Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Nhận ra tiểu nhân hay quân tử, tri kỷ hay kẻ đâm sau lưng chỉ bằng 1 chữ: TIỀN – hóa ra bản chất của một con người lại dễ dàng bị “bóc trần” đến thế!

Rất nhiều người nghĩ “Tiền không đánh đổi được mọi thứ” nhưng có rất nhiều thứ ta có thể nhận ra chỉ bằng tiền.

Tiền

1. Dùng tình cảm lấn át tiền bạc

Trên đời này, có một kiểu người luôn thích dùng tình cảm để “nói chuyện”.

“Không phải cháu nó dạy tiếng Anh ở trường sao, có thời gian sang giúp con nhà bác mấy buổi đi.”

“Không phải nhà cậu có người mở rạp chiếu phim à, cho tớ xin cái vé đi.”

“Không phải anh biết sửa đồ điện à, hôm nào qua sửa hộ em cái tivi cũ nhé.”

Họ luôn thích ngụy trang lời nói dưới lá bài “tình nghĩa”, có thể là anh em, là họ hàng, là bạn bè đồng nghiệp… để biến bạn thành lao động miễn phí. Tôi thường xuyên gặp phải tình huống như vậy.

Tốt nghiệp ra trường, tôi xin được việc làm trong một ngân hàng tỉnh. Ngân hàng thường xuyên phát hành tiền kỷ niệm mỗi năm nên một số bạn bè có sở thích sưu tập luôn nhờ vả tôi mua hộ.

“Anh em mà, tiện tay giúp đỡ nhau tí”. Bạn bè luôn nói như vậy mỗi lần gọi điện nên tôi cũng ngại không muốn từ chối. Có khi vừa xếp hàng mua cho người này xong, người khác lại gọi điện nhờ vả, tôi phải tiếp tục xếp hàng một lần nữa. Người nào mua nhiều thì không nói, người nào chỉ mua ít, giá trị vài chục nghìn đồng, tôi cũng lúng túng chẳng muốn mở miệng đòi vì mấy đồng tiền lẻ.

Thậm chí có lần, sau khi mua hộ một người “anh em kết nghĩa” gần 1 triệu tiền kỷ niệm, anh ta còn hồn nhiên hỏi lại: “Không phải cậu là người của ngân hàng à, còn đòi tiền làm gì nữa?”.

Tôi nghe mà chỉ biết dở khóc dở cười. Nếu không xếp hàng giúp đỡ thì họ sẽ nói mình chẳng nể mặt anh em, chút việc nhỏ cũng chẳng nhờ vả nổi. Thế nhưng giúp bọn họ xong, bản thân vừa mất thời gian vừa mất sức lực, họ còn muốn mình mất cả tiền nữa thì thật quá đáng.

Tiền bạc không mua được tình cảm thì tình cảm cũng không thể đánh đổi bằng tiền bạc. Đừng coi bạn bè như công cụ lợi dụng để chiếm lợi ích cá nhân. Đây chính là hành động tự bê đá đập chân mình, không chỉ ảnh hưởng nhân phẩm mà còn mất hết nhân duyên, bạn bè xa lánh. Chẳng ai ngu dốt đến nỗi chịu để người khác lợi dụng suốt đời.

Tiền

Ảnh minh họa.

2. Đánh mất cơ hội

Trong buổi quảng bá cho bộ phim bom tấn “War Wolf 2”, nam tài tử Ngô Kinh đã từng trả lời trước báo giới rằng: Trước khi chọn Lư Tĩnh San cho vai nữ chính, anh từng mời một nữ diễn viên khác và nhận được lời chấp nhận từ phía họ. Thế nhưng do nghe nói đoàn làm phim đã tìm được nhà tài trợ lớn, chỉ một ngày trước khi bắt đầu quay, nữ diễn viên này đột ngột yêu cầu tăng tiền cát-xê nếu không sẽ bỏ phim khiến cả ekip không kịp trở tay, phải gấp rút chuẩn bị phương án thay thế.

Đúng lúc đó, Ngô Kinh liên hệ với Lư Tĩnh San và nhận được lời đồng ý ngay lập tức mà không hề đòi hỏi mức thù lao. Nữ diễn viên cho hay, cô nhận lời đóng phim vì tình bạn lâu năm với tài tử sinh năm 1974 và biết anh đang kẹt tiền nên không đòi giá cát-xê cao. Không ai ngờ tới bộ phim đã trở thành bom tấn cực kỳ thành công của nền điện ảnh Trung Quốc, đưa sự nghiệp của Lư Tĩnh San từ sao hạng B lên đỉnh cao nổi tiếng. Còn nữ diễn viên từng từ chối vai diễn chỉ có thể không ngừng tiếc hận vì vuột mất cơ hội thành công trong tầm tay.

Một trong những dục vọng khó thay đổi nhất của con người chính là THAM LAM. Càng theo đuổi tiền tài, đương nhiên họ càng khao khát nhiều hơn nữa. Chính vì vậy, cuộc sống luôn tràn ngập những tình huống khó xử như vậy: Đi thuê nhà thì bị tăng giá, đi hỏi cưới thì bị thách sính lễ, trả tiền công thì đột ngột đòi tăng lương… Những người làm ra hành động này đều không hiểu rằng, chỉ vì vài đồng tiền mà đánh mất chữ tín, cuộc đời họ đồng thời mất đi rất nhiều cơ hội để giàu có thực sự.

3. Đánh đổi chữ tín 

Tiền

Ảnh minh họa.

Một năm trước, bạn thân hỏi vay 100 triệu đồng để đầu tư vào một dự án, do nguồn vốn không quay vòng kịp nên đành nhờ tôi và hứa trong nửa năm sẽ trả lại hết. Tôi không đắn đo gì nhiều mà nhanh chóng chuyển tiền qua cho anh ta.

Vậy mà 6 tháng trôi qua, người bạn đó vẫn không hề nhắc gì đến số tiền. Tôi đã nghĩ: “Có lẽ họ chưa xoay sở kịp, vài tuần nữa chắc sẽ trả mình thôi” và không hỏi han gì. Thế nhưng, sau đó vài hôm, tình cờ đi qua nhà bạn thân, tôi thấy anh ta đã tậu được một chiếc ô tô mới, đang chuẩn bị đưa cả nhà đi du lịch châu Âu cả tháng trời.

Tôi mới nhắn tin cho anh ta bóng gió rằng: “Đại gia rồi đây, dạo này ăn chơi lớn nhỉ!” Anh bạn thân chỉ một mực cười đùa hùa theo, dường như đã quên bẵng chuyện vay tiền nửa năm trước. Thấy vậy, tôi không nhịn được nữa mà nói thẳng: “Đại gia có tiền đi chơi rồi thì thu xếp trả tiền cho mình chứ nhỉ?”

Ai ngờ anh bạn thân lập tức giận dữ lên: “Bạn bè với nhau mà mở miệng là đòi tiền suốt vậy? Làm như tôi cố tình quỵt nợ của cậu ý!”.

Sau đó một tháng, tôi vẫn chưa nhận được đồng nào từ anh bạn kia bèn ra hạ sách cuối cùng: “Trong 3 ngày nữa, nếu cậu còn không trả tiền, vậy cứ tính theo lãi suất ngân hàng 0.5%/tháng nhé. 100 triệu đồng trong 7 tháng vừa rồi, cậu tự mà tính đi.”

Vừa nhận được tin nhắn này, ngay ngày hôm sau, anh ta lập tức chuyển khoản trả tiền, còn không quên đáp trả một câu: “Vay có tí tiền cũng đòi tới đòi lui, làm như mình có tiền là hay lắm ấy, bạn bè gì cái loại như này.”

4. Bộc lộ bản chất con người

Có thể thấy rằng, chúng ta không thể đo lường mọi thứ bằng tiền, nhưng có thể nhìn rõ rất nhiều thứ thông qua tiền. Vay tiền là lúc chứng tỏ tình nghĩa thì trả nợ là lúc chứng tỏ nhân phẩm. Người nào càng có nhiều lý do ngụy biện để khất nợ thì càng đánh mất nhân phẩm trong mắt mọi người.

Nhiều người luôn cho rằng “Tiền tài là vật ngoài thân” và không muốn để ý tới nhưng thực tế, từ những việc nhỏ “ngoài thân” như vậy lại có thể nhìn thấu bản chất của một con người. Nếu một người chỉ vì lợi ích cá nhân mà trăm phương ngàn kế mưu cầu tiền tài của người khác, đánh mất cả nguyên tắc của bản thân thì chúng ta nên tuyệt đối tránh xa, đừng bao giờ kết giao kẻo có ngày mất cả bạn lẫn tiền.

Theo Dương Mộc – Trí thức trẻ

Link

 

 

 

Exit mobile version