Những năm gần đây, Dubai là một trong những điểm đến thu hút du khách mong muốn tìm trải nghiệm văn hoá mới ngay tại xứ sở của các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất.
Cũng giống như Singapore, Hàn Quốc hay Nhật Bản, Dubai có những giá trị truyền thống riêng bên cạnh sự phát triển về cơ sở vật chất, những khu du lịch nổi tiếng “mọc như nấm” và nhiều nét đặc trưng về ẩm thực thu hút khách du lịch châu Á.
Dubai đang là điểm đến tại Châu Á hấp dẫn khách du lịch quốc tế trong 3 năm gần đây. (Ảnh: Smart Cities World)
Theo thống kê từ Tổng cục du lịch vào đầu năm 2019 cho biết, số lượng khách quốc tế đến với thành phố đang nổi tiếng này đạt gần 16 triệu lượt vào năm 2018, tăng 0,8% so với năm 2017.
Sự tăng trưởng đều đặn này cũng là một trong những điều hấp dẫn kích thích nhu cầu check-in cả thế giới của những ai đam mê du lịch.
Tuy nhiên, vì tôn giáo và văn hoá có phần khác những quốc gia khác ở châu Á nên những điều cấm kỵ tại nơi đây cũng trở nên đặc biệt.
Thậm chí, nếu không tìm hiểu kĩ trước khi soạn hành lí hay văn hoá giao tiếp đặc trưng của người dân tại Dubai, khả năng cao bạn phải đối diện với mức phạt tiền với con số ngất ngưởng hoặc phải “bóc lịch” vài tháng trong trại giam.
1. Bị bắt giam nếu mang thuốc cảm cúm
Nghe có vẻ hơi vô lí nhưng thực tế, du khách nếu vô ý để quên một vài loại thuốc, vật phẩm để bảo vệ sức khoẻ trong chuyến đi, thì rất có thể phải chịu mức án vài tháng tù giam.
Tại Dubai, người ta cho rằng vật phẩm này là “liều thuốc độc” nên cực kì kiêng nếu bất kì ai mang thuốc “nhập cảnh” cùng.
Danh sách dài những loại thuốc bị cấm tại Dubai, thậm chí dầu gió, thuốc cảm cúm, an thần, đau nhức khớp… cũng không được phép để vào vali du lịch khi đến Dubai.
Hãy cẩn trọng với việc mang thuốc theo bên mình vì đây có thể xem là “chất cấm” tại Dubai. (Ảnh: Vietnamnet)
Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ nếu bạn chứng minh được mang thuốc vào Dubai là trường hợp bất đắc dĩ phải sử dụng khi đi kèm với đơn yêu cầu của bác sĩ và liều lượng cho phép cũng chỉ rất nhỏ.
Đây cũng là một trong những cách “lách luật” khi bạn có thể yên tâm mang thuốc khi có giấy chứng nhận từ bác sĩ.
Câu hỏi đặt ra, nếu mang thuốc thì sẽ xử lí huống đau ốm thế nào khi đi du lịch tại đây, nhất là khi các dịch vụ y tế rất đắt đỏ? Theo kinh nghiệm, việc mua bảo hiểm du lịch là điều cần thiết để xử lí các trường hợp bất khả kháng phải tới y tế, bệnh viện.
Tất nhiên, khoản phí sẽ được hoàn trả nếu mua đầy đủ bảo hiểm về du lịch trước khi đi.
Việc mua bảo hiểm du lịch với du khách lần đầu tới Dubai rất cần thiết. (Ảnh minh hoạ)
2. Đừng trêu ghẹo, đùa giỡn với phụ nữ Hồi giáo
Tại Dubai, đạo Hồi là tôn giáo chính và những người phụ nữ có những nguyên tắc cấm kị riêng khi tiếp xúc với nam giới, ngay cả chuyện ăn mặc cũng có phần kín đáo hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.
Vậy nên, tuyệt đối đừng chọc ghẹo, đùa giỡn, có hành động khiếm nhã với họ nếu không muốn bị bắt giam ngay lập tức.
Việc bắt tay với phụ nữ cũng là điều tối kị cần lưu ý. Bạn có thể đặt một tay lên ngực trái và hơi cúi người để chào hỏi.
Ngay cả việc bạn bàn tán, nhìn chăm chăm quá lâu về phía người phụ nữ đạo Hồi cũng được xem là hình thức “quấy rối”.
Bạn sẽ gặp rắc rối lớn khi liên tục nhìn chăm chăm, trêu ghẹo phụ nữ có đạo Hồi tại Dubai. (Ảnh: Top Ten Travel)
3. Chụp ảnh không xin phép sẽ bị phạt nặng, bắt giam
Thậm chí ngay cả việc chụp ảnh với phụ nữ tại Dubai cũng trở thành điều cấm. Tại thành phố này và các tiểu vương quốc Ả rập, bất kì khách du lịch muốn chụp ảnh với người dân địa phương phải xin phép.
Một số nơi trong thành phố cũng cấm sử dụng máy ảnh, nên du khách phải quan sát khu vực biển báo trước khi tác nghiệp hay chụp kỉ niệm.
Ngoài ra, các khu vực sân bay, bến tàu, các tòa nhà của chính phủ, các khu quân sự và công nghiệp… đều nằm trong diện cấm chụp ảnh. Nếu lỡ cầm máy, bạn sẽ gặp rắc rối với chính quyền địa phương.
Khách du lịch chỉ được chụp ảnh trong một số khu vực cho phép, đặc biệt không nên cố gắng chụp ảnh người dân Dubai nếu không được cho phép. (Ảnh: Visa)
Theo quy định của quốc gia này, việc chụp ảnh một người mà không có sự đồng ý của họ bị coi là phạm tội.
Và nếu bạn đăng những hình ảnh này lên các phương tiện truyền thông thì tội càng nặng. Bạn có thể bị phạt tới 500.000 Dh (tương đương hơn 3 tỉ đồng) và bị phạt tù sáu tháng, bị trục xuất vì hành vi này.
4. Phạt từ 1 năm tù tới chung thân nếu uống bia ngoài đường
Việc uống bia với hội bạn thân như một cách giao tiếp thông thường tưởng chừng là một thói quen vô hại, nhưng hãy cẩn thận hành động này khi đến Dubai.
Thực tế, thành phố này xem việc uống bia là hành động xấu không thể tha thứ và chỉ có những ai trên 21 tuổi mới được sử dụng thức uống có cồn.
Tuy nhiên, Dubai cũng không quá khắt khe về vấn đề này khi có một số cửa hàng miễn thuế tại trung tâm vẫn cho phép du khách uống bia, nhưng số lượng chỉ hạn chế tối đa 4 chai. Ngoài ra, các nhà hàng, quán bar cũng là tụ điểm tốt để nhâm nhi.
Nếu muốn bia, khách du lịch nên tới quán bar, nhà hàng thay vì nơi công cộng. (Ảnh: Tri thức)
Tuyệt đối không mang thức uống tới nơi công cộng vì bạn sẽ bị bắt giam ngay lập tức và nhận mức án phạt tù 1 năm hoặc chung thân tuỳ mức độ, số lượng.
5. Phạt hành chính hoặc trục xuất vì văng tục, chửi thề
Nói bậy, chửi tục hay có những cử chỉ thô lỗ (như giơ ngón tay giữa) là hành vi phạm tội ở Các nước Tiểu Vương quốc Ả Rập (UAE).
Khách du lịch phải đối diện mức án phạt tới một năm tù và mức phạt cao tới 10.000 Dh (khoảng 60 triệu) khi chửi thề nơi công cộng.
Kể cả bạn dùng “ngón tay thối” để chửi thề thì cũng bị coi là vi phạm và không tôn trọng người Hồi giáo và có thể bị trục xuất.
Nếu sử dụng các từ ngữ chửi thề trong trong tin nhắn WhatsApp hoặc bất kì phương tiện truyền thông nào bạn sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 250.000 Dh (khoảng1,5 tỉ) và án tù hoặc trục xuất. (Ảnh: Vietnamnet)
Vào tháng 10/2017, một trường hợp đã xảy ra tại Dubai khi khách du lịch Jordan đã bị tòa đưa ra mức án 3 tháng tù, phạt tiền 1.360 USD và bị trục xuất khỏi Dubai sau khi mãn hạn. Nguyên nhân chàng trai 28 tuổi này gặp rắc rối với pháp luật là say rượu, chửi thề và dùng lời lẽ xúc phạm tới đạo Hồi – đạo chính ở đây.
6. Không mặc bikini từ khách sạn ra bãi biển
Quy định này tưởng là rất vô lí nhưng thực tế nó vẫn tồn tại ở Dubai khi bạn sẽ bị xếp vào hành động trái pháp luật nếu mặc đồ bơi, bikini hoặc trang phục quá gợi cảm ở bãi biển.
Theo quy định, phụ nữ ở Dubai họ sẽ mặc bikini đi tắm biển nhưng tuyệt đối không bao giờ mặc từ khách sạn đi ra hay đi dạo trên đường về khách sạn, vì hành động như vậy sẽ bị bắt giam.
Khách du lịch nữ chỉ được mặc bikini tại bãi biển và phải mặc kín đáo từ khách sạn tới bãi biển. (Ảnh minh hoạ)
Những trang phục gợi cảm dành cho phụ nữ bị cấm tại Dubai. (Ảnh: wikihow)
Ở Dubai, phụ nữ sẽ bị coi là người không đứng đắn khi ăn mặc hở hang, diện những bộ quần áo xuyên thấu, quá ngắn lên đến tận mông.
Đối với nam giới họ sẽ bị cấm đeo dây chuyền và phải mặc quần dài
7. Không đổi tiền, sử dụng tiền giả tại Dubai trên phố
Du khách nên cân nhắc việc đổi tiền trên phố trực tiếp vì rất có thể, bạn sẽ trở thành mục tiêu của tội phạm. Kinh nghiệm cho thấy, bạn chỉ nên đổi từ USD sang Dirham tại các ngân hàng, khách sạn hay trung tâm mua sắm. Ngoài ra, bạn phải kiểm tra thật kĩ số tiền được nhận vì rất có thể bạn sẽ gặp tình huống xấu nếu lỡ nhận tiền giả.
Hãy cẩn trọng với những đồng tiền Dirham bạn đổi được vì nếu dính nhầm một tờ tiền giả, bạn sẽ đứng trước nguy cơ phạt tù. (Ảnh: Abay)
Giống như ở Việt Nam, việc lưu hành tiền giả là phạm pháp. Nếu lỡ đổi tiền trên các con phố, bạn sẽ bị lừa khi có tiền giả trong số bạn nhận. Nếu sử dụng và bị phát hiện, việc phạt tù là điều khó tránh khỏi.
Từng có trường hợp tương tự khi du khách Việt Nam bị bắt 1 tháng để tiến hành điều tra vì lỡ sử dụng tiền giả do không biết bị lừa gạt trong quá trình đổi tiền. Sau khi được thả ra, người này đã bị trục xuất ngay về nước.
8. Cẩn trọng việc thân mật quá mức cho phép với bạn đồng giới
Dubai được xếp vào nơi có sự khắt khe rất lớn với cộng đồng LGBT, không thoải mái công nhận việc đồng tính như các nước khác ở khu vực châu Á. Ở đất nước giàu có này, bất kì sự thân mật quá mức cho phép giữa hai người đồng giới đều coi là phạm tội và bị bắt giữ ngay lập tức.
Bạn không nên thể hiện tình cảm công khai tại Dubai. (Ảnh: flickr)
Những cử chỉ như nắm tay, ôm hôn… giữa các nhóm bạn thân đồng giới hay cặp đôi đồng tính sẽ dễ bị “lọt vào tầm ngắm” của cảnh sát địa phương.
Theo chia sẻ của một du khách Việt Nam, họ đang từng chứng kiến cảnh cặp đôi nam hể hiện sự thân mật trên du thuyền và kết quả họ đã bị bắt giam 1 tháng bởi lí do có mối quan hệ đồng tính.
Đừng biểu lộ tình cảm ở nơi công cộng trên lãnh thổ UAE. (Ảnh: Playbuzz)
9. Cẩn trọng việc trai gái chưa kết hôn nhưng ngủ chung phòng
“Ăn cơm trước kẻng” không còn là vấn đề quá nghiêm trọng trong xã hội hiện nay. Ngay cả tại các quốc gia phương Đông vốn coi trọng trinh tiết người phụ nữ, điều này cũng đã trở nên cởi mở hơn.
Tuy thế, nếu bạn đi du lịch Dubai cùng bạn trai/gái hoặc vợ/chồng chưa cưới cũng không nên thuê chung phòng khách sạn ở đây.
Ở Dubai, tình dục trước hôn nhân bị coi là phạm tội hình sự, có thể bị phạt rất nặng hoặc ngồi tù. Rất nhiều du khách từng gặp rắc rối ở Dubai vì vi phạm lệnh cấm này.
Ngoài ra, thanh thiếu niên chưa đủ 18 tuổi thuê và ở trong phòng khách sạn một mình là điều bất hợp pháp ở UAE. (Ảnh: Lifehacker Australia)
10. Không ăn hoặc mang những món liên quan tới thịt heo ở Dubai
Tại Dubai, thịt heo được xem là “món cấm” với các tín đồ Hồi giáo. Vậy nên cần cẩn trọng với những loại thực phẩm từ heo nếu bạn không muốn rơi vào tình huống xấu với chính quyền ở đây.
Ngoài ra khi đến Dubai, du khách cần lưu ý tới văn hoá lễ hội vào những dịp đặc biệt. Lễ Ramadan (tháng ăn chay) là thời gian những người theo đạo Hồi nhịn ăn, uống, hút thuốc từ lúc mặt trời mọc đến khi lặn.
Do vậy tất cả các tiệm ăn uống, kinh doanh trên phố đều đóng cửa. Bạn chỉ có thể mua đồ ăn tại các khu chợ mở ban đêm hay một số nhà hàng trong khách sạn.
Giáo đồ Hồi giáo không ăn làm thịt heo, nên cần lưu ý trong việc mang thức ăn từ thịt heo tới Dubai. (Ảnh: Vietnamnet)
11. Không nên dùng tay trái để ăn
Nếu bạn thuận tay trái trong việc ăn uống thì cần cẩn trọng vì theo văn hoá của đạo Hồi tại Dubai, tay trái là không sạch. Đặc biệt khi dùng bữa xong, hãy để lại một chút thức ăn vì điều đó được cho là lịch sự.
Du khách không nên dùng tay trái để ăn trên bàn tiệc. (Ảnh: CafeBiz)
12. Ăn uống trên phương tiện giao thông công cộng
Cũng như văn hoá di chuyển tại các nước châu Á khác, việc ăn uống hoàn toàn bị cấm khi du khách đang ở trên các phương tiện công cộng tại Dubai. Nếu bị bắt quả tang đang tiêu thụ thực phẩm và đồ uống trên đường thì bạn có thể bị phạt cao nhất là 100 Dh (tương đương hơn 500.000 đồng).
13. Hút thuốc trong thang máy, nơi có máy lạnh sẽ bị phạt
Hút thuốc phải nên đúng chỗ nơi mà có những thùng rác để gạc tàn thuốc trên đường phố. Nếu bạn hút thuốc tại nơi có máy lạnh, trong thang máy sẽ bị phạt tiền rất nặng. Ngoài ra vào tháng 7 tháng ăn chay (Ramadan) cùa Dubai không được phép hút thuốc cho đến sau 19h cùng ngày, dù bất kể nơi nào, ở ngoài đường hay ở những nơi được hút thuốc.
Du khách nên chú ý những biển báo có kí hiệu cấm thuốc hút tại một số nơi, vì nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền. (Ảnh minh hoạ)