Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Từ 35 tuổi trở đi là cuộc đời xuống dốc?

35 tuổi trở đi, cuộc đời xuống dốc, tuổi 35, già đi, áp lực, cuộc đời, xuống dốc

Ở độ tuổi nào ta bắt đầu chính thức già đi và trở nên buồn tẻ? Một vài khảo sát gần đây cho rằng đó là lúc bạn ở độ tuổi 35.

Đâu là độ tuổi lý tưởng? Với một số người thì đó là những năm tuổi teen vô lo vô nghĩ, hoặc là thời gian học đại học. Nhưng tuổi 35 trên thực tế là thời điểm mang tính bước ngoặt, cả về khía cạnh cá nhân lẫn trong nghề nghiệp.

Không phải chỉ bởi khi bạn 35 tuổi là lúc bạn không còn được coi là “trẻ” nữa, theo một nghiên cứu của Đại học Kent, Anh quốc, mà còn bởi nam giới khi đó đạt tới “đỉnh điểm cô đơn” còn phụ nữ thì bước vào “đỉnh điểm buồn tẻ”.

 

Nếu như thế nghe vẫn chưa đủ tệ, thì đây nữa: tuổi 35 cũng là tuổi mà ta bắt đầu chán ghét công việc, theo một khảo sát được hãng chuyên về nhân sự Robert Half thực hiện đối với hơn 2.000 người làm công ăn lương ở Anh.

Kết quả nghiên cứu cho rằng ở những năm ngoài 30 tuổi, áp lực gia đình và trách nhiệm tài chính gia tăng khiến chúng ta vấp phải nhiều vấn đề, cả ở chỗ làm lẫn khi ở nhà.

Áp lực

Chuyện cần được đảm bảo an toàn về công ăn việc làm trở thành vấn đề. Trong quý đầu năm 2017, người lao động Anh ở độ tuổi 35-49 có nguy cơ bị cho nghỉ việc vì dư thừa nhân công cao gấp đôi so với nhóm người ở độ tuổi 25-34, theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia.

Hơn nữa, nhóm này ít hài lòng với công việc hơn so với các đồng nghiệp trẻ, khảo sát của Robert Halft UK cho thấy. Một trong sáu người từ 35 tuổi trở lên không vừa ý với công việc họ có – cao gấp đôi so với nhóm người dưới 35 tuổi.

“Đó là do sự kết hợp giữa việc mới lập gia đình với việc có thêm nhiều những nghĩa vụ tài chính phải gánh vác… tất cả ập xuống đúng vào lúc bạn vừa đạt độ trưởng thành trong sự nghiệp, lúc mà bạn bắt đầu nắm vai trò lãnh đạo, đảm nhận thêm nhiều trách nhiệm,” Ashley Whipman, giám đốc của Robert Half UK nói.

35 tuổi trở đi, cuộc đời xuống dốc, tuổi 35, già đi, áp lực, cuộc đời, xuống dốc

Whipman cho rằng các nhân viên trẻ tuổi thường có lợi thế trong việc ít bị cấp quản lý kỳ vọng nhiều, trong lúc họ lại có nhiều khát vọng, còn các nhân viên ngoài 30 thì hay vật vã với câu hỏi là Liệu mình đã đạt được điều cần đạt chưa?

Tất nhiên, 35 tuổi cũng là độ tuổi ta không còn nằm trong nhóm ‘ngoài 20 gì đó’ nữa, mà được xếp vào thế hệ trên rồi.

 

Julia Clark, một người thu thập phiếu khảo sát làm việc cho hãng khảo sát thị trường toàn cầu Ipsos, nói rằng cũng là công bằng “khi cân nhắc tới sự khác biệt giữa nhóm ‘dưới 35’ và nhóm ‘trên 35’ bởi đó chính là độ tuổi mà chúng ta có những sự khác biệt.”

Tuy nhiên, Clark nói thêm rằng thông lệ chung trong các công ty khảo sát thị trường là cách phân nhóm tuổi được sử dụng theo cụm quãng cách tuổi nhất định thay vì đồng nhất như nhau, qua đó phân nhóm được chính xác về từng giai đoạn cuộc đời của các đối tượng.

Những người từ 20 đến 29 tuổi thường trải qua những giai đoạn cuộc đời rất khác nhau, cho nên nhóm nhân khẩu học đầu tiên thường được xác định là từ 18 đến 24 tuổi (rồi tiếp đến là nhóm 25-34).

Việc phân nhóm như trên khiến tuổi 35 trở thành một trong những mốc phân chia phổ biến nhất giữa những người còn đang trẻ trung, đang phát triển sự nghiệp, với những người đứng tuổi hơn, đã ổn định hơn trong cuộc sống cũng như công việc.

Phụ nữ muốn sinh con vẫn phải đối diện với sự lo âu hồi hộp về khả năng sinh sản khi vượt qua ngưỡng tuổi 35, tuy một nghiên cứu gần đây nói rằng khả năng sinh sản không hề giảm nghiêm trọng như trước đây người ta từng tưởng.

35 tuổi trở đi, cuộc đời xuống dốc, tuổi 35, già đi, áp lực, cuộc đời, xuống dốc

Tại Hoa Kỳ, ngày càng có nhiều phụ nữ trì hoãn việc sinh con lần đầu cho tới khi ngoài 30 tuổi để họ có thể tiếp tục theo đuổi việc học hành và phấn đấu sự nghiệp. Các số liệu thống kê mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử được chúng ta ghi nhận, số phụ nữ ở độ tuổi vừa ngoài 30 nay có nhiều con hơn so với chị em ở độ tuổi 20.

Cũng có những lý do tài chính khiến người ta muốn trì hoãn chuyện sinh nở – một nghiên cứu được công bố hồi 2011 trên tạp chí Journal of Population Economics cho thấy mỗi năm trì hoãn chuyện sinh nở thì người phụ nữ có thể tăng thêm được 9% thu nhập.

Những quyết định trì hoãn

Dilip Jester, giám đốc Trung tâm Sức khỏe Người cao tuổi tại Đại học California San Diego nói rằng có quan niệm sai lầm phổ biến rằng những năm ở độ tuổi 20-30 là những năm đẹp nhất của cuộc đời chúng ta, và rằng mọi sự sau đó sẽ chỉ có đi xuống. Trên thực tế thì những năm định hình cuộc đời đó có đầy những căng thẳng, lo âu về việc phải đưa ra những quyết định to lớn trong đời.

Trong thế giới phát triển, con người ta sống thọ hơn, kèm theo việc có quá nhiều lựa chọn trong một nền kinh tế toàn cầu hóa cho nên quá trình nỗ lực ổn định sự nghiệp, ổn định gia đình và lựa chọn được nơi thích hợp để dừng chân lâu dài sẽ mất nhiều thời gian hơn và khó khăn hơn so với thế hệ trước.

“Trước đây mọi người đưa ra những quyết định cả đời người khi mới ngoài 20 tuổi, nhưng thế hệ thiên niên kỷ ngày nay thì vẫn đang tiếp tục trì hoãn việc ra những quyết định đó,” Jester nói. “Họ kết hôn muộn hơn, họ sinh con muộn hơn, và có rất nhiều những chuyện đau đầu trước đây thường xuất hiện sớm hơn trong đời người thì nay chỉ xảy ra khi ta đã ở độ tuổi 30.”

Vậy tin tốt lành là gì? “Phần đời còn lại của chúng ta sẽ trở nên hạnh phúc hơn,” Jester nói.

Tất nhiên, việc già nua đi không phải là điều gì hào nhoáng hấp dẫn, nhưng sức khỏe tâm lý của bạn có thể được cải thiện bởi khi đã sống vài chục năm thì “chúng ta hiểu bản thân rõ hơn, chúng ta ra những quyết định dựa trên những thông tin và sự hiểu biết đầy đủ hơn, và chúng ta cũng trở nên bớt ích kỷ hơn,” Jester nói. “Đó là sự khôn ngoan đến kèm với kinh nghiệm, mà những thứ đó chỉ đến khi chúng ta đã già dặn hơn.”

Theo BBC

Exit mobile version