Một thông tin gây chấn động trong phiên tòa xét xử “đại án” tham nhũng tại Ngân hàng Ocean Bank là bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, khi còn là Tổng giám đốc ngân hàng này đã chi hàng chục tỉ đồng làm quà biếu “lãnh đạo”, nhất là vào dịp lễ, tết.
Theo như lời khai trước tòa mà Dân trí cũng đã có các bài tường thuật chi tiết, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã chi khoảng 50 tỷ đồng trong 5 năm, mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng cho nhiều cán bộ cấp trên, nhất là vào dịp lễ, tết. Người thì Sơn tặng vài chục triệu đồng, người thì tặng 100-200 triệu đồng.
Thậm chí, bị cáo này còn nói, đã là những món quà “tình nghĩa” và khi còn giữ chức vụ nhỏ, chưa làm đến Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí (PVN), thì với bị cáo, được tặng, được nhận đã là “phấn khởi”, là “mừng” lắm rồi và nếu tặng quà “bé” thì cảm thấy không tương xứng…
Cho dù với những lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Hội đồng xét xử, cơ quan điều tra sẽ còn phải xem xét, xác minh thêm nhưng ít nhiều nó cũng đã phản ánh một thực tế mà lâu nay, người dân đã có nhiều hoài nghi.
Đó là tình trạng biếu xén, tặng quà tràn lan vào các dịp lễ, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt ở Hà Nội, cứ mỗi dịp tết, những chuyến viếng thăm, tặng quà, chúc tết của cán bộ, lãnh đạo nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp dày đặc khiến đường phố Hà Nội luôn trong tình trạng tắc nghẽn.
Chính vì điều này, để chấn chỉnh, ngăn ngừa “thói quen” đã có những biểu hiện biến tướng trên, cuối năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị cấm cán bộ, công chức trong bộ máy biếu xén, lễ tết cấp trên và lãnh đạo nhiều bộ, ngành cũng đã nêu gương, ra những chỉ đạo tương tự trong ngành mình.
Cho nên, đọc lại những lời khai khá tự nhiên và rành rọt của cựu Tổng giám đốc Ocean Bank, khi những lời khai này lần đầu được nêu trên báo chí, cũng không ít độc giả sẽ thấy ngạc nhiên về mức độ “bạo tay” trong việc chi tiền mua sắm, phong bì lễ lạt dịp tết của một doanh nghiệp có qui mô chưa phải là quá lớn.
Phải chăng, với mức chi “bạo” như vậy, đã giúp Nguyễn Xuân Sơn từng bước, từng bước leo lên đến chức vụ Chủ tịch một Tập đoàn kinh tế nhà nước có qui mô lớn nhất như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khi trước đó, bị cáo này đã có những hiểu hiện làm trái, vi phạm chính sách pháp luật khi còn ở Ocean Bank?
Một điểm đáng chú ý là trong lời khai của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, việc chi tiền làm quà, tặng quà “tình nghĩa” như trên, theo quan điểm của bị cáo này là “thông lệ chung cho các tập đoàn nhà nước”, còn với các doanh nghiệp tư nhân, ông này còn cho là, các mức “quà” đã chi khi còn ở Oceanbank như vậy cũng “rất khiêm tốn” !.
Với những lời khai có thể nói chấn động như trên, liệu có cơ quan nào của nhà nước có thể xác minh cụ thể mức độ chính xác của nó đến đâu. Hoặc cụ thể như các khoản chi tiền “quà tết” của Nguyễn Xuân Sơn khi còn ở Ocean Bank thì những ai đã nhận khi Sơn chỉ khai đã chi mà không nêu tên cụ thể từng người nhận?
Việc kiểm tra, xác minh lời khai rất quan trọng trên của một bị cáo trong “đại án” tham nhũng ở Ocean Bank để tìm bằng chứng xử lý những người vi phạm là rất cần thiết bởi thực tế, theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, tất cả các khoản tặng quà có giá trị trên 500 ngàn đồng đều bị cấm.
Việc làm của Nguyễn Xuân Sơn và các bị cáo có liên quan khi tặng quà có giá trị lên tới cả chục tỷ đồng mỗi năm chắc chắn đã là các hành vi vi phạm pháp luật ở mức độ khá nghiêm trọng, mà Hội đồng xét xử vụ án này đang truy hỏi, làm rõ ngay tại phiên tòa này trong những ngày tới.
Và cũng từ vụ việc này cho thấy, Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát, chấn chỉnh tình trạng “cho, nhận” quà một cách tùy tiện, phổ biến như vậy bởi ở chỗ này, chỗ khác, nó đã có những dấu hiệu biến tướng mà bản chất của việc cho, tặng quà với giá trị quá cao là hối lộ và nhận hối lộ.
Việc cho, biếu quà tết với thầy cô giáo, với cấp trên trong các dịp lễ tết, vốn được coi như một thói quen truyền thống, cũng có ý nghĩa tốt đẹp nhưng cũng nhiều khi, với những người muốn thăng tiến, muốn mua quan, bán chức thì nó lại biến tướng, trở thành mức độ đua tranh, hối lộ để nhằm đạt được những vị trí, chức vụ cao hơn. Và qua vụ án tham nhũng tại Ocean Bank đang được xét xử, ai cũng thấy đó là vấn đề thực tế nhức nhối.
Theo Dân trí