Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Nỗi buồn chỉ làm niềm vui thêm ý nghĩa, nỗi đau chỉ khiến hạnh phúc trở nên có giá trị

Ta biết khát khao và ước vọng khi sống giữa những khổ đau, hạnh phúc dạy ta biết trân trọng, giữ gìn và biết ơn.

Có một chàng trai – buổi sáng thì sống thực tế, làm việc, học tập, luôn cố gắng theo đuổi những mục tiêu, những dự định ấp ủ của một đứa sinh viên. Tối đến thì đọc sách, trò chuyện, chia sẻ vài suy tư ngẫm nghĩ về cuộc sống cùng với một người bạn, có chút mơ mộng, vì cuộc sống trên những trang sách quá đẹp, đẹp đến nỗi có những người cứ thích vùi mình trong những trang giấy ấy.

Với lại đôi khi cuộc sống quá khắc nghiệt nên người ta tìm đến sách như một người bạn, để tìm thấy sự đồng cảm, an ủi và tìm chút hi vọng để vững tin vào cuộc sống. Victor Hugo cũng đã từng nói: “Chính từ sách mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời”? “Đời mà không vui thì thật là thảm hại” – chàng trai đó chính là Stephen Hawking.

Stephen Hawking

Sampson Gordon “Sam” Berns (23.10.1996 – 10.01.2014) là một người mắc một chứng bệnh khá hiếm gặp, chứng bệnh: “Lão hóa sớm”. Sam đã phải vượt qua tất cả những trở ngại ấy và khi được hỏi: “Đâu là điều quan trọng nhất mà cậu muốn mọi người biết về cậu?”, cậu trả lời thật đơn giản: “Tôi sống rất hạnh phúc”.

Sampson Gordon “Sam” Berns (người ở giữa).

Hai con người sống trong một thân thể không được bình thường như mọi người nhưng vẫn giữ cho mình một thái độ sống lạc quan và có ý nghĩa. Một Stephen Hawking với những cống hiến thật lớn lao cho khoa học Vật lý: “Lời khuyên của tôi dành cho những người khuyết tật là: Hãy tập trung vào những việc mà sự khuyết tật không thể ngăn cản bạn làm tốt, và đừng tiếc nuối những thứ bạn không làm được vì nó. Đừng để bị khuyết tật về cả tinh thần, lẫn thể chất”. Còn Sampson Gordon “Sam” Berns thì có riêng cho mình một “Triết lý hạnh phúc”.

Hai minh chứng tuyệt vời cho sự khuyết tật ở thân thể không đáng sợ bằng khuyết tật ở tâm hồn mà mình muốn truyền tải. Hóa ra chúng ta được sinh ra trong một thân thể lành lặn là một điều rất may mắn, mà dường như ít người lại cảm nhận được sự may mắn này. Thế nên phải cố gắng để sống có ý nghĩa chứ?

Đáng sợ nhất là khi không biết rằng bản thân vẫn còn rất hạnh phúc so với những đau khổ mà người khác phải gánh chịu ở ngoài kia, là khi không biết rằng mình bị “khuyết tật” về tâm hồn. Đừng bao giờ nghĩ mình còn nhiều thời gian, đừng dành 2/10 cuộc đời của mình để lo sợ, để tự ti và đứng im một chỗ khóc. Hãy thực hiện hóa những lý thuyết mà mình biết đi. Đừng sợ không hoàn mỹ mà không đi thử. Đừng làm “người khổng lồ về tư tưởng, người lùn về hành động”. Đứng dậy và tự tin vào bản thân mình thực sự một lần đi, có gì mà phải ngại? Ao ước một cuộc sống bằng người ta, ao ước cái người ta có, muốn này muốn kia mà bản thân mình đã cố gắng thực sự chưa?

Hãy nghĩ về điều này: Con người là nhân tố duy nhất trong tự nhiên có thể thay đổi những thăng trầm của cuộc sống. Đôi khi mọi thứ xấu dường như đều xảy đến vào một lúc, phá hỏng toàn bộ cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, khi chúng ta bị xô đẩy vào giai đoạn khó khăn, một điều gì đó như cơ hội có thể được mở ra.

Sau nhiều năm trải nghiệm, tôi tin rằng bất kỳ điều gì xảy ra trong cuộc đời đều không phải để phá hỏng mà là cứu vãn cuộc sống của chúng ta. Hãy học cách yêu thương bản thân mình, và bạn có thể nhận thấy rất nhiều sự lo âu trong mình đã biến mất. Thường sẽ có rất nhiều bài học quan trọng dành cho bạn mỗi khi bạn thất bại. Thất bại không phải là một lựa chọn, nhưng bạn có thể chọn học tập từ chúng. Hãy chắc chắn rằng bạn học được những điều tốt nhất từ những thất bại tồi tệ nhất.

Cuộc đời này vốn là một người thầy, trên đường đời có dại mới có khôn. Nên biết và hiểu rằng thất bại không phải là điểm cuối cùng. Thất tình, thất nghiệp… những khó khăn và trắc trở này chỉ là tạm thời, con đường cuộc đời vẫn dài, phải tin rằng, ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Đừng nên chán nản và thất vọng về lỗi lầm cũng như đừng nên chìm đắm trong thành công ở quá khứ, nắm chắc hiện tại mới là điều quan trọng nhất. Cũng đừng tự huyễn hoặc chính mình bằng cách tự nghĩ rằng sẽ vui khi lòng đang buồn, cuộc đời sẽ trở nên mâu thuẫn và đau khổ hơn nếu như giữa lý trí và cảm xúc không có sự đồng đều: một bên cố gượng cười, một bên là đau khổ đến tột cùng.

Khi ta cố gắng đi ngược lại dòng chảy của cuộc sống và cố gắng tự dối lòng mình rằng “sự thật không phải thế” thì chỉ càng thêm đau khổ, chi bằng cứ nương theo dòng chảy ấy vì nó sẽ thay đổi liên tục và ta cũng vậy thôi!

Hãy luôn lấy vấp ngã làm động lực, thành công rồi sẽ đến với những người luôn biết vươn lên. Hãy luôn chân thành với những suy nghĩ và lời hứa của mình trong lúc lo sợ nhất. Trên đời này không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có người tuyệt vọng vì hoàn cảnh. Khi có những ý nghĩ và nỗi buồn, hãy xua chúng ra khỏi đầu và nhớ rằng có những hoàn cảnh bạn không có đủ sức để thay đổi, vậy cách tốt nhất là phải bình tĩnh để suy xét mọi việc.

Nỗi buồn chỉ làm niềm vui thêm ý nghĩa, nỗi đau chỉ khiến hạnh phúc trở nên có giá trị. Ta biết khát khao và ước vọng khi sống giữa những khổ đau, hạnh phúc dạy ta biết trân trọng, giữ gìn và biết ơn với những gì ta có. Mọi thứ tự thân nó hiện hữu luôn đi cùng với một ý nghĩa và mục đích tương ứng. Cứ cố gắng làm hết sức và khả năng của mình đi, phần còn lại là điều mà bạn chẳng bao giờ biết được khi nào nó xảy ra và cũng chẳng thể kiểm soát nó.

Thế đấy, vận mệnh do bản thân quyết định thì nhiều, với những điều còn lại mà cuộc đời bất chợt mang đến, đó có thể là không phải thứ bạn muốn nó xảy ra nhưng lại là thứ bạn rất cần để bước tiếp cho quãng đời còn lại, vì những thử thách chính là điều giúp bạn trưởng thành. Đừng bỏ lỡ những điều đẹp đẽ còn lại đang chờ chúng ta phía trước. Dù sao thì một thể xác bị khuyết tật cũng không đáng sợ bằng sự khuyết tật ở tâm hồn.

Theo Thethaovanhoa

Link

Exit mobile version