta tận mắt nhìn thấy, chưa chắc đã là chân tướng sự việc.
Có những điều chúng ta nhìn thấy và cho rằng đó là tốt nhưng trên thực tế, nó chưa hẳn đã là tốt. Và ngược lại, có những điều chúng ta cho là xấu nhưng lại chưa hẳn đã là xấu.
Vì thế cho nên, khi đối mặt với bất cứ việc gì, đừng vội dùng ấn tượng ban đầu để phán đoán, bởi có thể quan niệm từ ấn tượng ban đầu sẽ chặn đứng những suy nghĩ sâu sắc, thấu đáo của chúng ta.
Cũng đừng để bề ngoài của con người, sự việc, hành động đánh lừa cảm giác, không suy nghĩ thật kỹ đã vội vã đưa ra quyết định. Có như vậy chúng ta mới tránh khỏi phán đoán sai lầm để rồi vừa làm tổn thương người khác, vừa khiến bản thân rơi vào hối hận, thống khổ.
Nguyễn Nhung, Theo Trí Thức Trẻ, Soha