0
Triết gia nổi tiếng người Trung Quốc Vương Dương Minh từng nói, đa số chúng ta đều mắc phải căn bệnh “suy nghĩ quá nhiều”. Bởi vậy, cuộc sống vốn tươi đẹp bỗng chốc biến thành một chuỗi ngày dài mệt mỏi, khiến con người ta kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng đó mới chỉ là 1 trong 3 căn bệnh ta cần gỡ bỏ.
Cuộc sống hiện đại ngày nay có quá nhiều thứ khiến chúng ta phải không ngừng lo nghĩ và suy tính: Tiết kiệm bao nhiêu tiền mới có thể nghỉ hưu? Cho con học trường nào mới tốt? Làm sao để thăng tiến trong công việc? Cứ thế, chúng ta bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống xô bồ và tất bật, chẳng còn một phút giây nào ngơi nghỉ để tĩnh tâm và nhìn lại những gì mình đã trải qua.
Đến một ngày, chúng ta kiệt sức nhưng rồi vẫn phải kéo thân xác rệu rã tiếp tục lê bước, chẳng còn cảm nhận được chút nào dư vị của hạnh phúc, của sự vui vẻ và thanh thản nữa. Bạn muốn sống một cuộc sống như vậy chăng? Nếu không muốn bản thân rơi vào cảnh ngộ đó, nếu muốn bản thân có cuộc sống an nhàn thì ngay lúc này, hãy luôn khắc ghi và làm theo ba điều sau.
1. Đừng nghĩ quá nhiều, sống và trân trọng từng phút giây ở hiện tại
Vương Dương Minh vốn chuộng nhân ái, yêu dân, không thích sát sinh nhưng cuối cùng khi Ninh Vương làm phản, ông lại phải dùng hỏa công để có thể dẹp yên ba vạn quân phản loạn. Sát hại hàng vạn người, dù chỉ là quân phản loạn, nhưng nhiều ngày sau, ông vẫn luôn thấy dằn vặt trong tâm, cơm nuốt không trôi.
Tuy vậy, Vương Dương Minh cũng hiểu một điều rằng đây là việc ông buộc phải làm bởi nếu để Ninh Vương phản loạn thành công thì trong tương lai không biết có bao nhiêu người sẽ phải lưu lạc, không nhà không cửa. Vì lẽ đó, ông nhanh chóng lấy lại tâm thế, trấn an người dân, tiêu diệt thế lực tàn dư và khôi phục lại trật tự vốn có.
Ông nói: “Giữ tâm mình ở hiện tại đã là học rồi. Chuyện quá khứ, tương lai, lo nghĩ cũng đâu có ích gì? Chỉ là làm việc vô nghĩa mà thôi”. Từ đây, triết gia muốn khuyên chúng ta hãy thuận theo tự nhiên, thấy đói thì ăn, làm mệt thì nghỉ, việc nào thiết thực thì làm. Đó mới là sống cho thực tại.
Quá khứ là chuyện đã qua, tương lai là chuyện chưa tới, bạn có hối hận hay lo lắng đến mấy cũng không thể làm gì. Vì vậy, hãy biết chấp nhận sự không chắc chắn của tương lai và để quá khứ ngủ yên, bởi bạn sẽ chẳng thể vui vẻ và hạnh phúc nếu cứ sống ở một nơi, một khoảnh khắc nào đó không phải là hiện tại đâu.
2. Đừng nghĩ quá nhiều, làm trước nói sau
Thấy một thanh niên cứ nấn ná mãi mà không bắt đầu gieo trồng, một người cao niên mới hỏi nguyên do. Người thanh niên đáp lại: “Nếu hạt giống không tốt thì phải làm sao? Trồng xong, cây lại bị sâu bệnh thì làm thế nào? Gặp thiên tai thì phải làm thế nào? Khó khăn nhiều như vậy đều cần phải giải quyết. Tốt nhất là cứ chuẩn bị kỹ lưỡng rồi tính tiếp”. Nhưng khi anh ta chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cũng là lúc mùa vụ đã trôi qua.
Chúng ta vẫn luôn được khuyên làm việc gì cũng phải suy nghĩ cẩn thận, chớ vội vàng, hấp tấp mà hỏng chuyện, nhưng cũng đừng suy nghĩ quá nhiều. Theo Khổng Tử, có nhiều việc chúng ta không cần nghĩ nhiều, chỉ nghĩ kỹ hai lần là đủ.
Vương Dương Minh cũng thường nói: “Học phải đi đôi với hành. Biết là biết, thực tiễn là thực tiễn. Muốn hiểu rõ nhất định phải thực hành. Trước khi làm, suy nghĩ ba lần, những người suy nghĩ quá nhiều phần lớn đều xa rời thực tế”.
Bạn thử ngẫm mà xem, cầm trên tay một trái táo, muốn biết táo có ngọt hay không thì phải cắn thử mới biết. Giống như chúng ta nhiều khi phải bắt tay vào làm trước, sau đó mới có thể phát hiện và giải quyết vấn đề xảy ra trong thực tiễn, rồi cứ thế từng bước, từng bước tiến về phía trước.
Bởi vậy, có thể nói suy xét một việc cả nghìn lần cũng không bằng thử làm một lần nên hãy bỏ qua tâm lý sợ sai mà bắt đầu làm điều bạn muốn ngay hôm nay. Nghĩ thử đi, nếu cứ sợ gặp khó khăn, trở ngại mà không làm thử thì làm sao bạn biết việc đó có thuận lợi và thành công hay không? Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đã bỏ qua cơ hội để tiến tới cái đích cuối cùng của đời mình rồi đó!
3. Đừng nghĩ quá nhiều, biết đủ mới hạnh phúc
Con người chúng ta trong cuộc sống có nhiều lúc cảm thấy không thỏa mãn bởi ham muốn vô hạn của bản thân: muốn nhà đẹp, muốn xe hơi, muốn giàu có,… Chính vì muốn quá nhiều và không biết đủ mà lúc nào con người ta cũng phải lo lắng và suy nghĩ. Tới khi không đạt được ham muốn của bản thân, họ bắt đầu quay sang oán thán, trách móc, họ trách ông trời bất công, trách sao họ không được sinh ra trong gia đình giàu có, trách sao họ chẳng may mắn như ai kia.
Thế nhưng kỳ thực, điều quyết định việc chúng ta sống có an nhàn, vui vẻ hay không nằm ở phần giảm đi mà không phải ở phần tăng lên. Điều này có nghĩa lý gì? Đó là chúng ta chỉ khi vứt bỏ được những gánh nặng, những ưu phiền của cuộc sống ngoài kia mới có thể sống thật thanh thản và hạnh phúc.
Vương Dương Minh từng chia sẻ: “Người ở thế hệ chúng tôi rất dụng công. Không mong gì ngày một tăng lên, chỉ mong ngày một giảm đi. Bớt đi một chút ham muốn chính là hiểu được một phần lẽ trời, nhẹ nhàng vui sướng và giản dị biết bao!”. Trong Đạo Đức Kinh cũng viết: “Biết đủ không nhục, biết dừng không nguy”.
Như thế, con người sống trên đời cần phải có giới hạn, phải “biết đủ”, biết hài lòng và trân trọng những gì mình đang có. Bởi lẽ người “biết đủ” sẽ luôn mỉm cười đối mặt với mọi chuyện xảy đến, điềm nhiên đứng ngoài mọi sự tranh giành, ganh đua tầm thường.
Cũng vì “biết đủ”, luôn đặt ra cho mình một giới hạn nhất định nên họ hiểu rõ bản thân cần làm gì và không được làm gì. Do đó, những người “biết đủ” sẽ luôn tìm được cho bản thân con đường đi phù hợp nhất, luôn thấy đủ đầy, thỏa mãn, và cũng luôn giữ được cho mình một tâm thế cân bằng để sống thật an nhiên và tự tại.
Việt Hà
Theo Thời đại/SecretChina