Hạnh phúc là những điều giản đơn, không xa xôi, không khó tìm.
Câu chuyện:
Một người đàn ông già sống trong ngôi làng nhỏ, cả làng cảm thấy phiền vì ông ta luôn phàn nàn, khiến cho mọi người xung quanh cảm thấy tâm trạng u ám. Càng ngày, ông ta càng khiến mọi người xung quanh khó chịu.
Ông luôn khiến những người gặp mặt ông cảm thấy bất hạnh. Vì thế, tất cả người trong làng đều cố gắng hết sức để tránh đối mặt với ông ta.
Nhưng một ngày nọ, khi ông già bước sang tuổi 80, mọi người ngạc nhiên bởi tin đồn: “Hôm nay là một ngày hạnh phúc với ông già. Ông không phàn nàn bất cứ điều gì. Ông không hề nhăn nhó, thậm chí còn cười tươi rất nhiều”.
Dân làng tụ tập quanh người đàn ông và hỏi: “Điều gì đã xảy ra với ông thế?”.
“Không có gì đặc biệt cả. 80 năm qua tôi đã cố gắng theo đuổi hạnh phúc nhưng không có tác dụng gì cả. Tôi vừa quyết định sống mà không cần có hạnh phúc, chỉ cần tận hưởng hiện tại thôi. Thật ngạc nhiên, đó cũng là lúc tôi cảm thấy hạnh phúc nhất từ trước đến giờ”.
Bài học:
Hóa ra, hạnh phúc chẳng phải là một điều gì đó phức tạp khiến con người ta tìm mãi không ra. Hạnh phúc đơn giản chỉ là những niềm vui nhỏ nhặt mà người tinh ý sẽ biết lượm lặt, gom góp, tạo nên những điều kì diệu trong cuộc sống. Dưới đây là 7 cách vô cùng dễ làm để có được hạnh phúc.
1. Đừng dồn nén, khó chịu hãy cứ nói ra
Sự khó chịu hay bực dọc về vấn đề nào đó không ảnh hưởng quá nhiều tới việc sống hạnh phúc mỗi ngày như nhiều người vẫn tưởng tượng. Thế nhưng, khi bạn khó chịu với một điều gì đó và nói nó ra, não bộ sẽ sản sinh serotonin giống với khi bạn nói cám ơn. Một khi bực dọc được thổ lộ, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn và đôi khi còn nhìn thấy sự tích cực từ những nỗi bực tức này.
2. Tập suy nghĩ lạc quan
Có thể bạn đã gặp nhiều khó khăn, trắc trở nên bạn nhìn đâu cũng thấy “màu xám”. Hãy tập cho mình một lối suy nghĩ thiên về “màu hồng” để bạn cân bằng được trạng thái tinh thần của mình. Đôi khi chỉ cần nghĩ thế và quyết tâm đạt được mục tiêu thì bạn sẽ thành công, ngược lại nếu cứ nói: “Tôi sợ không làm được… tôi sẽ thất bại” thì bạn đã nắm chắc thất bại 50% rồi.
Nếu không thể tự mình suy nghĩ lạc quan được, bạn có thể làm quen và trò chuyện với những người vui vẻ, học hỏi ở họ khiếu hài hước. Trong trường hợp này, bạn bè sẽ giúp được mình nhiều điều đấy!
3. Cho đi là nhận lại
Có vô số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người dành thời gian để giúp đỡ người khác thường cảm thấy hạnh phúc hơn. Sự giúp đỡ ở đây có thể đến từ những hành động đơn giản tại công sở, trường học, trên đường phố đến các công việc tình nguyện vì cộng đồng.
Trong cuốn sách The Paradox of Generosity, nhà xã hội học Christian Smith và Hilary Davidson cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa sự hào phóng và hạnh phúc. Ở đây, niềm vui của nguời được giúp đỡ chính là phần thưởng, nó có ảnh hưởng tích cực giống như bất cứ một món quà giá trị nào.
4. Học hỏi từ những đứa trẻ
Ai cũng có thời thơ ấu với nhiều kỷ niệm đẹp, khó quên. Chúng ta cũng từng là những đứa trẻ, sống không vội vàng, luôn nhìn cuộc sống bằng ánh mắt trong veo và tâm hồn ngây thơ.
Công việc, áp lực đôi khi khiến con người quên mất điều này. Vì vậy, để có cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, bạn hãy nhìn vào cách sống của những đứa trẻ để học hỏi.
5. Thử một điều gì đó mới
Đi trên con đường khác tới nơi làm việc, bắt chuyện một người lạ, hoặc thử nghiệm điều gì đó bạn chưa từng làm trong quá khứ… là cách không để sự ham học hỏi của bạn chết trong công việc buồn tẻ.
6. Hòa mình vào thiên nhiên
Hòa mình với thiên nhiên, bạn sẽ quên được mọi mệt mỏi, áp lực của công việc và cuộc sống thường nhật.
Lúc này, tâm trạng bạn sẽ thoải mái, bình tĩnh, có thời gian suy xét mọi việc thấu đáo hơn. Đây cũng là một trong những cách nạp năng lượng, lấy lại tinh thần khá tốt.
7. Chơi thể thao, hoạt động
Hoạt động nhiều cũng là một cách để giải tỏa căng thẳng cho tâm trí. Một khi ta suy nghĩ quá nhiều, hoạt động một chút sẽ giúp bản thân được giải tỏa, vấn đề như nhẹ nhàng hơn đôi khi ta còn đưa được ra giải pháp cho nó. Khi hoạt động, cơ thể sản sinh ra endorphin, một hợp chất có tác dụng giảm đau tức thì và thay đổi tâm trạng.
Bạn không cần phải chạy cả giờ đồng hồ hay tập luyện căng thẳng để có được điều này, chỉ cần đi lại nhẹ nhàng quanh bàn làm việc hay thực hiện những động tác giãn cơ đơn giản cũng có thể khiến quá trình sản sinh endorphin được kích hoạt.
V.D (Tổng hợp)
Theo Trí Thức Trẻ