Nghiện sex hóa ra là một căn bệnh phổ biến hơn chúng ta tưởng. Chỉ là những người mắc phải thường không bao giờ thừa nhận, dù có làm bất kỳ điều gì.
Kerry McAvoy là một bác sĩ tâm lý, chuyên gia tư vấn quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên, bà đồng thời cũng là người sáng lập ra Good Men Project – dự án phục hồi tâm lý dành cho những người bị tổn thương tâm lý vì chứng nghiện tình dục (sex addiction).
Nguyên nhân khiến bà lập ra dự án này là bởi bà cũng là một nạn nhân của câu chuyện này, khi chồng cũ của McAvoy là một kẻ nghiện sex.
Tôi đã không nghĩ đây là một căn bệnh có thật
Cho đến 3 năm trước đây, tôi vẫn nghĩ như vậy. Dù là một bác sĩ chuyên ngành tâm lý, nghiện sex không nằm trong lĩnh vực tôi được nghiên cứu và học tập.
Và tôi cũng là một người khá thực tế. Mọi thứ với tôi cần phải được mắt thấy tai nghe trước khi thực sự tin vào đó.
Dù “nghiện sex” đã trở thành một thuật ngữ y học từ vài năm gần đây, tôi vẫn không thực sự chú ý đến nó.
Trước kia nếu được hỏi, tôi sẽ tỏ ra nghi ngờ rằng đó có thực sự là nghiện, hay đơn giản chỉ là hành vi mô phỏng lại một dạng của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
Trên thực tế, tôi cũng không rõ có bao nhiêu bác sĩ tâm lý trên đời thực sự tin rằng chứng nghiện sex có tồn tại, nhưng khá chắc rằng con số đó rất ít.
Bởi lẽ, để có thể gọi một hành vi tình dục nào đó là bất thường thì cần khá nhiều bằng chứng. Thế nên cộng đồng khoa học thường tỏ ra ngần ngại khi đề cập đến câu chuyện này, trong đó có tôi.
Nhưng rồi đến một ngày, quan điểm của tôi thay đổi hoàn toàn. Bởi lẽ, tôi đã vô tình gặp gỡ và kết hôn cùng một người mắc phải chứng nghiện sex. Đó cũng là lúc tôi chấp nhận rằng, đây là một chứng bệnh có thật.
Một chứng bệnh khó diễn giải
Thực vậy, không có định nghĩa nào toàn vẹn dành cho chứng bệnh này cả, vì nó khác biệt với từng người – tương tự như rất nhiều bệnh tâm lý khác.
Như trầm cảm chẳng hạn, mỗi người sẽ có một biểu hiện khác nhau, thì nghiện sex cũng như vậy.
Những gì tôi hiểu được về chứng bệnh này, đó là nhu cầu sex trở thành một thứ gì đó khá cưỡng ép.
Nó không liên quan đến vấn đề ham muốn, mà là phương tiện để họ giải tỏa những áp lực từ cuộc sống. Sex với họ giống như thuốc lá hoặc rượu bia vậy, một cách để giải quyết căng thẳng.
Ảnh minh họa
Ví dụ, một người nghiện sex có thể sẽ tự thỏa mãn rất nhiều lần trong ngày, nhằm xoa dịu cảm xúc luôn căng cứng bên trong.
Tuy nhiên, hành vi này dần trở nên không thể cưỡng lại, dẫn đến tiêu tốn thời gian làm việc và dành cho gia đình, bạn bè.
Những người nghiện sex thường tìm đến văn hóa phẩm 18+ để giải tỏa, nhưng hiếm khi dừng lại ở đó.
Không sớm thì muộn, hứng thú với phim ảnh sẽ mất dần, họ sẽ cần đến các liều thuốc mạnh hơn, hoặc chuyển hướng sang thế giới bên ngoài. Bắt nguồn từ các hội nhóm, hẹn hò cùng lúc nhiều người, rồi thậm chí tìm đến mại dâm.
Ước tính, có khoảng 3 – 6% dân số Mỹ đang mắc chứng nghiện sex, nhưng có vẻ con số này cũng chưa phản ánh đúng thực tế. Bởi lẽ, đa số người mắc thường sẽ né tránh chủ đề này vì ngại ngùng.
Cuộc sống thứ 2 của chồng tôi
Bởi ngại ngùng nên nhìn chung, những người nghiện sex có xu hướng giữ kín tình trạng của mình, cũng như thực hiện các hành vi thỏa mãn trong bí mật. Dù là xem phim, hẹn hò hay làm bất kỳ điều gì, nó đều được giữ kín.
Nói cách khác, họ có một bộ mặt khác, một cuộc sống thứ 2, giống như chồng tôi vậy.
Cách đây 3 năm, tôi đã không hay biết rằng người tôi hẹn hò và lấy làm chồng có một cuộc sống bí mật. Tôi vẫn nhớ đêm hôm đó, vì muốn khiến chồng ngạc nhiên mà tôi bận một bộ váy thật quyến rũ.
Vậy mà anh chẳng đoái hoài, tỏ ra mệt mỏi và chỉ muốn xem TV. Không muốn phá hỏng không khí, tôi quyết định im lặng và đi ngủ. Nhưng khi thức dậy, tôi thấy anh xem phim 18+, bằng chính điện thoại của anh. Anh từ chối tôi, để xem những kẻ xa lạ làm tình!
Đó là đêm khởi đầu cho vô số những đau đớn mà tôi phát hiện ra sau này. Người đàn ông tôi yêu và quyết định tiến tới hôn nhân, hóa ra là chưa bao giờ tồn tại.
Ban đầu, anh tỏ ra mình gặp vấn đề trong “chuyện ấy”, để tôi cảm thấy rằng mọi chuyện giữa cả hai vẫn ổn.
Anh thậm chí còn lên hẳn truyền hình, kể lể rằng mình gặp vấn đề tâm lý vì không còn cảm hứng với chính vợ của mình. Tôi hoàn toàn tin, cho đến khi một cô gái anh hẹn hò liên lạc và kể hết mọi chuyện.
Hóa ra, năng lượng tình dục của anh là cực lớn, nhưng không phải dành cho tôi.
Những hôm về muộn, các chuyến xa nhà về thăm gia đình, tụ tập bạn bè hóa ra là để anh gặp gỡ với những người phụ nữ khác, và tôi chẳng hề hay biết. Anh rất giỏi trong việc giấu kín cuộc sống xã hội với tôi.
Anh sẵn sàng chặn số của các cô gái mình quen, cho đến khi cảm thấy đủ an toàn mới mở ra và tiếp tục liên lạc.
Trong suốt một thời gian dài, tôi cảm thấy mình như một hình nhân biết đi vậy. Ngày qua ngày, tôi sống mà như không thực sự sống. Cảm xúc của tôi chai sạn.
Sự phản bội ấy là quá lớn, nó cào xé tâm can tôi. Rốt cục, cuộc hôn nhân của chúng tôi kết thúc bằng phán quyết ly dị từ tòa án.
Sau này nhớ lại, hóa ra câu chuyện của tôi lại giống hệt như những gì mà nhiều nữ bệnh nhân tôi từng tư vấn gặp phải.
Tôi biết ơn cô gái đã đến kể cho tôi mọi chuyện. Sự dũng cảm của cô ấy đã giúp tôi nhận ra quá nhiều thứ, và mở ra con đường để tinh thần tôi được phục hồi.
Mọi chuyện thường như vậy! Sự dối trá cần phải bị lật tẩy, trước khi tâm lý có thể hồi phục.
Với hầu hết những người mắc chứng nghiện sex, đây là điều hết sức khó khăn, bởi điều đó đồng nghĩa với việc người đó phải tự mình thừa nhận sự nghiêm trọng của vấn đề.
Như một bác sĩ tâm lý của tôi từng chia sẻ, nghiện sex thực chất không liên quan nhiều đến sex, mà vấn đề nằm ở bản ngã và lòng tự tôn của người đó nhiều hơn.
Hiện tại, để chữa khỏi chứng nghiện sex không phải đơn giản. Cần phải kết hợp giữa sử dụng thuốc ổn định hormone cùng những biện pháp tâm lý, bao gồm cả thiền.
Còn với những ai là nạn nhân của nó, cần phải thẳng thắn nhìn vào sự thật, gạt đi sự giả dối mới có thể lấy lại được cuộc sống của mình ngày trước.
Vậy nên hãy để tôi bắt đầu trước.
Xin chào, tôi là Kerry, và là vợ cũ của một kẻ nghiện sex!
Theo Tri thức trẻ