Họ chính là những người thân thiết nhất của chúng ta, bảo chọn ra một người khó dứt bỏ nhất là chuyện không hề dễ dàng. Nhưng nếu tình thế bắt buộc bạn phải đưa ra lựa chọn ấy thì làm sao đây?
Ở một lớp học nghiên cứu sinh, lúc sắp tan giờ, giáo sư nói với các học trò của mình rằng: “Tôi cùng các em chơi một trò chơi, ai bằng lòng phối hợp một chút nào?”.
Một cô gái bước lên trên bục giảng. Vị giáo sư nói: “Em hãy viết lên bảng tên của 10 người mà em khó dứt bỏ nhất”. Cô gái làm theo lời thầy, trong 10 người đó có tên của người thân, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm của cô.
Vị giáo sư nói: “Tốt rồi! Bây giờ em hãy gạch bỏ 1 người mà em cho là không quan trọng nhất”. Cô đã gạch bỏ tên một người hàng xóm của mình. Giáo sư lại nói: “Xin em hãy gạch tiếp 1 người nữa”. Cô gái lại gạch bỏ tên của một đồng nghiệp.
Vị giáo sư tiếp tục: “Xin em hãy gạch tiếp thêm 1 người nữa”. Cô lại gạch bỏ thêm một người. Cuối cùng, trên bảng chỉ còn lại 4 người: Người chồng, bố mẹ và đứa con của cô.
Bầu không khí trong phòng lúc này đột nhiên tĩnh lặng hẳn. Cả lớp đều im lặng đưa mắt nhìn thầy giáo của mình, cảm thấy đây dường như đã không còn là một trò chơi nữa. Vị giáo sư bình tĩnh nói: “Xin hãy gạch tiếp 1 người nữa”.
Cô gái rất lưỡng lự, thật khó khăn khi phải đưa ra lựa chọn. Cô đưa viên phấn lên, gạch bỏ tên của người chồng mình.
“Hãy gạch tên 1 người nữa”, giọng nói của vị giáo sư lại vang lên. Cô gái ngẩn người ra, bàn tay run rẩy đưa viên phấn lên chầm chậm gạch bỏ tên của đứa con.
Sau đó, hai hàng nước mắt ứa ra, cô khóc nấc lên thành tiếng, vẻ mặt trông vô cùng đau khổ. Giáo sư đợi cô bình tĩnh lại, hỏi rằng: “Người thân thiết đi cùng em cả đời hẳn phải là chồng và con cái mới đúng. Người chồng sẽ ở cùng em đến đầu bạc răng long. Còn đứa con là do em dứt ruột sinh ra. Vì sao em lại chọn bố mẹ mình? Chẳng phải ngày tháng của họ đã không còn nhiều nữa, khó có thể ở lại cùng em lâu dài sao?”.
Chúng bạn học đều đưa mắt nhìn cô, chờ đợi câu trả lời. Cô bình tĩnh, gạt dòng lệ, từ tốn nói rằng: “Tuy hiện tại chồng em là người thân thiết nhất nhưng rất có thể một ngày nào đó anh ấy sẽ rời bỏ em. Vợ chồng là duyên phận, có đến rồi cũng có đi. Con cái lớn lên rồi cũng sẽ có cuộc sống riêng của mình, em không thể mãi theo bước chân chúng. Người thật sự em cần trân quý lại chính là cha mẹ. Không có họ thì đã không có em. Họ đã hy sinh cả tuổi xuân để cho em một cuộc đời hạnh phúc nhất có thể. Họ chắc chắn không thể ở cùng em mãi mãi nhưng chính vì thế mà em càng cần phải trân quý hơn. Tháng ngày còn lại không nhiều. Em thực sự chỉ muốn cha mẹ được sống những ngày cuối đời thật vui vẻ, mãn nguyện mà thôi”.
Cả lớp đứng dậy vỗ tay rào rào khi cô ngừng lời. Nhiều người đã khóc, nhiều người gật đầu tán thưởng. Vị giáo sư già chừng như cũng xúc động, khẽ đưa chiếc khăn mùi soa lên chấm lệ. Đó là buổi học tuyệt vời nhất ông từng được chứng kiến trong suốt đời đứng trên bục giảng của mình…
**
Cha mẹ, vợ chồng và con cái chính là những người thân thiết nhất của chúng ta, bảo lựa chọn ra một người khó dứt bỏ nhất là chuyện không hề dễ dàng. Cả ba đều là những mối quan hệ máu thịt, không thể tách rời của đời ta và có ý nghĩa như nhau. Nếu không phải trong tình huống giả định như trên, chẳng ai nghĩ mình lại có thể đặt những người ấy lên bàn cân so sánh.
Đặt vào hoàn cảnh của cô gái trong câu chuyện trên, có thể mỗi người sẽ có cách lựa chọn của riêng mình. Có người sẽ chọn vợ chồng. Với họ, bạn đời là người duy nhất trong số đó có thể cùng họ đi đến cuối đời. Ở đời có được một người bạn đời chung thủy chính là hạnh phúc to lớn biết mấy. Người ta cũng hay nói: “Dù có thứ gì cũng không bằng có được một người bạn đời chung thủy, không có gì cũng được miễn là có những ngày tháng hạnh phúc tuổi già”.
Nhưng cũng có người sẽ lựa chọn con cái. Đứa con chính là một phần máu thịt của họ, cũng là hy vọng một đời gửi gắm của họ. Ở con cái, người ta còn nhìn thấy mơ ước của mình. Chẳng phải mọi người đều nói, con cái chính là tài sản quý báu nhất của cha mẹ đó sao?
Nhưng rất nhiều người sẽ lựa chọn mẹ cha. “Trăm cái thiện, hiếu đứng đầu”, người không có hiếu thì thiên hạ không dung, đạo Trời cũng không thứ. Thực ra hiếu đạo không phải là truyền thống văn hóa chỉ riêng người Á Đông mới có, mới trọng. Ngay cả người phương Tây, người ở các nền văn hóa khác cũng rất hiếu kính với cha mẹ.
Cha mẹ vất vả sinh thành, dưỡng dục chúng ta không phải để cầu chút báo hiếu mà là muốn nhìn thấy chúng ta trưởng thành, sống có đạo đức, trở thành một người thiện lương, có ích cho xã hội. Cha mẹ nào lại mong con mình trở thành kẻ xấu cơ chứ? Ân tình ấy, dẫu báo đáp suốt mấy kiếp người nào đã ai trả nổi?
Còn bạn thì sao? Nếu phải chọn lựa giữa ba người ấy (cha mẹ, con cái và vợ chồng) bạn sẽ chọn ai?
Hàn Tương Tử – Theo Trí Thức Trẻ, CafeBiz