Đề án “Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet” vừa được Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phê duyệt ngày 3.8 đang trở thành mối quan tâm của nhiều người. Bởi khi đề án này đi vào thực tiễn sẽ tác động tới toàn xã hội.
Ngoài việc hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm về luật phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet, tăng cường các chế tài xử lý…, điểm đáng chú ý của đề án này là cơ quản quản lý nhà nước sẽ xây dựng các hệ thống kiểm duyệt, triển khai phần mềm chặn lọc, phát hiện, thu thập và xử lý thông tin sai phạm trên môi trường internet… Điều này khiến nhiều cư dân mạng lo lắng về việc có thể bị hạn chế khi hoạt động trên môi trường internet. Để góp phần làm rõ và giải tỏa lo lắng này, PV Lao Động đã có buổi trao đổi với ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội internet Việt Nam:
Nhiều người cho rằng Đề án “Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet” đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng dựng “tường lửa” để ngăn chặn việc truy cập vào những trang mạng có nội dung thông tin xấu. Theo ông, cách hiểu về đề án này như vậy có chính xác không?
– Theo tôi, cách hiểu này không chính xác. Tôi thấy đây không phải là dựng thêm nhiều tường lửa, mặc dù trên thực tế tường lửa có thể hạn chế được một phần. Đề án này đi vào nội dung thông tin, tăng cường các hình thức quản lý và xây dựng các chế tài phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Phải hiểu rằng, đôi khi nội dung thông tin có tính chất vi phạm được đăng tải bởi chính người Việt Nam, trên những trang mạng tại Việt Nam. Như vậy, việc xây dựng tường lửa không đóng vai trò tích cực gì. Ví dụ, gần đây có hiện tượng nhiều người sử dụng mạng internet làm công cụ để có những hành vi đưa thông tin nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm, sai sự thật, vu khống vu cáo, chọc ngoáy các cá nhân hoặc tổ chức nào đó mà không hề có cơ sở hay căn cứ chứng minh, dẫn tới việc cá nhân hoặc tổ chức đó phải chịu thiệt hại về tinh thần hoặc uy tín, thậm chí là cả thiệt hại kinh tế nặng nề…
Như vậy, đề án này có thể góp phần kiểm soát, hạn chế và xây dựng căn cứ để tiến hành xử lý những hành vi vi phạm như trên.
Cũng có ý kiến lo lắng đề án đi vào triển khai có thể gây ra những hạn chế trên mạng internet, theo ông điều đó có thể xảy ra không?
– Theo tôi thì không có gì vi phạm tới quyền của mọi người khi tham gia mạng internet, bởi có hạn chế gì tới quyền đưa hoặc đăng tải thông tin đâu, mọi người đưa cứ đưa, lên mạng thì cứ lên mạng, không có ai cấm điều đó. Chỉ có điều nội dung đăng tải và hành vi của người tham gia mạng internet không được vi phạm quy định của pháp luật, nếu anh vi phạm thì sẽ có chế tài xử lý.
Việc này giống như anh ra đường, đứng giữa đường nói chẳng có ai bắt bẻ gì, nhưng anh không được chửi bới hay xúc phạm người khác. Điều đó rất hiển nhiên trong cuộc sống. Thời gian qua có nhiều người lên trang cá nhân viết hoặc bình luận, nói bôi xấu người khá mà chưa có chế tài xử lý cụ thể… Vì vậy, đề án này đi vào cuộc sống sẽ góp phần làm hạn chế, trong sạch và xóa bỏ dần những hành vi xấu trên mạng.
Vậy theo ông làm thế nào để đề án khi đi vào đời sống sẽ đạt được hiệu quả cao nhất?
– Trước hết theo tôi, đề án này rất cần. Nhưng để hữu hiệu thì phải tính đến dùng giải pháp công nghệ gì có thể bao quát được hết mọi góc độ. Nếu không có phương tiện công nghệ thì làm nhân công cũng được, nhưng làm nhân công sẽ rất vất vả, tốn nhiều nhân lực mà hiệu quả chưa chắc đã bằng. Dù sao, việc xây dựng các môi trường pháp lý đảm bảo cho những việc đó vẫn phải có những biện pháp về tổ chức, cách làm với các công cụ, công nghệ cần thiết.
Đồng thời, theo tôi, một biện pháp khác vô cùng hữu hiệu mà cơ quan chức năng cần phải làm, đó là xây dựng sự ủng hộ của cộng đồng, khi cả cộng đồng chung tay thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, vì giảm được biện pháp mà cơ quan nhà nước phải làm, giảm việc phải lo kiếm các giải pháp công nghệ, giảm bớt bức xúc và tính cứng nhắc (trong một số tình huống) nếu cơ quan nhà nước phải vào cuộc.
Theo Laodong.vn