Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Phạt 200.000 đồng người đàn ông quấy rối nữ sinh trong thang máy: “Như trò hề!”

Vụ việc nam thanh niên sàm sỡ nữ sinh trong thang máy gây bức xúc trên mạng xã hội.

“Nó khiến cho người ta có cảm giác thà đừng phạt còn hơn. Phạt xong đưa lên như thế này chẳng khác gì trò cười, như là một sự nhạo báng, làm nhục phụ nữ tiếp thêm một lần nữa”, TS Khuất Thu Hồng nói.

Sự việc xảy ra vào khoảng 22h ngày 4/3, sau khi đi dạo với người quen về, chị P.H.V (20 tuổi) vào thang máy của tòa chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) để lên phòng thì bị người đàn ông lạ mặt làm trò sàm sỡ.

Theo hình ảnh trích xuất từ camera trong thang máy tòa nhà, khi chỉ còn 2 người trong thang máy, người đàn ông ăn mặc lịch sự tiến lại gần cô gái trẻ đang đứng gần cửa thang máy rồi có những hành động như ôm, ghì cô gái trẻ… mặc cho cô gái không đồng ý.

Vụ việc diễn ra trong chốc lát, sau đó cô gái cố gắng thoát ra khỏi thang máy nhưng người đàn ông kia vẫn cố tình tóm lấy tay cô gái trẻ giữ lại.

Ngày hôm sau, cô gái đã đến trình báo với Công an Quận Thanh Xuân. Tối 15/3, người đàn ông tên H. đã hẹn với gia đình cô gái 9h sáng 16/3, sẽ có mặt tại trụ sở Công an quận Thanh Xuân để giải quyết.

Nhưng sau đó, công an quận lại báo lại rằng cuộc hẹn sẽ lùi lại 30 phút. Gia đình cô gái vẫn kiên nhẫn chờ nhưng cuối cùng anh ta đã không đến.

TS Khuất Thu Hồng

Xem xét toàn bộ diễn tiến cũng như các xử lý của vụ việc, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đánh giá việc này “như trò hề”, thể hiện sự bất lực của pháp luật cũng như sự bất lực của những người thực thi pháp luật.

“Công an mời người đang bị tố cáo là phạm tội đến hòa giải nhưng anh ta không đến cũng chẳng làm gì được. Sau đó, lại đưa ra mức xử phạt 200.000 đồng… rất bôi bác!”, TS Hồng bức xúc nói.

Bà Hồng cũng cho rằng, dù hành vi đó được áp dụng phạt theo Nghị định nhưng không phù hợp với thực tế, bởi “những vụ việc quấy rối tình dục, xâm hại tình dục phụ nữ trẻ em thì càng ngày càng nhiều khiến xã hội càng ngày càng bức xúc mà vẫn sử dụng một nghị định không cập nhật thì rất phản tác dụng”.

“Nó khiến cho người ta có cảm giác thà đừng phạt còn hơn. Phạt xong đưa lên như thế này chẳng khác gì trò cười, như là một sự nhạo báng, làm nhục phụ nữ tiếp thêm một lần nữa.

Đây không phải chỉ là một cá nhân, một cô gái đấy mà rõ ràng đây là đối với phụ nữ nói chung.

Chứng tỏ xã hội vẫn chẳng coi trọng phẩm hạnh phụ nữ bao nhiêu. Tất cả những câu chuyện trong thời gian gần đây thể hiện điều đấy, thể hiện sự thiếu quan tâm đến phụ nữ.

Chẳng hạn như vụ việc ở Bắc Giang thầy giáo dâm ô sờ đùi, sờ mông thì bảo đó là hành động “yêu quý” trẻ, xâm hại trẻ em đến rách màng trinh, trẻ bị tổn thương gẫy răng, gẫy tay thì lại kết luận “ít nghiêm trọng”…”, bà Hồng bày tỏ.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng “những câu chuyện này khiến cho mọi người có cảm giác luật pháp không có nghĩa lý gì và những người thực thi pháp luật gần như không làm được gì với những tội ấy. Đây là điều đáng phải suy nghĩ”.

Bà Hồng cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần sửa đổi pháp luật cụ thể hơn làm sao để pháp luật phải thực sự là công cụ để mà trừng trị, xử lý những hành vi xâm hại danh dự và thân thể phụ nữ, trẻ em. Đối với những người thực thi pháp luật cũng cần được nâng cao nhận thức để họ làm công việc này tốt hơn.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Infonet , lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân cho rằng, Quyết định xử phạt căn cứ vào Điểm a, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP (mức phạt đối với hành vi này là từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng) sau khi Công an quận Thanh Xuân trao đổi và thống nhất với VKSND cùng cấp.

Theo Infonet

Link 

 

 

 

 

 

 

 

 

Exit mobile version