Cho tới ngày nay, giai thoại thú vị về Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh nhiều không kể xiết. Kể cả sự thực về nhan sắc của Gia Cát phu nhân vẫn còn khiến hậu thế phải tốn nhiều giấy mực tranh cãi.
Gia Cát Lượng (191 – 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, quê tại huyện Dương Đô, quận Lang Nha (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông). Ông là một nhà chính trị, quân sự, chiến lược, ngoại giao kiệt xuất thời Tam quốc.
Ông được hậu thế nhắc tới với một niềm kính tôn tột bậc không chỉ bởi trí tuệ và tài năng lỗi lạc, mà còn vì lòng trung nghĩa sắt son.
Về việc Gia Cát Lượng lấy vợ thì sách Tương Dương ký chép rằng ở miền Nhữ Năm có một danh sĩ là Hoàng Thừa Ngạn, tính tình thanh cao, khoát đoạt và thành thực.
Ngạn đến bảo với Lượng rằng: “Nghe anh kén vợ, tôi có đứa con gái xấu xí, đầu vàng, da đen, nhưng tài năng có thể phối hợp với anh được. Lượng bằng lòng tức thì Ngạn đem con gái đến cho”.
Người đương thời rất buồn cười về chuyện ấy, nên trong làng xóm hay nhắc câu: “Mạc học khổng Minh trạch phụ/ Chi đắc A Thừa xú nữ” (Nghĩa là “Đừng học cách Khổng Minh kén vợ/ Chỉ được gái A Thừa xấu kinh”.
Còn giai thoại về chuyện tình của Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh được ghi chép và kể lại khá nhiều, ví như chuyện ông quyết chí mai phục để tiếp cận “người đẹp”.
Khi cùng chú chạy loạn tới Tương Dương, Gia Cát Lượng sống cảnh hàn vi nhưng vẫn dùi mài kinh sử, đau đáu một niềm với giang sơn xã tắc. Để khỏa lấp nỗi cô đơn, ông ngao du khắp chốn, kết giao bè bạn, bái kiến các bậc tiền bối, tìm đọc những cuốn sách hay để thu lượm kiến thức.
Nghe nói ở Ngọa Long Cương có viên ngoại họ Hoàng, trong nhà cất nhiều sách quý, Lượng bèn dời tới đây, dựng lều tranh ở gần để tìm dịp hội kiến. Lại thêm, nhà họ Hoàng có cô con gái tên Hoàng Nguyệt Anh, nức tiếng khắp vùng là một tài nữ. Gia Cát Lượng rất muốn gặp gỡ kết giao với nàng.
Nhưng Hoàng viên ngoại ra sức ngăn cản. Không nản lòng, Gia Cát Lượng tỏ rõ kiệt tài về học vấn để thuyết phục. Không ngờ, Hoàng Thừa Ngạn tiết lộ, con gái ông có dung mạo xấu xí, rất khó coi, rồi khuyên Gia Cát Lượng nên tìm ý trung nhân tài sắc vẹn toàn.
Kể từ đó, thiên hạ rộ lời đồn thổi về nhan sắc ma chê quỷ hờn của tài nữ Nguyệt Anh. Thậm chí, nhiều cuốn sách bấy giờ còn mô tả, bà có dáng người thon thả, yêu kiều, nhưng mặt mày đen đúa, mụn nhọt.
Lại có sách kể rằng, tiểu thư họ Hoàng tuy hiền dịu, nết na, trí tuệ vẹn toàn, nhưng ngặt nỗi dáng dấp thô kệch, xù xì, mặt đầy nốt rỗ.
Bất chấp tin đồn, Gia Cát Lượng vẫn hạ quyết tâm tới nhà họ Hoàng cầu hôn. Để thử thách, Hoàng Nguyệt Anh đưa ra hàng loạt câu hỏi cốt để đức lang quân tương lai bật lên trí tuệ minh mẫn lẫn đức độ của mình.
Để chiếm được trái tim người phụ nữ tài giỏi này, Gia Cát Lượng dốc hết tâm lực, tài trí, cuối cùng cũng thuyết phục được thiên kim tiểu thư họ Hoàng.
Theo một chuyên gia tiết lộ trên Hoàn Cầu thời báo , kỳ thực, Hoàng Nguyệt Anh không chỉ trí tuệ tinh thông, bà đích thực là người phụ nữ có nhan sắc yêu kiều.
Chuyện Hoàng Thừa Ngạn loan tin con gái mình xấu xí, thô kệch chỉ cốt để thử thách lòng kiên trì và bản lĩnh cương nghị của Gia Cát Lượng.
Sau khi thành thân, phu thê Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh sống với nhau rất hòa thuận. Nguyệt Anh không chỉ khéo tay mà còn thông tuệ, nhiều lần giúp đỡ sự nghiệp của phu quân.
Trong dân gian, ngoài giả thuyết Nguyệt Anh bị liệt vào hàng “Ngũ xú Trung Hoa” (5 người phụ nữ xấu nhất Trung Quốc nhưng tài giỏi hơn người), cũng có ý kiến cho rằng, nhan sắc của thiên kim tiểu thư họ Hoàng bị “bóp méo” phần nhiều do tên gọi A Sửu (Sửu trong tiếng Hán có nghĩa là xấu xí) mà Hoàng viên ngoại đặt cho con.
Nguyệt Anh trí tuệ uyên thâm, tinh thông binh pháp, võ nghệ siêu quần. Dù xinh đẹp mỹ miều, nhưng sau khi đã kết duyên chồng vợ với Khổng Minh, bà vẫn giữ thói quen đeo mặt nạ để che giấu nhan sắc thực sự của mình.
Ấy là vì Gia Cát phu nhân không mưu cầu tiếng thơm phù phiếm. Bà âm thầm hỗ trợ cho đức phu quân được công thành danh toại, được vang vẻ với đời.
Cho tới ngày nay, giai thoại thú vị về Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh nhiều không kể xiết. Kể cả sự thực về nhan sắc của Gia Cát phu nhân vẫn còn khiến hậu thế phải tốn nhiều giấy mực tranh cãi.
Nhưng thứ quý giá mà Khổng Minh và Hoàng Nguyệt Anh để lại cho đời ấy chính là nghĩa tình chồng vợ chung thủy từ thuở hàn vi tới ngày nhung gấm. Trong đó, câu chuyện về nguồn gốc của chiếc quạt lông vũ là minh chứng điển hình cho mối tình sâu nặng của họ.
Tương truyền, Hoàng Nguyệt Anh là một cô nương xuất chúng, tài nghệ phi thường, am tường hội hoạ lại biết cả võ nghệ. Thuở nhỏ, cô theo học một danh sư trên núi. Sau này, danh sư ấy tặng cho cô một chiếc quạt lông ngỗng bên trên có hai chữ “Minh” và “Lượng”.
Vị này còn nói hai chữ này chính là tên phu quân sau này của Hoàng Nguyệt Anh.
Sau này, khi Gia Cát Lượng tìm đến cầu hôn, Hoàng Nguyệt Anh đã tặng ông chiếc quạt lông đó coi như kỷ vật, đồng thời lý giải nguyên nhân: “Vừa nãy thiếp nhìn thấy tiên sinh và cha cùng đàm luận chuyện thiên hạ, hùng tâm tráng chí quả là rất lớn.
Nhưng mà, thiếp phát hiện rằng khi ngài nói tới Tào Tháo và Tôn Quyền thì chân mày lại hiện rõ ưu tư, lo lắng. Thiếp tặng ngài chiếc quạt này là để ngài che mặt những lúc như vậy”.
Khổng Minh hiểu ra, vội tạ Nguyệt Anh, trong lòng cảm thấy hết sức vừa ý. Đây quả thực là vị hôn thê có một không hai, dẫu có lục tung tìm cả thiên hạ cũng không được mấy người.
Người đời sau vẫn không ngớt lời ca ngợi sự tinh tế, thông minh của bà trong chuyện tặng quạt. Ngụ ý của Hoàng Nguyệt Anh chính là không muốn chồng mưu sự bất thành vì dao động tình cảm, chiếc quạt lông vũ sẽ như thứ bảo bối giúp nhà quân sư che giấu cảm xúc, suy nghĩ thực sự trước đối phương.
Sách Khổng Minh đại truyện có ghi rõ, thừa tướng Gia Cát sau khi xuất sơn, mọi việc ở nhà đều được Gia Cát phu nhận chu toàn, vợ chồng tương kính, chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn hay xung đột gì. Nếu không nhờ có bà, Khổng Minh tiên sinh chưa chắc đã có thể toàn tâm phò trợ cho chủ tướng Lưu Bị.
Theo NĐT