Anh Vũ Tuấn Anh – người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên – đăng hình ảnh nhiều bạn sinh viên xếp hàng mua cơm từ thiện tại một quán cơm 2.000 đồng ở quận 1, TP.HCM.
Nhiều thanh niên xếp hàng chờ mua cơm 2.000 đồng một phần – Ảnh: VŨ TUẤN ANH
Thời gian qua, những quán cơm từ thiện với giá 2.000-3.000-5.000 đồng được mở ra tại TP.HCM đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đây là một trong những việc làm có ý nghĩa với người có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo học tập xa nhà…
Tuy nhiên mới đây, một chia sẻ trên mạng xã hội với nội dung không ủng hộ việc các sinh viên ăn cơm từ thiện đang thu hút sự chú ý.
Anh Vũ Tuấn Anh, người đưa hình ảnh trên lên mạng xã hội, viết: “Sinh viên sức dài vai rộng cần phải biết tự trọng để không ăn cơm từ thiện của người nghèo, hoặc cùng lắm thì thỉnh thoảng. Hôm nay tôi sững sờ khi thấy hàng chục sinh viên xếp đen đặc để ăn cơm từ thiện”.
Anh chia sẻ rằng đã hỏi những người xung quanh, và được biết lượng sinh viên đến ăn cơm từ thiện mỗi ngày rất đông.
Ý kiến này nhanh chóng nhận được nhiều bình luận trái chiều. Người đồng tình cho rằng sinh viên cần phải ăn uống từ chính sức lao động. Người phản bác cho rằng anh Tuấn Anh đã quá vội vàng khi đánh giá sinh viên không tự trọng.
Một người dùng Facebook tên Nguyễn Hạnh đồng tình với Tuấn Anh: “Sinh viên sức dài vai rộng, không đi làm thêm lại đi ăn cơm của người nghèo. Tôi nghĩ các bạn nên đến quyên góp thì có ý nghĩa hơn”.
Phú Lê lại cảm thấy thương sinh viên nhiều hơn là trách: “Nhìn hình chỉ thấy thương sinh viên thôi. Quán rõ ràng ghi sinh viên nghèo, thì các bạn đến ăn. Còn sinh viên chưa làm ra nhiều tiền, tiết kiệm cho cha mẹ đồng nào hay đồng nấy là hay rồi”.
Từng là một sinh viên, Y Trâm cho rằng nên đặt mình vào vị trí của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để hiểu, thay vì phán xét.
“Đánh giá các sinh viên này lười nhác có quá vội vàng? Từng là sinh viên, chắc ai có hoàn cảnh không khá giả cũng trải qua một lần không xu dính túi, được ăn cơm 2.000 đồng là quý lắm”, Y Trâm viết.
Trước các ý kiến trái chiều, anh Tuấn Anh cho biết vẫn giữ quan điểm của mình.
“Tôi thấy các bạn đến ăn đều rất khỏe mạnh, mang giày hiệu chứ không có vẻ nghèo. Tôi từng có 10 năm tiếp xúc với sinh viên. Tôi nghĩ việc các bạn tìm một công việc làm thêm là điều không quá khó, việc gì phải ăn cơm 2.000 đồng của người nghèo như thế này?”
Theo Tuổi trẻ