Họ đi bộ rất nhiều. Họ qua những cánh đồng. Họ đến những con sông. Họ ngồi thật lâu trước sân đình hoặc cùng nhau đến ngôi chùa làng gần đấy…
LTS: Sau khi tác giả đăng bài viết này lên trang cá nhân, một cô gái – con của người đàn ông này đã lặng lẽ vào nói lời cảm ơn và biểu thị emotion là một nụ cười hạnh phúc. Mời độc giả đọc câu chuyện về người cha của cô ấy…
“Bố đã hoàn thành nhiệm vụ của mình khi vượt qua hết các nỗi sợ để sống cùng các con và điều chắc chắn ngày tới đây bố sẽ không ở lại được nữa. Các con hãy tiếp tục thay bố yêu thương mẹ của các con như bà ấy đã từng yêu thương bố và các con”.
5 năm nay, từ khi ông bị bệnh, dường như tuần nào ông cũng dặn các con ông điều đó. Dù cuộc sống đếm bằng ngày, ông vẫn luôn nghĩ cho người phụ nữ đã dành trọn cả cuộc đời cho bố con ông.
Tôi gọi ông là một người cha đặc biệt, đúng hơn là một người đàn ông đặc biệt. Cả một đời thanh liêm làm gương cho con cái, trung thực để dạy con sự trung thực, nhân hậu để truyền cho con tấm lòng nhân hậu, nghiêm khắc để con noi theo sự nghiêm khắc, chung thuỷ để cho con hiểu bài học về sự hạnh phúc.
Và bây giờ, ông phải mạnh mẽ gấp nhiều lần, để chứng minh cho con mình thấy sự mạnh mẽ nó kỳ diệu đến thế nào.
Ông bị ung thư gan, căn bệnh mà nếu xét theo những gì đang diễn ra bên ngoài, thì hiếm có người bệnh nào có thể sống sót qua 1 năm. Thông thường là 4-6 tháng. Và kéo theo là một không khí buồn nản, u uất trùm kín cả người bị bệnh lẫn gia đình người bệnh. Đấy là chưa kể đến những khánh kiệt tiền bạc trong cái điều kiện chúng ta hiện nay.
Ông biết trước những điều đó, và chuẩn bị cho mình một kế hoạch sống trước khi qua đời.
1/ Không đến bệnh viện chữa bệnh.
Ông nói với các con: Ngay bản thân bố, đến bệnh viện nhìn cảnh nằm chồng đống, tất cả mọi người xung quanh đều xanh xao vàng vọt, có khi không chết vì bệnh mà chết vì tâm lý. Các con hãy nhớ với người bị ung thư, tâm lý không ổn là thứ làm người ta chết nhanh nhất.
Một lý do khác ông đưa ra: Các con cứ nghĩ xem, đằng nào cũng chết, tốn bao nhiêu tiền thuốc, phải nhìn bao nhiêu bất công diễn ra… tự dưng những ngày cuối đời mua thêm buồn bực đâu đáng.
Dĩ nhiên, các con ông cũng hiểu, phía sau nữa là ông không muốn các con tốn kém, bỏ công bỏ việc đi chăm bệnh, mà có khi người bệnh bệnh thêm, người khoẻ cũng thành bệnh.
2/ Ăn chay.
Ông theo đạo Phật, tháng ăn chay 2 ngày. Từ khi bị bệnh ông chuyển hẳn sang ăn chay trường bằng chế độ gạo lứt muối mè. Vợ ông cũng ăn chay cùng ông, hai ông bà ăn chế độ riêng còn các con cháu vẫn ăn mặn.
3/ Tập thể dục nhiều.
Ông dành thời gian cho khí công và một số môn thể dục nhẹ. Thế nên những năm đầu ít ai hình dung được ông là một bệnh nhân mang căn bệnh nan y trong người bởi vì dáng vẻ bề ngoài khá linh hoạt của ông.
4/ Kết nối con cháu với họ hàng thân thích.
Ông cho con cháu biết họ hàng của mình gồm những ai, họ đang ở đâu, làm gì. Ông đã làm sợi dây kết nối để anh em họ hàng gắn chặt với nhau hơn. Ông cũng dạy con cháu các nghi thức kính lễ tổ tiên và hướng thiện cho con cháu những ý thức nguồn cội và sống an nhiên theo tinh thần đạo Phật.
5/ Vui sống với con cháu và đặc biệt là với người phụ nữ của cuộc đời ông.
Con cháu lúc nào cũng thấy ông vui, xem ti vi, nghe nhạc, xem bóng đá. Những ngày nghỉ, ông vẫn thăm các cháu nội ngoại của mình và chơi với cháu như những người bạn.
Mỗi ngày, người ta thường thấy hai ông bà cụ dắt nhau đi dạo. Người phụ nữ ấy mang theo chai nước, họ đi bộ rất nhiều. Họ qua những cánh đồng. Họ đến những con sông. Họ ngồi thật lâu trước sân đình hoặc cùng nhau đến ngôi chùa làng gần đấy. Gặp ai họ cũng cười thân thiện và thăm hỏi mọi người. Họ đã dành cho nhau hết tất cả thời gian mà mấy chục năm đi qua, vì cuộc sống mưu sinh họ đã không dành cho nhau trọn vẹn đến như thế.
Và bạn biết đấy, ông là bệnh nhân ung thư gan sống vui qua năm thứ 5 rồi. Chẳng bao giờ con cháu thấy ông nhăn nhó vì những cơn đau. Chính cách sống mà ông chọn, sự an nhiên mà ông có, đã khiến cho cuộc sống của tất cả con cháu không có gì xáo trộn và ngược lại, họ cũng nhận được rất nhiều bài học từ phía cha mình.
Ông đã có một kế hoạch thật hoàn hảo và giờ đây sau 5 năm, ông đã đi gần đến những ngày cuối cùng của kế hoạch nhưng hồ như vẫn không có điều gì xáo trộn về mặt tinh thần. Chân ông đã teo lại dần. Những bữa ăn ít lại. Tóm lại là ngay cả ông và những người thân đã chuẩn bị tinh thần cho ngày ra đi của ông. Nhưng họ không ủ rũ hay đau buồn mà cảm thấy bình yên, khi ông đã sống trọn vẹn một cuộc đời rất đẹp.
Ông nói với con cháu hãy hoả táng ông và lấy gio rải trên biển, nhưng con cháu thuyết phục ông lấy gio giữ cốt để đưa ông về nghĩa trang nơi tổ tiên ông đang nằm đó. Ông đồng ý.
Ông là người hạnh phúc. Hạnh phúc cho đến phút cuối cùng.
Tôi nghĩ rằng, hạnh phúc là do mình chọn cách sống, đúng hơn là do mình sống như thế nào kể cả trong những tình huống cam go nhất của cuộc đời mình. Bởi sống cho trọn vẹn, cho bình an mới khó, chứ chết thì ai rồi chẳng đến lúc, phải không?
Hoàng Nguyên Vũ, theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: Soha