Khi giàu sang người người săn đón, khi nghèo khó chẳng có ai bên, tiền bạc vật chất chẳng bao giờ đem lại cảm giác an toàn.
Trên cộng đồng của những người đang độ tuổi trung niên bỗng xuất hiện một câu hỏi nổi bật: “Bạn đã có gì trong tay khi bước vào tuổi 40?”
Câu hỏi này nhanh chóng thu hút sự chú ý của rất nhiều người trong độ tuổi từ cuối 30 đến đầu 50. Hàng loạt câu trả lời được đưa ra như sau:
“Tôi 39 tuổi, đã có vợ, con trai 3 tuổi, không có nhà, một ô tô vẫn đang trả góp, lương tháng 13 triệu đồng, không biết phải nói gì nữa.”
“Tôi 49 tuổi, có một căn hộ 3 phòng, một đứa con gái năm nay thi đại học, đầu tư lỗ vốn đang nợ người ta 500 triệu đồng, trong người đang có 4 loại bệnh khác nhau, tôi không biết mình còn có thể kiên trì cho đến khi nào nữa.”
“40 năm cuộc đời tôi chỉ nhận ra sinh ra tay trắng, chết đi cũng trắng tay, rốt cuộc tiền tài mới là thứ nghèo nàn nhất.”
“Bỗng nhiên nhìn lại quá khứ, muốn có được sự nhiệt huyết và dũng cảm tiến tới ước mơ như 10 năm trước mà sao xa vời như trăng trong nước, hoa trong gương. Nản chí quá.”
Có người từng nói: “Khi mỗi người đến với thế giới này đều phải cõng trên lưng một chiếc giỏ. Mỗi một bước chân chúng ta tiến về phía trước, chúng ta sẽ nhặt của thế giới một thứ gì đó và bỏ vào giỏ, vì thế mới có cảm giác càng lúc càng mệt.
Nếu ông nhặt quá nhiều mà không thể bỏ bớt để bước tiếp thì sinh mệnh của ông cuối cùng sẽ không kham hết được.”
Khi đã đến độ tuổi nhất định, trải qua những giai đoạn nhất định, chúng ta có thể nhận ra rằng: Nhân sinh vốn dĩ không khổ, con người cảm thấy khổ sở là bởi dục vọng quá nhiều; nhân tâm vốn dĩ không mệt, con người cảm thấy mệt là bởi đòi hỏi, cầu kiếm quá nhiều.
Năm tháng trôi đi mới biết được sự mãnh liệt của thời gian, đến một độ tuổi nào đó, chúng ta không thể không thừa nhận sức mạnh ghê gớm của “lực hút trái đất”.
Độ tuổi trung niên, cánh cửa chính thức báo hiệu chúng ta đã không còn trẻ trung, bắt đầu tiến tới già hóa nhưng vẫn còn quá sớm để ra đi. Con cái đã có nhưng chưa đủ trưởng thành để yên tâm.
Kinh nghiệm sự nghiệp đã có nhưng chưa chắc đã ổn định. Cơ thể chưa gục ngã nhưng cũng bắt đầu còng lưng mỏi gối.
Mọi thứ đều ở lưng chừng, cả cuộc đời, sức khỏe, sự nghiệp và gia đình. Đó cũng là thời điểm chúng ta dễ dàng cảm nhận sự bất lực và cay đắng nhất. Ở độ tuổi trung niên, nỗi lo đáng sợ nhất không còn là tiền bạc mà chính là sợ mất ổn định.
Có đủ can đảm để bắt đầu lại một lần nữa?
Thực tế luôn luôn khắc nghiệt và mọi thứ lại càng tàn khốc hơn khi bạn vấp ngã ở độ tuổi trung niên. Ngã trên đường nhựa, xương cốt bạn không còn đủ chắc khỏe để tự phục hồi.
Ngã trên đường đời, nhiệt huyết và can đảm bạn không còn đủ để dũng cảm bắt đầu lại mọi thứ. Khi đã bước nửa chân vào giai đoạn gần đất xa trời, bạn đã không còn đủ sức gánh chịu áp lực cuộc sống, kỳ vọng từ cha mẹ, khao khát của vợ con và ánh mắt của xã hội.
Bạn dễ dàng cảm thấy hoang mang trước sự thăng trầm của cuộc đời, nhưng ngay cả thế, việc phải làm vẫn là cố gượng dậy chống đỡ gia đình bằng bộ xương cốt gầy yếu, khó khăn đến mấy cũng phải tiếp tục tiến lên.
Tại sao ngày càng cảm thấy cô đơn?
Khi con người đến tuổi trung niên, chúng ta càng trở nên cô đơn. Với con cái, chúng ta chỉ nghiêm khắc dạy dỗ. Với vợ chồng, câu chuyện chỉ xoay quanh tiền bạc đời sống thường ngày. Sau nửa đời bôn ba bươn chải, chúng ta cũng hiểu lòng người khó lường, người ngoài khó tin.
Rồi khi mọi cảm xúc đạt tới trạng thái bão hòa, liệu chúng ta có thể tìm được sự thấu hiểu từ những người xung quanh?
Có lẽ, lúc bấy giờ, tất cả những gì chúng ta mong muốn chỉ là một khoảng không yên tĩnh để một mình nhấm nháp một bình trà, tận hưởng vị ngọt dìu dịu thấm trong họng đằng sau sự đắng chát trên đầu môi.
Ngẫm lại thời niên thiếu, có nơi nào không tràn ngập sự hào hứng vui tươi. Ngẫm lại hiện tại, trời đất rộng lớn nhưng an yên liệu được mấy phần?
Tựa vào đâu khi đôi vai đã mệt?
Tại sao chúng ta phải mạnh mẽ? Đó là vì chúng ta không có chỗ dựa. Dựa núi, núi có thể đổ, dựa người, người có thể tránh. Tiền bạc, vật chất cũng không thể đem lại cảm giác an toàn. Khi giàu sang người người săn đón, khi nghèo khó chẳng có ai bên.
Đến thời điểm quan trọng, cho dù là người thân ruột thịt nhất cũng sẵn sàng rời bỏ.
Đấy là nỗi bi ai lớn nhất của tuổi trung niên, độ tuổi phải chứng kiến quá nhiều sự thay đổi chênh vênh mà chưa thể thích nghi hay thấu tỏ.
Theo Trí thức trẻ