“Nếu chúng ta học tập những quốc gia tiên tiến, ắt phải áp dụng chính sách không khoan nhượng, tức đình chỉ học 6 tháng đến 1 năm đối với những đối tượng có hành vi làm nhục, bạo hành học đường” – chuyên gia tâm lý kiến nghị.
TS Trần Thành Nam.
Theo ông, nên xử lý những nữ sinh có hành vi bạo hành như thế nào? Hiện, dư luận đang rất phẫn nộ, vậy liệu có một “tình tiết giảm nhẹ” nào cho những nữ sinh này hay không?
– Chúng ta cần học tập những quy chuẩn trong trường học ở những nước phát triển. Họ có Luật đảm bảo An toàn trường học – luật không khoan nhượng. Tất cả những người vi phạm luật như mang vũ khí, chất gây nghiện, bạo hành học đường ngoài chịu trách nhiệm pháp luật còn phải chịu phạt từ trường học. Như sự việc nhóm nữ sinh tấn công, làm nhục bạn học trong trường có thể bị phạt theo luật không khoan nhượng đình chỉ học 6 tháng đến 1 năm.
Tuy nhiên, vẫn có “tình tiết giảm nhẹ” cho những nữ sinh này. Bởi có thể, bây giờ họ là thủ phạm nhưng có thể từng là nạn nhân của bạo hành. Phần lớn những nghiên cứu đều chỉ ra những người có xu hướng bắt nạt bạo hành thường cũng chính là nạn nhân của bạo hành ở thời gian trước đó. Có thể là bạo lực gia đình hoặc bạo lực ở không gian khác. Những người này có giá trị tự trọng hoặc cách thức nhìn nhận bản thân cực kì tiêu cực.
Vậy xin ông đưa ra những giải pháp gốc rễ để “chặt đứt đuôi” bạo lực học đường?
– Những sự việc bê bối trong trường học nối đuôi nhau, nhưng cứ để “sự đã rồi” mới kỷ luật ban giám hiệu, giáo viên không phải cách thức bền vững.
Theo tôi, cách thức bền vững là phải ban hành một quy định an toàn trong trường học. Phải có bộ phận thực thi, có nhiệm vụ chức trách xác định sàng lọc những tình huống, học sinh có nguy cơ.
Những học sinh từng có lý lịch về bạo hành cần có chế độ theo dõi. Đồng thời, đưa ra những chương trình huấn luyện kỹ năng chống bạo lực học đường. Thông điệp chính hướng đến nhà trường sẽ chiến đấu không khoan nhượng với hành vi bạo lực, học sinh sẽ bị đình chỉ học 6 tháng đến 1 năm nếu vi phạm. Nhà trường cũng cần kết nối với những cơ quan an ninh và cung cấp những số điện thoại để nạn nhân tố giác khi cần thiết.
Quan trọng nhất, không được “tầm thường” và “bình thường hoá” hành vi bạo lực học đường!
Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo Lao động