Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

“Nhiều gia đình xây dựng cho con mình một cuộc sống “hoàng cung” khi bố mẹ vẫn chỉ như “nô lệ”” – cách dạy con gây bão MXH của mẹ đơn thân gửi tới các bậc phụ huynh

Con cái là kết quả của quá trình nuôi dạy. Không đứa trẻ nào sinh ra mà bướng bỉnh và vô ơn ngay cả. Nếu con bạn không tàn tật, hãy để chúng được tự đứng lên, đi bằng chính đôi chân của mình.

dạy dỗ

Nuôi con đã là cả một quá trình khó khăn nhưng dạy dỗ con nên người và đúng cách còn khó khăn hơn nhiều. Đây cũng là một trăn trở lớn của các bậc phụ huynh. Không ít ông bố bà mẹ cảm thấy bối rối khi nuôi dạy con và luôn cần nhờ tới sự trợ giúp của sách báo, mạng xã hội cũng như những người đi trước.

Mới đây, chia sẻ của một bà mẹ đơn thân về 10 quy tắc dạy con nghiêm khắc đã gây bão mạng xã hội. Chia sẻ thuộc về chị Trần Hà Thủy (hay còn gọi là Thủy Bi) là ca sĩ người Hà Nội, đang sống tại TP HCM. Chị Thủy trở thành mẹ đơn thân từ năm 23 tuổi và đang có hai cô con gái 7 tuổi và 10 tuổi rất ngoan ngoãn, sống quy củ, vâng lời mẹ. Sau hơn một ngày được đăng tải, chia sẻ của chị thu hút 22 nghìn lượt thích và 48 nghìn lượt chia sẻ.

dạy dỗ

Chân dung chị Thủy và 2 con của mình.

“Vì không muốn con trở thành “bà tướng” khi mẹ chúng chưa hề là ai cả… nên ngay từ khi mới sinh ra:

Thứ nhất, không bế khi con đã ngủ, không bồng, rung khi con quấy… Luyện thói quen từ lúc lôi ra khỏi bụng mẹ là ti xong, vỗ lưng ợ hơi là đặt nằm (trên gối nghiêng rồi mới bỏ gối), bất kể thức hay ngủ…

Thứ hai, khi con lớn hơn xíu, ngã đâu tự đứng dậy ở đó, nếu ăn vạ sẽ bị đánh thêm. Nếu có khóc, sẽ được nhận lại một sự thờ ơ như không có gì xảy ra…

Thứ ba, đi ngang qua bất cứ nơi nào có đồ chơi, bánh kẹo, bóng bay, nếu đòi và giãy đành đạch đòi mua thì sẽ được ngự tại chỗ đó khóc đến khi nào chán thì đi tiếp và vẫn không được mua… Rèn nguyên tắc 3s (Đếm từ 1 đến 3 trước khi bị ăn đòn).

Thứ tư, ăn uống là không nhồi nhét, không áp lực. Nếu không muốn ăn, sẽ đáp ứng theo đúng nhu cầu, gầy tý cũng được, miễn là vẫn nghịch ngợm, chạy nhảy là không sao cả…

Thứ năm, không được nhận đồ của bất cứ ai, kể cả ông bà khi chưa được sự cho phép của mẹ

Thứ sáu, muốn đạt được một thứ gì, phải học cách đánh đổi. Ví dụ, ăn hết chén cơm, có thưởng, học giỏi, có thưởng…

Thứ bảy, giúp mẹ bất cứ việc gì mẹ phân công, lớn giao việc lớn, bé làm việc bé, không có chuyện sai ngược lại mẹ.

Thứ tám, tuyệt đối không được lục túi, ví của bất cứ ai, kể cả mẹ. Tiền xin mẹ cho, thừa phải về trả lại dù chỉ 1 nghìn.

Thứ chín, không được chê trách đời bất công, bạn này không thích, bạn kia nói xấu, vì việc của mình là tránh xa những người không thích mình và không cần đôi co hay giải thích bất cứ điều gì cả…

Thứ mười, học hành là trách nhiệm và nghĩa vụ cho bản thân, không phải cho ông bà hay mẹ. Nếu không muốn bán báo, bán vé số, lang thang ngoài đường, thì cách duy nhất thay đổi cuộc đời theo ý mình là HỌC CHO THẬT GIỎI…

Kết quả là: Ốc lên 10 tuổi, Sữa lên 7 tuổi, có một sự răm rắp không hề nhẹ. Mọi thứ mẹ đều điều khiển bằng “MẮT” từ xa mà hiếm khi dám lệch pha vì hậu quả khôn lường.

Mặc dù được ăn học ở trường đắt đỏ bậc nhất nhì Việt Nam, nhà ở rất to, được đi xe đẹp, nhưng cũng không dám chảnh choẹ, ý thức tự tập và tinh thần tự giác vô cùng cao.

Không có chuyện công chúa tiểu thư gì với ai cả. Vì vốn dĩ, CỦA MẸ MÌNH KHÔNG PHẢI LÀ CỦA MÌNH… Mẹ chưa có ý định cho thừa kế, hay cho bất cứ thứ gì sẵn. Trừ việc tự học – lớn – tự làm – kiếm tiền và tự mua.

Ăn cơm xong vẫn phải dọn chén đũa bình thường, nhà vẫn phải hút bụi, đi đổ rác, kể cả có giúp việc vẫn phải giúp đỡ giúp việc bình thường.

Thực sự thấy nhiều gia đình bao bọc và xây dựng cho con mình một cuộc sống “hoàng cung” ngay cả khi bố mẹ vẫn chỉ như “nô lệ”. Vậy rồi tương lai chúng sẽ ra sao?

Con cái là kết quả của quá trình nuôi dạy. Không đứa trẻ nào sinh ra mà bướng bỉnh và vô ơn ngay cả. Nếu con bạn không tàn tật, hãy để chúng được tự đứng lên, đi bằng chính đôi chân của mình.

P/S: Nhiều khi thấy mình hơi dã man, nhưng thà như vậy còn hơn để xã hội dạy, nghiệt ngã hơn nhiều…”

dạy dỗ

P.V – Theo Trí Thức Trẻ

Link

 

 

 

 

Exit mobile version