“Tiền để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?”, ông Đặng Lê Nguyễn Vũ đã nói như thế trong phiên tòa xử ly hôn với bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Ảnh minh họa: Ngọc Dương
“Cặp đôi Trung Nguyên” này vốn một thời là hình mẫu nhiều người mơ ước nay chìm ngập trong cuộc tranh cãi có cảm giác như liên tu bất tận.
Cuộc đời con người, ai cũng làm lụng vất vả để kiếm tiền lo cho cuộc sống, vun đắp hạnh phúc gia đình. Một gia đình hòa thuận êm ấm, con cái học giỏi, chăm ngoan, trên dưới hiếu thuận – đó là mục tiêu hướng đến. Nếu như không đạt được điều đó thì tiền không còn là thứ quan trọng nữa.Trong phiên tòa ly hôn của cặp đôi nổi tiếng nói trên, nghe người này nói thấy người này đúng, nghe người kia nói thấy người kia đúng, thiên hạ thật không biết đâu mà lần. Đúng như câu dân gian nói, “ở trong chăn mới biết chăn có rận”.Rồi ông Vũ thốt lên: “Tiền để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?”. Nhưng rồi, cuối cùng ông cũng đòi phần hơn (70% – 30%). Khó thế đấy!Chúng ta không bàn chuyện đó nhưng câu chuyện của họ khiến chúng ta giật mình.Ừ nhỉ, tiền để làm gì?
Bỗng dưng… nhiều tiền
Chúng ta, đa phần là những người kiếm tiền vất vả, nên bàn chuyện tiền thật không dễ dàng. Nhưng, giả sử…Có một hôm nào đó, bằng một cách nào đó, bạn có trong tay một triệu đô (làm tròn tiền Việt là 22 tỉ).Bạn sẽ tính toán, làm cái nhà 5 tỉ, mua một chiếc xe 1,5 tỉ, còn 13,5 tỉ.Giả sử bạn không đầu tư vào gì cả, chỉ gửi ngân hàng 13 tỉ để mỗi tháng nhận được 78 triệu tiền lãi, cuộc sống không phải là quá giàu có nhưng gọi là không có gì phải lo lắng.Lúc đó bạn nghĩ gì?Bỗng dưng… nhiều tiền, bạn sẽ làm gì?ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Nếu đến cơ quan, gặp chuyện không hay, bạn sẽ nói: Mặc xác nó! Sếp có quát nạt, bạn nghĩ thầm: Mặc xác nó! Xã hội có chuyện bức xúc này nọ, bạn sẽ: Mặc xác nó! Thậm chí bị đuổi việc, bạn cũng: Mặc xác nó!Nếu không cờ bạc, cá độ, số đề, hút hít, cho vay nặng lãi, không cần giúp đỡ ai (mặc xác nó)… thì bạn vẫn sống dư dã như thường mà không cần đổ mồ hôi, cả đời.
Nếu thế thì sao?
Bạn không còn khát vọng, không còn động lực, và cũng không còn cả câu: Mặc xác nó! Người đời, nếu có ai khen bạn, người khác sẽ nói: Mặc xác nó! (Vì “nó” chẳng giúp gì ai). Còn bạn biết tính toán để làm những đồng tiền đó sinh sôi, giúp cho nhiều người về công ăn việc làm thì lại là chuyện khác và chúng ta cũng để khi khác bàn.
Vậy phải nghèo ư?
Không!Phải làm việc bằng sức lực và trí tuệ của mình, phải kiếm được những đồng tiền chân chính và từ đó đi lên từng bước. Lúc đó bạn sẽ đổi được một chiếc xe máy tốt hơn chiếc trước, mua được cái ti vi tốt hơn chiếc trước, sơn lại màu nhà đẹp hơn năm ngoái, cơi nới nhà ra rộng (hoặc cao) hơn năm ngoái, mua cho con chiếc xe đạp tốt hơn chiếc đang đi…Mỗi lần như thế, bạn có cảm giác thành công và thú vị lắm. (Thậm chí thích hơn hẳn người rút tiền ra mua chiếc siêu xe như mua bó rau muống).Rồi bạn mang những thứ cũ còn dùng được giúp những nhà chưa có nó.Không chỉ bạn, con bạn cũng sẽ cảm nhận, vui mừng và trân trọng những thành quả mà bạn mang về cho gia đình. Và lớn lên trong môi trường ấy, nó sẽ nên người. Chắc chắn.Nên ai giàu có bất thường hay vì một sự may mắn nào đó, đừng nên nghĩ mà buồn: Mặc xác nó!Hôn nhân có nhiều cung bậc, nhiều ngóc ngách của nó, chẳng ai giống ai
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng từng đi lên từ hai bàn tay trắng. Hành trang đầu tiên của họ chỉ là khát vọng. Có khát vọng, có tố chất và kiên trì để đạt được khát vọng là một trong những điều khiến mọi người vô cùng nể phục. Một tấm gương đáng học tập.Nhưng rồi họ không dừng ở đó, khát vọng của Vũ ngày một cao, đến nay là thống ngự thế giới, là niết đạo cà phê… Đó là điều ngoài tầm suy nghĩ của người viết này nên không thể bàn. Chỉ suy nghĩ mãi câu ông Vũ nói: “Tiền để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?”. Câu hỏi rất đau đớn nhưng nếu ta hỏi lại: Giả sử họ ít tiền hoặc không nhiều tiền như vậy thì họ có ngồi ở đó không nhỉ?Thật khó trả lời. Khó là vì hôn nhân có nhiều cung bậc, nhiều ngóc ngách của nó, chẳng ai giống ai.
Gia đình hòa hiếu
Như trên đã nói, cuộc đời con người, ai cũng làm lụng vất vả để kiếm tiền lo cho cuộc sống, vun đắp hạnh phúc gia đình. Mỗi khi gia đình tan vỡ thì cuộc đời coi như chưa thể đạt được mục tiêu. Hầu hết các tỷ phú, đến một lúc nào đó, họ thường hiến cả gia tài làm từ thiện. Không phải tiền không còn quan trọng đối với họ mà họ muốn con họ có động lực, không “mặc xác nó”!
Nếu cho con cái hướng toàn bộ gia sản, nhiều thế hệ sau nữa không làm gì cũng sống sung túc hơn người. Nhưng chỉ sống và tiêu tiền chưa hẳn là có hạnh phúc.Tỷ phú Donald J. Trump, Tổng thống đương nhiệm của Mỹ, trong cuốn “Nghĩ lớn để thành công” đã kể lại nhiều câu chuyện của bạn ông, các tỷ phú top đầu nước Mỹ đã mất rất nhiều thời gian và tiền bạc cho các vụ ly hôn lùm xùm, tốn vô vàn giấy mực của báo giới, cũng chỉ vì việc phân chia tài sản. Từ đó, gia đình, con cái đều bị tổn thương.Trump cũng lấy đời vợ thứ ba nhưng con cái ông vẫn hòa thuận, hai bà vợ đầu vẫn giữ quan hệ tốt là vì mỗi khi kết hôn, ông đều nói một câu: “Em yêu, anh rất yêu em, nhưng em hãy ký vào bản hợp đồng này” – đó là bản hợp đồng tiền hôn nhân.
Trên báo Thanh Niên, trong bài “Vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ tranh cãi về phân chia tài sản chung” có trích câu nói của ông Vũ: “Ai rồi cũng già và chết. Tiền và quyền cũng không để làm gì. Tôi sẽ cho các con nhưng không phải thời điểm này”.***
Theo tôi, tiền rất quan trọng, vô cùng quan trọng, nhưng hạnh phúc quan trọng hơn. Điều tiết được đồng tiền phục vụ cho hạnh phúc, cho dù hạnh phúc đơn sơ cũng đã là vĩ đại.Đừng chế giễu câu “Một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Hãy nghĩ đến nghĩa bóng của nó thì sẽ thấy, đó là đỉnh cao của hạnh phúc. Thật đấy!
Thế Thịnh – Thanh niên