Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Uống nhiều nước có thể thải độc?

Hiện nhiều người không chỉ sáng ngủ dậy áp dụng phương pháp uống rất nhiều nước mà cả ngày cũng uống càng nhiều nước càng tốt để thải độc, “bổ thận thủy”, tăng tuổi thọ…

uống nhiều nước, thải độc

Uống đủ nước mỗi ngày rất tốt cho cơ thể – Ảnh: DUYÊN PHAN

“Uống nước đúng và đủ là điều kiện trước tiên giúp thận hoạt động bình thường, là điều kiện không thể thiếu để “bảo vệ môi trường” bên trong cơ thể. Người xưa chú trọng đến sự bài tiết của thận lúc tuổi già, đến vấn đề “bổ thận thủy” để làm tăng tuổi thọ

GS.TSKH HOÀNG TUẤN

Điều này có lợi hay hại? Uống nước thế nào để thanh khiết nội môi, kéo dài tuổi thọ?

Dễ suy tim, cao huyết áp

Trước thực tế có nhiều người đang áp dụng phương pháp sáng ngủ dậy uống rất nhiều nước để chữa bệnh, GS.TSKH Hoàng Tuấn, nguyên giám đốc Bệnh viện 19-8, cảnh báo vài chục năm trước đây đã có người chủ trương “uống nước thật nhiều mỗi sáng sớm có thể chữa bách bệnh”. Việc này chỉ dựa trên suy đoán chủ quan nhưng nhiều người không suy xét kỹ đã áp dụng cho mình, uống đến hàng lít nước một lúc vào buổi sáng. Có người suýt mất mạng vì cơn suy tim, cao huyết áp xảy ra đột ngột sau khi uống một lượng nước quá lớn. Hiện nay, vấn đề này lại được nhiều người áp dụng mà không biết đến những hậu quả của nó.

Theo BS Cao Hồng Phúc – Bệnh viện 103, nước rất lợi cho cơ thể nhưng quan trọng là phải biết uống đủ. Hiện nay nhiều người áp dụng cách uống càng nhiều nước càng tốt là sai lầm và dễ gặp nguy hiểm. Bởi uống nhiều nước (trên 3 lít nước trong ngày) làm loãng lượng điện giải trong máu, điện giải bị hạ thấp làm rối loạn hoạt động cơ, tế bào thần kinh khiến cơ thể mệt mỏi, rã rời, không buồn vận động.

Đặc biệt, nước trong máu nhiều sẽ tràn vào tế bào thần kinh dẫn đến ngộ độc tế bào do nước. Lúc này tế bào bị trương, màng tế bào thần kinh bị giảm hoạt động, hậu quả là năng lực tập trung suy giảm nghiêm trọng. Hơn nữa, uống quá nhiều nước sẽ làm tăng khối lượng tuần hoàn trong lòng mạch. Sự gia tăng khối lượng này làm tăng huyết áp, dẫn tới khó kiểm soát, rất nguy hiểm cho người bị bệnh tim, suy tim vì uống nhiều nước làm cho tim bị gắng sức, khiến người bệnh càng khó thở, càng mệt do suy tim nặng thêm.

SkipAds by Blueseed

Bên cạnh đó, nước cũng làm giảm chức năng tiêu hóa và lượng nước quá nhiều đi tới ruột làm loãng dịch tiêu hóa. Do đó, hoạt tính của các men tiêu hóa giảm hẳn…

Uống đủ nước theo nhu cầu cơ thể

Theo GS.TSKH Hoàng Tuấn, có thể sẽ là điều hợp lý và có lợi nếu sửa đổi “thuyết quá khích” (uống nhiều nước mỗi sáng sớm để chữa bách bệnh) thành “uống mỗi sáng một cốc 200ml nước – một lượng nước vừa phải – là một phương pháp tốt”. Bởi với 200ml có thể giúp cho sự bài tiết dễ dàng, tạo thuận lợi cho quá trình thay đổi cũ mới, chống táo, chống độc… Uống nước phải theo nhu cầu của cơ thể về nước hằng ngày và phải biết cách uống cho đúng.

Trong trạng thái sinh lý bình thường, ở nhiệt độ môi trường khoảng 20 – 25 độ C, một người lao động trí óc trung bình cần 1,5 – 2 lít nước tùy theo cỡ người (trung bình 1,7 lít) cho 24 giờ. Lượng nước này một phần đã có trong thức ăn, trong rau quả, cơm, canh… Lượng nước mỗi người cần uống thêm hằng ngày 1- 1,2 lít. Làm việc nơi nóng nực về mùa hè, khi ra mồ hôi nhiều, khi làm việc nặng đều cần đến nước nhiều hơn. Về mùa lạnh ít ra mồ hôi, làm việc nhẹ thì cần ít nước hơn đôi chút…

Uống nước đúng, đủ chẳng những biết tránh những thức uống có hại mà còn phải biết tăng giảm theo nhu cầu khi trạng thái sức khỏe thay đổi. Nếu gặp các biến cố như viêm nhiễm đường tiết niệu, sốt cao, tiêu chảy, ăn phải chất độc, dị ứng… tức là khi cần một chế độ lợi tiểu hơn là cần thuốc thì phải tăng cường nước uống vào, có thể dùng nước chanh, nước hoa quả, nước trà loãng (ít đường)… để giúp cơ thể đào thải chất độc dễ dàng. Bởi trong những trường hợp này, nếu hằng ngày đi tiểu được nhiều thì bệnh nhanh chóng lành, người chóng khỏe.

Và phải biết uống nước đúng như không ai tăng lượng nước uống khi đang bị phù nề, cao huyết áp hay bị suy tim. Ngược lại, không được giảm nước uống khi cơ thể đang bị mất nước do tiêu chảy, do nôn mửa nhiều hoặc do sốt mà nước tiểu vàng đặc…

Uống quá nhiều nước có hại đã đành, song thói quen uống ít nước cũng không hợp với chế độ vệ sinh bảo vệ cơ thể. Điều này dẫn tới sự tăng cao nồng độ các chất có hại trong nước tiểu, bao giờ tỉ trọng nước tiểu cũng tăng cao, có thể lắng đọng trong bể thận, trong bàng quang, gây nên sỏi ở các bộ phận đó. Đó là chưa kể những hậu quả xấu cho cơ thể do sự đào thải các chất cặn bã vì thiếu nước ứ đọng lại gây nên.

Đúng và đủ

Theo GS.TSKH Hoàng Tuấn, uống nước đúng và đủ không có nghĩa là uống một lúc một lượng nước rất lớn (hàng ca to hay cả lít) mà phải uống làm nhiều lần trong ngày, mỗi lần một lượng vừa phải. Khi đi nắng, khát nước nhiều, cũng không nên uống một hơi thật nhiều cho “đã khát”. Uống quá nhiều nước một lúc sẽ làm tăng đột ngột lượng nước lưu thông trong máu gây nên trạng thái “quá tải” của tim có thể gây giãn cơ tim hay cơn cao huyết áp đột ngột.

Theo Tuổi trẻ

Exit mobile version