“Như vậy rất đáng thương cho người tiêu dùng. Cái này Bộ Y tế, cơ quan quản lý dược phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này”, ông Vũ Vĩnh Phú nói.
Trong số các thủ đoạn nhằm hợp thức hóa thuốc giả của VN Pharma, có một điểm rất đáng lưu ý là công ty này đã bắt tay với các bác sỹ trong việc kê đơn. Bác sỹ hưởng hoa hồng, công ty thu lời trên các hóa đơn của người bệnh. Điều này đã trở thành vấn đề nhức nhối, mà ngay các cơ quan quản lý cũng thừa nhận chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Phóng sự sau đây sẽ đề cập đến một khía cạnh của liên minh này: “Hãng dược – Bác sỹ: Cái bắt tay quỷ quyệt”
12 thuốc trong một đơn thuốc hơn 5 triệu đồng để điều trị bệnh viêm dạ dày. Chúng tôi mang đơn thuốc này đến gặp các dược sỹ của nhà thuốc CPC1, được biết, nếu tư vấn cho khách hàng trên đơn thuốc này, có thể thay thế bằng các loại thuốc khác có cùng hoạt chất, và quan trọng hơn giá cả sẽ giảm đến 30%.
Ví dụ, Dogmatil hoạt chất là Sulpiride 50mg. Cũng như thế, tớ có thể thay Espoan, hàng Ấn Độ 16.400đ/viên, có thể thay bằng hàng Việt Nam liên doanh với Đức chỉ có 8.500đ/viên.
Câu chuyện bác sỹ kê đơn một cách tràn lan không phải không phổ biến ở nhiều cơ sở y tế hiện nay. Theo các chuyên gia về dược, việc kê quá nhiều thuốc sẽ rất khó kiểm soát lượng thuốc trong cơ thể người bệnh. Đằng sau đó là câu chuyện hoa hồng mà các hãng dược chi cho người kê đơn.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội nói: “Một đơn mà những 9-10 thuốc như thế này, nếu không theo phác đồ, mà đi theo kiểu cho càng nhiều thuốc, rất khó kiểm soát thuốc ở trong người”.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, 80% lượng thuốc của Việt Nam được tiêu thụ tại các bệnh viện. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp phân phối thuốc nào nắm được bệnh viện, sẽ nắm chắc phần thắng. Để nắm được bệnh viện, chiêu quan trọng nhất được các nhà phân phối áp dụng là chi tiền hoa hồng cao.
Việc cung ứng thuốc vào các bệnh viện đều phải thông qua đấu thầu, nhưng kết quả trúng thầu thường lại thuộc về các doanh nghiệp cung cấp các loại sản phẩm có giá cao nhất.
Theo thống kê của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, trong tổng giá trị thuốc đấu thầu của các bệnh viện, thuốc nhập khẩu đắt tiền hơn chiếm tới 90%. Và dĩ nhiên, các bác sỹ khám bệnh hưởng mức hoa hồng cao, nên thường chọn kê thuốc ngoại.
Bác sỹ Phan Đình Hiệp, hiện đang sinh sống và công tác tại Australia nhưng đã có thời gian làm việc trong ngành y nước nhà. Anh không ngần ngại và bức xúc nói về vấn đề này.
“Riêng chuyện hoa hồng để bác sỹ kê toa, hoàn toàn không động chạm đến vấn đề biết ơn, tất cả không phải công lao gì hết. Mà nó hoàn toàn là vấn đề tham ô, bỏ cả lương tâm trình độ, nhưng lạm dụng quyền hành để vơ vét trên sức khỏe và niềm tin của người bệnh. Đây là việc làm rất thất đức”!
Có nhiều chiêu trò để các công ty phân phối có thể hợp thức hóa thuốc giả, như làm giả hồ sơ đăng ký và con dấu. Nhưng muốn số thuốc đó đến tay người tiêu dùng, không thể thiếu vai trò của bác sỹ và dược sỹ.
Bác sỹ Phan Đình Hiệp nhận định: “Những người như vậy thì lợi nhuận khủng khiếp. Hàng hóa chúng ta có rất nhiều thứ giả. Nhưng động đến thuốc giả, là sự tàn nhẫn nhất”!
Ông Vũ Vinh Phú, Chuyên gia kinh tế, nói: “Chất lượng ít ai quản nổi, giá cả bị trôi nổi. Tôi nhớ có lần thống kê thuốc qua 7 cầu mới đến tay người tiêu dùng, mà nhất là những thuốc thiết yếu cho người chữa bệnh, cấp cứu, những người già yếu.
Như vậy rất đáng thương cho người tiêu dùng. Cái này Bộ Y tế, cơ quan quản lý dược phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này”.
“Cái bắt tay quỷ quyệt” giữa hãng dược và các bác sỹ khiến cho thị trường tân dược nước ta chưa bao giờ hết loạn. Và người dân dù phải cắn răng bỏ tiền để mua thuốc chữa bệnh, nhưng rất có thể họ đang phải mua thêm bệnh.
Theo VTC/Soha